Mua bán, chiếm đoạt trái phép biển hiệu, giấy ra vào cơ quan để "ra oai" có thể phải ngồi tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, không ít chủ phương tiện đã sử dụng logo, phù hiệu, giấp phép ra vào trụ sở các cơ quan Nhà nước sai mục đích, nhằm né tránh, đối phó việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của các lực lượng chức năng.

Đã bị phạm còn trưng “giấy phép ra vào” để…dọa

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội trong khi phối hợp với thanh tra giao thông và Phòng CSGT-CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn đã phát hiện xe ôtô Lexus dừng đỗ sai quy định trước cổng Bệnh viện Phụ sản trung ương ở phố Tràng Thi. Do đó, lực lượng chức năng đã nhắc nhở, yêu cầu chủ phương tiện di chuyển.

Thay vì chấp hành hiệu lệnh, lái xe đã thách thức tổ công tác rồi chốt khóa cửa xe, đi vào trong Bệnh viện. Bên trong kính lái của chiếc xe này “trưng” biển hiệu giấy ra vào trụ sở 47 Phạm Văn Đồng (trùng với địa chỉ của Bộ Công an).

Khi bị xử lý vi phạm, lái xe đã thách thức, chốt khóa cửa xe, bỏ đi gây khó khăn cho tổ công tác
Khi bị xử lý vi phạm, lái xe đã thách thức, chốt khóa cửa xe, bỏ đi gây khó khăn cho tổ công tác

Chỉ đến khi xe cẩu đến, lái xe mới ra làm việc với lực lượng chức năng. Tổ công tác đã lập biên bản xử lý vi phạm lái xe về lỗi “Đỗ xe nơi có biển cấm đỗ”. Theo trình bày của lái xe, giấy ra vào trụ sở trên được anh ta mua trên mạng với mục đích để “ra oai”.

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thực tế có không ít chủ phương tiện đã và đang sử dụng chiêu thức này để thị uy, dọa dẫm, thách thức lực lượng chức năng. Điều này khiến người dân đặt câu hỏi: Theo quy định hiện hành, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao? Người mua bán, cho mượn giấy này có phải chịu trách nhiệm?

Mua bán, chiếm đoạt trái phép các loại giấp phép là vi phạm pháp luật

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật hiện hành chưa có quy định chung, thống nhất về việc cấp và sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức.

Do đó, vấn đề này vẫn chủ yếu dựa vào nội quy, quy định của các cơ quan và loại giấy phép này cũng chỉ có hiệu lực đối với việc ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức đã ban hành. Chúng chỉ có giá trị nhận diện phương tiện, giúp cho lực lượng bảo vệ của các cơ quan này dễ dàng nhận biết và quản lý các phương tiện ra vào.

Logo, phù hiệu, giấp phép ra vào trụ sở cũng có thể được các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp ngắn hạn cho các phương tiện phục vụ cho các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội nhất định và sẽ hết giá trị khi kết thúc sự kiện đó. Chúng hoàn toàn không có giá trị pháp lý khi kiểm tra và xử lý vi phạm ATGT.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, việc một số chủ phương tiện sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào sai mục đích nhằm đối phó việc kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT của lực lượng chức năng đã gây khó khăn cho việc kiểm tra và xử lý vi phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan liên quan. Do vậy, cần có những biện pháp quyết liệt để hạn chế hiện tượng này.

“Cá nhân có hành vi mua bán, chiếm đoạt trái phép các loại giấp phép là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo Điều 342 BLHS 2015’’ – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo đó, người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính 10 triệu đồng trở lên…thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm

.