Mù mờ về “cỏ ngọt Sa Pa”

ANTĐ - Dù UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) đã có văn bản nêu rõ tác hại của loại chè Nhật Sa Pa giả danh cỏ ngọt Sa Pa để người dân cảnh giác và tẩy chay, song hiện tại, loại chè độc hại này đã tràn về Hà Nội, “tung hoành” trên các diễn đàn mạng.

Chè Nhật chiết xuất chất chống nấm

Nhiều năm nay, chè Nhật được bán rộng rãi ở thị trấn Sa Pa. Dù UBND huyện Sa Pa đã có văn bản cảnh báo về tác hại của loại chè này, song, phần lớn người tiêu dùng vẫn không hay biết, vô tư sử dụng.

Thực chất, chè Nhật thuộc họ Tú cầu (Hy drangeare ae). Giống của cây chè Nhật du nhập vào Sa Pa từ khoảng những năm 1992, do Viện Nghiên cứu Dược liệu Trung ương (Bộ Y tế) ký hợp đồng theo đơn đặt hàng với Công ty Honso Nhật Bản, trồng để lấy lá làm nguyên liệu chế biến một loại thuốc hút không chứa chất nicotin. Sau khi xuất khẩu hợp đồng đơn hàng đầu tiên 1 tấn lá khô, phía Nhật đã hạ giá thu mua sản phẩm xuống quá thấp nên Viện Dược liệu đã quyết định ngừng sản xuất loại cây này từ năm 2001. Tuy nhiên, cây chè này vẫn tiếp tục được người dân trồng ở Sa Pa và tự bán ra địa phương, giới thiệu với khách du lịch là trà Nhật hay cỏ ngọt Sa Pa với những công dụng như trên.

Cỏ ngọt Sa Pa giả được rao bán tràn ngập trên mạng

Thực tế, từ năm 2007, Viện Dược liệu Trung ương cũng đã có văn bản nói rõ tác dụng của cây “trà Nhật”. Kết quả nghiên cứu  cho thấy, đây là loại cây có độc tính khá cao. Viện Dược liệu Trung ương đã đề nghị UBND huyện Sa Pa cấm người dân trồng và lưu hành sản phẩm này trên thị trường. Ngay chính ông Tanaka, đại diện của Công ty Honso Nhật Bản cũng đã cho UBND huyện Sa Pa biết về tác hại của sản phẩm chè Nhật đối với sức khỏe con người. Ông cho biết, thực chất, giống cây chè này có nguồn gốc từ Trung Quốc, dùng để chiết xuất hóa chất chống nấm mốc trên tường. UBND huyện Sa Pa cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị người dân không trồng và bán loại chè này trên thị trường. Nhưng nhiều hộ dân vẫn cố tình trồng, chế biến và lưu hành loại dược liệu độc hại này, lập lờ với nhãn mác “cỏ ngọt Sa Pa”.

Phải cứng rắn hơn

Thống kê từ UBND huyện Sa Pa, hiện còn khoảng 28 hộ dân ở Sa Pa trồng loại chè này với sản lượng 5 tấn lá khô/năm.

Hiện, loại chè Nhật này đã tràn về Hà Nội,  được rao bán tràn ngập trên khắp các diễn đàn mạng với giá từ 25.000-30.000 đồng/lạng. Nhiều người bán nhầm lẫn chè Nhật với cỏ ngọt Sa Pa và điềm nhiên giới thiệu công dụng cho khách hàng. Theo một địa chỉ rao bán cỏ ngọt Sa Pa trên Internet, chúng tôi đến ngõ 158 Ngọc Hà, quận Ba Đình. Tại đây, mỗi gói “trà Nhật” cũng được bán với giá khá cao, 50.000 đồng/gói 2 lạng. Người bán giới thiệu, rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, người cắt dạ dày, người bị bệnh béo phì, cần giảm cân, giải độc mát gan, ổn định huyết áp. Và cách sử dụng, mỗi lần lấy 3-4 lá, hãm nước để pha như trà thông thường. Nước xanh nhạt, trong, có vị ngọt tự nhiên, hương thơm đặc trưng. Sản phẩm phù hợp cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tại văn bản cảnh báo về loại chè Nhật trên, ông Hinh khẳng định, tại Sa Pa chưa trồng được cỏ ngọt, vì vậy, tất cả những dược liệu được gắn mác “cỏ ngọt Sa Pa” là giả.

Có thể thấy, dù huyện Sa Pa đã có văn bản cảnh báo, song lượng người biết đến thông tin này còn hạn chế. Với loại dược liệu mang độc tính, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cần có những biện pháp cứng rắn hơn.