Mua bán bào thai dù nhằm mục đích gì đều là vô nhân đạo, trái thuần phong mỹ tục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tán thành việc bổ sung quy định nghiêm cấm mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi đang là bào thai…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Ngày 28-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đây là dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đến nay về cơ bản dự thảo Luật không có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan và đã có sự thống nhất cao.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu về cơ bản nhất trí cao với nhiều nội dung đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Riêng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 3 dự thảo luật này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Báo cáo từ Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1, Điều 2 để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Ý kiến khác đề nghị thiết kế một điều luật riêng để điều chỉnh hành vi mua bán bào thai; có ý kiến băn khoăn việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người do không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu thảo luận
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu thảo luận

Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra rất đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.

Do vậy, trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống mua bán người từ sớm, từ xa; Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai là rất xác đáng và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đối với ý kiến băn khoăn về việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người, Thường trực Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, hành vi mua bán bào thai cho dù nhằm mục đích gì thì đều là việc làm vô nhân đạo, trái với thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự xã hội, nên cần thiết phải nghiêm cấm.

Từ các lý do trên, dự thảo luật đã được tiếp thu theo hướng: bổ sung 1 khoản (khoản 2) vào Điều 3 hành vi bị nghiêm cấm "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".

Đại biểu Dương Khắc Mai - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Dương Khắc Mai - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Góp ý về nội dung này, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, quy định nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai, thoả thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai là điểm mới. Vì vậy, cần thực hiện rà soát, tham khảo chi tiết các luật liên quan để có sự thống nhất trong thi hành.

Tương tự, ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình cao với việc cần quy định nghiêm cấm mua bán bào thai, song ông bày tỏ băn khoăn rằng trên thực tế diễn ra rất nhiều vấn đề.

"Ví dụ, vợ chồng tôi hiếm muộn, rất cần một đứa con để nuôi. Tôi thỏa thuận với anh A, chị B đang mang thai mà hoàn cảnh khó khăn, hứa sẽ đưa tiền bồi dưỡng để nuôi nấng bào thai. Khi chị B sinh con, giao con cho tôi nuôi, là vấn đề tự thỏa thuận, thì có phải là mua bán hay không?" – đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn ví dụ và đề nghị cân nhắc kỹ, quy định rõ xem đó là hành vi mua bán người hay không?

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) thì góp ý, bên cạnh các hành vi cấm mua bán người và mua bán bào thai, cần bổ sung các quy định cấm việc “gây quỹ” hoặc “tài trợ” cho các hành vi mua bán người nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cho các hoạt động phạm pháp này…

Tại hội nghị, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm - Thứ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý của ĐBQH. Ông cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo luật sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây theo đúng tiến độ.