Mùa Đại hội cổ đông 2020: Cổ đông ngân hàng nào sẽ có cổ tức?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tháng 4/2021 là cao điểm mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng với ít nhất 14 ngân hàng đã tổ chức hoặc công bố kế hoạch cụ thể. Một lần nữa, câu chuyện cổ tức ngân hàng lại được chú ý.

Dồn dập đại hội cổ đông

Ngoài ACB – vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 6/4 - một loạt ngân hàng cũng đang lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ trong nửa cuối tháng này.

Cụ thể, VietinBank sẽ tổ chức ĐHCĐ vào 16/4 tới. Tiếp theo là hàng loạt ngân hàng TMCP khác cũng dồn dập lên kế hoạch ĐHCĐ.

Trong đó, Ngân hàng SHB sẽ tổ chức vào ngày 22/4. Ngày 23/4 sẽ có hàng loạt ngân hàng cùng tổ chức ĐHCĐ, bao gồm: SeABank, TPBank, HDBank, Sacombank, Vietcombank;

Tiếp theo là ĐHCĐcác ngân hàng: Techcombank, PVcombank (24/4); BacABank, NCB (26/4), MB (27/4), OCB (28/4);

VPBank, NamABank, ABBank, LienVietPostBank sẽ cùng tổ chức ĐHCĐ vào ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ - ngày 29/4.

Đáng chú ý là trường hợp Eximbank. Ngân hàng này có kế hoạch tổ chức ĐHCĐ năm 2019 và 2020 liên tục trong 2 ngày 26/4 và 27/4. Trước đó, ĐHCĐ năm 2019 của ngân hàng này đã nhiều lần tổ chức bất thành do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông và do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cổ tức rủng rỉnh

Trong tài liệu ĐHCĐ, một trong những nội dung được cổ đông quan tâm nhất là việc chia cổ tức. Năm nay, có một vài ngân hàng công bố không chia cổ tức. Như Techcombank, ngân hàng này tiếp tục trình cổ đông giữ lại hơn 26.700 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Hàng loạt ngân hàng sẽ tiến hành đại hội cổ đông trong nửa cuối tháng 4

Hàng loạt ngân hàng sẽ tiến hành đại hội cổ đông trong nửa cuối tháng 4

Tương tự, VPBank cũng dự kiến không chia cổ tức, giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lai sau trích quỹ bắt buộc là hơn 8.851 tỷ đồng nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Ngân hàng cũng cho biết sẽ trình cổ đông phương án sử dụng toàn bộ cổ phiếu quỹ (từ các nguồn mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức năm 2018 và mua trên sàn giao dịch năm 2019) để tái phát hành cho các cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP và cho các Nhà đầu tư mới vào các thời điểm thích hợp.

VPBank hiện có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ, 15 triệu cổ phiếu trong số đó được dự kiến bán ra với giá ưu đãi bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiế theo chương trình ESOP.

Một số ngân hàng khác như TPBank, Sacombank, Eximbank, SCB hay ABBank cũng trình ĐHCĐ giữ lại cổ tức để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, theo tài liệu đã được công bố, năm nay, Vietinbank dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ trên 12%, trong đó cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% vốn điều lệ và phần còn lại bằng cổ phiếu. Phương án cụ thể sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

MB có kế hoạch chia cổ tức “khủng” tới 35% bằng cổ phiếu, bên cạnh việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). OCB cũng dự kiến chia cổ tức ở mức khoảng 25%, bán cổ phiếu ESOP cho nhân viên và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu.

Tương tự, SHB dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.

Tại Sacombank, sau 5 năm cổ đông ngân hàng này “nhịn” cổ tức để tập trung nguồn lực vào tái cơ cấu thì năm nay, Ngân hàng đã đề xuất với nguồn lợi nhuận giữ lại cao hơn 6.000 tỷ đồng, sẽ chia cổ tức cho cổ đông. Đề xuất này đang chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Vietcombank vừa hoàn tất chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt cho cổ đông vào tháng 1/2021. Năm 2020, các cổ đông ngân hàng này sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu.