Mù mờ nước mắm và nước chấm

ANTD.VN - Mỗi năm, thị trường nội địa tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó 75% là nước mắm công nghiệp, phần nhiều có thành phần là nước, muối, thêm phụ gia thực phẩm. Đáng chú ý, thị trường còn có sự nhập nhằng, lẫn lộn giữa nước mắm với nước chấm khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

75% nước mắm trên thị trường là nước mắm công nghiệp

Từ 5.000 đồng/lít đến 100.000 đồng/lít

Tại phố Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chỉ trên đoạn đường hơn 1km từ ngã tư Minh Khai tới chợ Trương Định, có đến 5-6 công ty, cửa hàng nước mắm lớn, trong đó hầu hết treo biển nước mắm gia truyền. Trong vai khách hàng, chúng tôi vào một cửa hàng nước mắm nằm ngay mặt đường, nơi trưng bày 4 thùng nhựa lớn đựng nước mắm trên nền đất, ở mỗi thùng có ghi sẵn giá tiền từng loại, lần lượt là 5.000 đồng/lít, 7.000 đồng/lít, 10.000 đồng/lít và 15.000 đồng/lít.

Quảng cáo với chúng tôi, chủ cửa hàng cho biết, cơ sở này sản xuất nước mắm gia truyền đã 30 năm nay, mỗi ngày tiêu thụ vài trăm lít với nhiều dòng sản phẩm khác nhau, từ những loại nước mắm dùng để nấu giá chỉ 5.000 - 7.000 đồng/lít (đựng trong các thùng nhựa trắng) đến nước mắm chấm cao cấp 50.000 - 100.000 đồng/lít (chứa trong các bình nước 20 lít màu xanh).

Trong cửa hàng có hàng trăm thùng, can đựng nước mắm nhưng không thùng, can nào có dán nhãn mác, khách muốn mua loại nào thì chủ hàng sẽ chắt mắm luôn từ can, thùng vào chai và tất nhiên cũng không hề có nhãn mác gì.

Hỏi về chất lượng, chủ cửa hàng cam kết “cứ yên tâm vì cá làm mắm nhà chị nhập trực tiếp từ Phan Thiết, Nha Trang về”. Hỏi “sao nước mắm có nhiều loại và chênh lệch giá cao thế”, chủ cửa hàng trả lời rành rọt, “nước mắm càng đắt tiền thì độ đạm càng cao, nước mắm 100.000 đồng/lít là nước mắm cốt xịn”.

Thấy chúng tôi băn khoăn “thế tức là nước mắm 5.000 đồng thì không có đạm?”, chủ cửa hàng bảo, “mắm nào cũng có đạm hết, dù rẻ thì vẫn phải đảm bảo độ đạm”. Lại hỏi, “thế mắm 5.000 đồng/lít khác mắm 10.000 đồng/lít thế nào, hay do phụ gia?”, chủ cửa hàng đáp: “Cái đó khó trả lời lắm”.

Tiếp tục khảo sát thêm tại một số cửa hàng chuyên bán, phân phối nước mắm trong khu vực này, chúng tôi ghi nhận thực trạng kinh doanh tương tự với đủ loại sản phẩm nước mắm khác nhau. Điểm khác biệt nhỏ là có một số cửa hàng đựng mắm bằng các lọ gốm sứ. Còn tại một số cửa hàng chuyên phân phối nước mắm công nghiệp của một số hãng nổi tiếng trong nước, dù có những sản phẩm giá khá rẻ, chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/chai nhưng trên nhãn mác đều cho thấy sản phẩm có độ đạm rất cao. 

Nước mắm cá nhưng không hề có cá

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với doanh thu gần 7.500 tỷ đồng, trong đó có tới 150 triệu lít nước mắm công nghiệp (chiếm 75%). Thế nhưng, bên cạnh những sản phẩm nước mắm công nghiệp chính hãng, thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm nước mắm công nghiệp với thành phần được làm từ nước, muối và hóa chất, trong đó có những vụ việc đã bị phát hiện và xử lý.

Điển hình, giữa tháng 6 vừa qua, Công an TP.HCM đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất nước mắm chui đang chiết xuất hàng nghìn chai nước mắm dán nhãn “nước mắm cá cơm” nhưng thành phần không có bất cứ một loại cá nào mà được sản xuất hoàn toàn bằng nước, muối và hóa chất mua ở chợ Kim Biên… 

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay, trên thị trường có 2 loại chính là nước mắm truyền thống, làm từ cá và nước mắm công nghiệp. Trong đó, nước mắm công nghiệp (sử dụng enzym thủy phân nhanh trong điều kiện chủ động nhất định) ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn nước mắm truyền thống bởi không mặn, không nặng mùi.

Ông Thịnh khẳng định, nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp đều tốt, thế nhưng, do hiện nay vẫn còn sự nhập nhằng trong khái niệm giữa nước mắm và nước chấm cộng thêm tình trạng nước mắm công nghiệp bị làm giả, khiến cho người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận và cứ hễ nhắc đến nước mắm công nghiệp thì lại nghĩ đến nước mắm sử dụng hóa chất, phụ gia. 

“Cơ quan chức năng cần phải làm rõ, rạch ròi khái niệm nước mắm và nước chấm. Các cơ quan chức năng cấp phép cho nước mắm công nghiệp phải thẩm tra chất lượng thật kỹ trước khi cấp phép và giám sát, kiểm tra chặt chẽ, kiên quyết truy đến cùng, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại trong sản xuất nước mắm công nghiệp.Làm thế nào có chuyện nước mắm 5.000 đồng, 7.000 đồng/lít vẫn vào được siêu thị, vẫn đến được bếp ăn của mỗi gia đình rồi vẫn quảng cáo đủ độ đạm, thậm chí có độ đạm cao?"

"Nếu sản xuất nước mắm truyền thống từ cá thì không thể có độ đạm cao được nhưng với khoa học công nghệ hiện nay, người ta hoàn toàn có thể tăng độ đạm trong sản xuất nước mắm công nghiệp, do đó dựa vào độ đạm để đánh giá chất lượng nước mắm là sai lầm. Vì thế, cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và minh bạch thị trường nước mắm, không để nhập nhằng đánh lận con đen” - ông Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng sản xuất nước mắm công nghiệp bằng nhiều loại hóa chất.

Trước đó, từ 1-7-2016, Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai đợt thanh tra, kiểm tra thị trường nước mắm, nước chấm trên diện rộng nhằm làm rõ phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng mập mờ về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm nước mắm, nước chấm. Thế nhưng, đến nay, kết quả cuộc thanh tra này vẫn chưa được công bố.