- Bắc bộ rét đến 15 độ C kéo dài trong bao lâu?
- Bắc bộ nổi gió, chuyển rét từ đêm nay do không khí lạnh
- Bắc bộ và Trung bộ nhiệt độ tăng vọt trước khi đón không khí lạnh vào cuối tuần
Hiện nay, miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa, nên thời tiết có sự xáo trộn mạnh. Sự giao thoa giữa nóng và lạnh dễ gây ra giông lốc và mưa đá. Gần đây nhất, chiều 25/3, đã xảy ra mưa đá ở Điện Biên, Sơn La, gây nhiều thiệt hại.
Theo cơ quan khí tượng, mưa đá, giông lốc xảy ra do có sự bất ổn định trong khí quyển, sự tranh chấp giữa khối khí nóng và lạnh. Ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, thường có mưa đá khi xuất hiện vùng áp thấp nóng phía Tây và các đợt không khí lạnh đầu mùa, hoặc cuối mùa.
Không khí lạnh tràn xuống, gặp nền nhiệt cao sẵn có, sẽ đẩy khối khí nóng ẩm gần mặt đất bốc lên trên cao, hình thành các đám mây giông mạnh, phát triển theo hướng thẳng đứng. Ngoài ra, rãnh gió Tây trên độ cao 5.000 m cũng là hình thế dễ tạo ra mưa đá.
![]() |
Mưa đá được dự báo xuất hiện nhiều hơn trong tháng 4 này |
Khi nhiệt độ các tầng cao đủ lạnh, các tinh thể băng hình thành trong đám mây sẽ rơi xuống và tiếp tục va chạm kết dính tạo ra những hạt mưa đá có kích thước khác nhau. Vì vậy, đối lưu càng mạnh và kéo dài thì mưa đá càng có khả năng xảy ra trên diện rộng và cường độ mạnh hơn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 5, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông lốc, sét gió giật mạnh khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung ở những khu vực vùng núi và ven biển.
Cũng theo cơ quan dự báo khí tượng, trong tháng 4 này, nhiệt độ trung bình ở Bắc bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN), trong khi đó khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến cao hơn so với TBNN từ 0,5-1,0 độ C; khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C.
![]() |
Không khí lạnh còn hoạt động mạnh trong nửa đầu tháng 4 |
Tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 5-15mm so với TBNN; riêng một số nơi khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ có nơi cao hơn 10-30mm so với TBNN cùng thời kỳ.
Về hoạt động của không khí lạnh, trong 10 ngày đầu tháng 4 không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh hơn so với TBNN, sau đó không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu dần.
Thời kỳ giữa và cuối tháng 4/2025, nắng nóng có xu hướng hoạt động mạnh dần ở Tây Bắc bộ, Trung bộ; đề phòng có nắng nóng gay gắt. Nắng nóng cũng tiếp tục xuất hiện diện rộng tại khu vực miền Đông Nam bộ và có xu hướng gia tăng ở khu vực Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ.
Trước đó, vào chiều ngày 23 và 25/3, trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Sơn La đã xuất hiện mưa đá gây hậu quả khá lớn cho người dân.
Tại Điện Biên mưa đá, giông lốc đã làm hư hỏng 65 ngôi nhà của người dân; trong đó, ở huyện Mường Nhé, Tuần Giáo có 2 nhà bị thiệt hại 50%. Tuần Giáo là huyện có nhiều nhà dân bị thiệt hại nhất; với tổng số 51 nhà. Về nông nghiệp, có gần 15 ha ngô, rau màu của nông dân huyện Điện Biên bị thiệt hại do mưa đá chiều 25/3.
Tại Sơn La, chiều tối 25/3, tại nhiều xã trên địa bàn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra giông lốc, mưa đá, gây ảnh hưởng đến nhiều nhà cửa và cây cối hoa màu của người dân.