Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại:

Mụ mị, cả tin mất hàng trăm triệu đồng

ANTĐ - Tự nhận là công chức nhà nước thực thi pháp luật, đồng thời vẽ ra những tình huống “chết người” và đe dọa nếu không nộp tiền sẽ “hối hận”, các đối tượng lừa đảo đã khiến rất nhiều nạn nhân hoảng sợ nhanh chóng ra ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản. 
Mụ mị, cả tin mất hàng trăm triệu đồng ảnh 1

Nghe một cú điện thoại, mất hàng trăm triệu đồng

Giữa tháng 9, sau bữa cơm trưa, đang chuẩn bị đi nghỉ thì chiếc điện thoại bàn tại cửa hàng của chị Nguyễn Kim Hà, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội réo vang. Ở đầu dây bên kia, giọng một nam thanh niên nói chị Hà đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước điện thoại, đồng thời hướng dẫn chị Hà cách thức đăng nhập qua điện thoại để được giải đáp.

Thấy sự việc quá vô lý, bởi tháng nào gia đình cũng đóng đầy đủ tiền cước điện thoại, chị Hà đã làm theo hướng dẫn để được giải đáp. Các đối tượng yêu cầu chị Hà cung cấp số chứng minh nhân dân và khẳng định số chứng minh nhân dân của chị bị làm giả. Tiếp đó, giọng một đối tượng khác khẳng định chị Hà đang liên quan đến một đường dây ma túy “khủng”. Số chứng minh nhân dân, tài khoản của chị hiện đang nằm trong diện điều tra của họ. Các đối tượng dọa sẽ nối máy với bộ phận phòng chống ma túy để làm thủ tục điều tra. Chúng yêu cầu chị Hà cung cấp số tài khoản ngân hàng cùng số tiền có được. 

Vì quá sợ hãi trước những lời dọa dẫm của các đối tượng, chị Hà răm rắp làm theo và chuyển số tiền 250 triệu đồng vào tài khoản đối tượng cung cấp. “Các đối tượng yêu cầu phải chuyển toàn bộ số tiền này vào tài khoản của chúng nếu không sẽ có cán bộ tư pháp đến làm việc. Quá trình điều tra nếu không liên quan sẽ trả lại tiền. Tưởng thật, tôi đã chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản được các đối tượng cung cấp...”-chị Hà thuật lại. Đến ngày hẹn nhưng không thấy vị cán bộ tư pháp nào đến làm việc, lúc này chị Hà mới tất tả đến CAP Đồng Xuân trình báo bị lừa.

Cũng rơi vào bẫy “nợ tiền cước điện thoại”, bà Dương Thị Bích, ở Hàng Bài, Hoàn Kiếm đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo qua điện thoại. Từ số tiền cước điện thoại “nợ” 8 triệu đồng, các đối tượng đã vẽ ra một câu chuyện bà Bích đang “dính” vào một vụ rửa tiền với con số... 18 tỷ đồng. Các đối tượng mạo danh những cán bộ thực thi pháp luật “dọa” nếu bà Bích không chuyển tiền vào tài khoản cho chúng để kiểm tra sẽ phải “làm việc” với cơ quan pháp luật. Không chút nghi ngờ, bà Bích lần lượt chuyển 200 triệu đồng vào 2 tài khoản các đối tượng cung cấp. Có lẽ thấy quá “bở” và dễ “đào”, các đối tượng tiếp tục yêu cầu bà Bích phải chuyển cho chúng thêm 300 triệu đồng vào các tài khoản khác để chúng... kiểm tra. Toàn bộ số tiền này sau đó cũng được bà Bích chuyển cho chúng mà không chút nghi ngờ.

Cẩn trọng trước những thông tin bất ngờ

Sau khi tiếp nhận thông tin trình báo của các bị hại, Đội CSHS CAQ Hoàn Kiếm đã khẩn trương tập trung điều tra. Quá trình xác minh, tất cả các tài khoản ngân hàng mà bị hại chuyển tiền vào đều được cơ quan Công an xác định chủ nhân. Tuy nhiên, khi làm việc với chủ tài khoản, những người này không hề biết chuyện gì xảy ra, bởi trước đó, họ “bán” thông tin cá nhân cho người khác để họ lập tài khoản ngân hàng lấy tên chính mình. Nhưng khi lập xong tài khoản, chủ nhân những tài khoản trên cũng không hề biết người được “trao gửi” tài khoản cá nhân của mình dùng tài khoản này vào việc gì, cho đến khi lực lượng Công an tìm đến.

Tìm hiểu các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, một cán bộ điều tra của Phòng CSHS CATP Hà Nội khẳng định: Phương thức lừa đảo của các đối tượng hầu như không thay đổi, song câu chuyện của chúng lại được thiên biến vạn hóa để nạn nhân tin, lo sợ và chuyển tiền. Các đối tượng đều là những “chuyên gia tâm lý”, dễ dàng nắm bắt tâm lý của nạn nhân. Nếu nhận thấy nạn nhân là người cứng rắn, hiểu biết, chúng sẽ buông ngay. Riêng những người là phụ nữ, người già, thường tâm lý chung sẽ sợ hãi trước những câu chuyện chúng “vẽ” ra và dễ dàng rơi vào bẫy. Sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, chúng sẽ ra rút ngay và biến mất, việc điều tra cũng như thu hồi tài sản rất khó khăn. 

Đề phòng tránh thủ đoạn này, người dân cần nâng cao cảnh giác trước những cuộc điện thoại, câu chuyện “trên trời” của các đối tượng không quen biết gọi đến và kịp thời báo cho cơ quan Công an. Về phía ngân hàng, cần tăng cường công tác quản lý các chủ tài khoản nằm trong diện nghi vấn, khi thấy có dấu hiệu bất minh phải thông báo ngay cho cơ quan Công an để phối hợp điều tra xử lý.