Mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng cần sa là vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Nhiều người cho rằng cần sa không gây hại, không gây nghiện, lại rất dễ mua bán nên đã buôn bán cần sa để kiếm lời. Họ không biết rằng đây là hành vi mua bán trái phép chất ma túy bị pháp luật nghiêm cấm. Xin hỏi, hành vi mua bán cần sa sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự ra sao? Trần Mạnh Quân (Quận Ba Đình, TP Hà Nội)
Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh

(Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Hiện trên thế giới có một số quốc gia đã chính thức hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cả trong lĩnh vực y tế lẫn giải trí phải kể đến đó là Uruguay, Canada, một số bang của Mỹ. Ngoài ra, việc hợp pháp hóa cần sa trong lĩnh vực y tế còn ở các nước ở Trung và Nam Mỹ khác như Mexico, Ecuador, Brazil, Argentina, Colombia... Tuy nhiên việc mua bán, sử dụng cần sa ở các nước này chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ.

Còn tại Việt Nam, cần sa được xếp vào danh mục I các chất ma túy bị cấm tuyệt đối trong y học và đời sống xã hội theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP Quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng cần sa ở Việt Nam là phạm pháp. Đặc biệt đối với việc mua bán cần sa là hành vi cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

Trong trường hợp mua bán trái phép cần sa sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 251, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017:

“Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy.

1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Đối với 2 người trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;

g) Qua biên giới;

h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1kg;

i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 5 gam đến dưới 30 gam;

k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10kg đến dưới 25kg...”.

Cần sa được xếp vào danh mục các chất ma túy bị cấm tuyệt đối trong y học và đời sống xã hội (Ảnh minh họa)

Cần sa được xếp vào danh mục các chất ma túy bị cấm tuyệt đối trong y học và đời sống xã hội

(Ảnh minh họa)

Về mức hình phạt đối với tội phạm này được Bộ luật Hình sự quy định trong 4 Điều khoản từ cơ bản đến tăng nặng tương ứng với mức độ nghiêm trọng tăng dần của hình phạt và hành vi. Trong điều khoản cơ bản tại khoản 1, khung hình phạt là từ 2 năm đến 7 năm; khoản 2 là từ 7 năm đến 15 năm; khoản 3 là từ 15 năm đến 20 năm; khoản 4 là tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.