Mua bảo hiểm, liệu có cứu được “đứa con tinh thần”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Để đề phòng trường hợp tác phẩm trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc bị hỏng, mất, một số ý kiến đề cập tới vấn đề mua bảo hiểm. Trên thực tế, đây không phải vấn đề then chốt ở một sân chơi mỹ thuật mang tầm quốc gia.

Ông Mã Thế Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trả lời báo chí

Ông Mã Thế Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trả lời báo chí

Không mấy mặn mà

Đem câu chuyện mua bảo hiểm tác phẩm ra hỏi một số họa sĩ, hầu hết họ đều lắc đầu cho rằng, vấn đề mua bảo hiểm cho tranh thường chỉ dành cho tác phẩm đi dự triển lãm nước ngoài. Còn triển lãm trong nước thì gần như không ai quan tâm. Ví như các triển lãm cá nhân hay triển lãm nhóm, tác giả thường tự tay đóng gói tác phẩm rồi cùng đội ngũ vận chuyển đưa đến tận phòng triển lãm rồi tổ chức trưng bày. Thậm chí, có họa sĩ còn tự tay làm tất cả các công đoạn này. Chính vì sự tỉ mỉ và chỉn chu ấy nên các cuộc triển lãm nhóm và cá nhân đều không xảy ra các sự cố hỏng tác phẩm một cách đầy oan uổng như ở Triển lãm mỹ thuật toàn quốc.

Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, người tham dự nhiều triển lãm quốc tế chia sẻ, khi đưa tranh ra nước ngoài, một trong những yêu cầu bắt buộc của hãng vận chuyển là phải mua bảo hiểm cho tác phẩm. Giá trị mua bảo hiểm sẽ được căn cứ trên giá trị tranh. Tranh càng đắt, họa sĩ sẽ mua bảo hiểm càng cao. Nhưng đúng là khi mua bảo hiểm rồi thì anh hoàn toàn yên tâm cho “đứa con tinh thần” của mình chu du trời Tây mà không nhất thiết phải đi cùng. Vũ Hồng Nguyên còn cho biết, sở dĩ các họa sĩ trong nước không mấy mặn mà với việc mua bảo hiểm cho tranh của họ là vì nguồn thông tin về các hãng bảo hiểm làm công việc này chưa đa dạng và các nghệ sĩ chưa có cơ hội tiếp cận.

Hơn nữa, chỉ những tác phẩm nào có giá trị thì mới bõ để các nghệ sĩ nghĩ đến những rủi ro trong quá trình vận chuyển và trưng bày. Chính vì thế, bảo hiểm cho tác phẩm nghệ thuật vẫn còn khá xa lạ với các nghệ sĩ Việt Nam. Đó là chưa nói đến việc một triển lãm mỹ thuật ở tầm quốc gia, lại do một đơn vị nhà nước tổ chức, thì không ai có thể nghĩ tới những lỗi rất sơ đẳng và nghiệp dư như vậy. Dù nói gì đi nữa, sự việc cũng đã diễn ra và điều dư luận quan tâm ở đây là bằng cách này hay cách khác, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cần tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ việc và tìm cách khắc phục cho triển lãm lần này và các lần tổ chức tiếp theo.

Tranh bị hư hỏng như thế này thì tất cả những lời giải thích đều không thể khỏa lấp được nỗi bức xúc của các họa sĩ

Tranh bị hư hỏng như thế này thì tất cả những lời giải thích đều không thể khỏa lấp được nỗi bức xúc của các họa sĩ

Cần thay đổi cách tổ chức

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã thẳng thắn thừa nhận, nguyên nhân chính của tình trạng này là cách thức tổ chức đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Mã Thế Anh - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đề xuất, thay vì tranh cứ được bê ra bê vào để Hội đồng Giám khảo chấm chọn, sau đó lại cất vào kho chờ đến ngày ra mắt công chúng lại mang ra, thì nay tranh phải được treo cố định đến hết triển lãm. Chính công đoạn đưa tác phẩm ra vào kho liên tục đã làm chúng bị hư hỏng.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu mỹ thuật lại có cái nhìn thấu đáo hơn. Theo nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông - Viện nghiên cứu Mỹ thuật (trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), với cách thức tổ chức như hiện nay thì việc tác phẩm bị hỏng hóc chắc chắn còn tái diễn nhiều lần, chỉ khác nhau về mức độ. Cách tổ chức hiện nay là Ban Tổ chức gửi thông báo tới các nghệ sĩ, sau đó anh em trong giới gửi ảnh tác phẩm để Ban Tổ chức sơ loại. Vòng tiếp theo đưa tác phẩm đến để Ban Giám khảo chấm giải cũng có nhiều hạn chế. Đó là không tránh được tính phong trào, thậm chí mang tính vùng miền. Nhiều loại hình đương đại như video art, trình diễn… nếu chấm theo cách này sẽ không chính xác vì chỉ xem qua ảnh là không đủ. Điều đó đã được bộc lộ ở một số tác phẩm sắp đặt gần đây cps chất lượng không tốt.

Ông Vũ Huy Thông đề xuất, Triển lãm mỹ thuật Việt Nam nên mời các giám tuyển tham gia vào quá trình tổ chức. Mỗi khu vực trên toàn quốc sẽ có những người rất am hiểu, họ sẽ chọn ra tác giả và tác phẩm tốt, chất lượng. Hơn nữa, do Hà Nội, TP.HCM không có không gian trưng bày đáp ứng đủ số lượng 500 tác phẩm, khi thực hiện theo cách này sẽ được trưng bày chia nhỏ, không nhất thiết tập trung toàn bộ tác phẩm ở một địa điểm.

Một vấn đề nữa liên quan tới Triển lãm mỹ thuật toàn quốc là khi các nghệ sĩ bỏ qua việc mua bảo hiểm cho tranh, thì khi xảy ra sự cố hỏng hóc, việc bồi thường sẽ tiến hành như thế nào? Hiện nay, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chưa có quy định chi tiết về vấn đề này. Việc bồi thường hầu hết được diễn ra theo cách, tác giả và Ban Tổ chức tự thỏa thuận đầy cảm tính. Tác phẩm bị mất, rách hay xước đều không có cơ sở cụ thể để bồi thường.

Nếu căng thẳng, khi 2 bên đưa nhau ra tòa án, tòa sẽ mời hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá mức độ thiệt hại của tác phẩm, từ đó đề xuất mức bồi thường. Nhưng với giới nghệ sĩ, việc đưa nhau ra tòa để xử lý các vụ việc liên quan tới tác phẩm là rất hiếm hoi. Chính vì thế, thay vì để mức độ sự việc bị đẩy lên cao, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cần tính toán lại cách thức tổ chức hiện nay sao cho thuận tiện và đảm bảo lợi ích cho cả nghệ sĩ, khán giả và Ban Tổ chức.