Mũ bảo hiểm cho trẻ em: Ý thức thiếu, chất lượng yếu

ANTĐ - Người lớn vẫn chưa có thói quen, ý thức đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông, dù TNGT được xếp là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong  cho trẻ em sau đuối nước. Trong khi, mũ bảo hiểm rởm được bày bán tràn lan với giá rẻ như bèo khiến các bậc phụ huynh như lạc vào ma trận.

Mũ bảo hiểm bày bán trên vỉa hè phố Chùa Bộc. Ảnh: Phú Khánh


1.900 trẻ em thiệt mạng vì TNGT hàng năm

Công bố mới nhất về dự án tăng cường thực hiện quy định đội MBH cho trẻ em do Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với một số Bộ, ngành và tổ chức phi Chính phủ thực hiện đã khiến nhiều người giật mình. Theo đó, tỷ lệ sử dụng MBH ở trẻ em tại Việt Nam ở mức quá thấp, dù quy định này đã có trong NĐ 34 của Chính phủ. Cụ thể, chỉ có 16,7% tỷ lệ trung bình học sinh ở Hà Nội đội MBH, con số này ở Đà Nẵng là 46,6% và TP Hồ Chí Minh là 40%. Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhận định, hầu hết người lớn ở Việt Nam đội MBH khi đi xe máy thì thật đáng tiếc là tỷ lệ trẻ em đội MBH khi đi cùng hoặc đi trên xe gắn máy lại ngày một ít đi. Trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng gần 1.900 trẻ em tử vong do TNGT. Điều này thực sự là một mối lo ngại lớn vì TNGT là nguyên nhân lớn thứ 2 gây tử vong cho trẻ em ở Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, cơ sở pháp lý và điều kiện để thực hiện việc đội MBH cho trẻ em đã đầy đủ, vấn đề đặt ra trách nhiệm của người lớn, của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện các quy định này.

Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ - TB&XH ông Nguyễn Trọng An cho biết, mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ em chết do tai nạn thương tích, trong đó, nguyên nhân hàng đầu là đuối nước và thứ 2 là TNGT. “Các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm 2/3 tỷ lệ trẻ em tử vong vào năm 2015 có thể sẽ không đạt được nếu Việt Nam không giảm được số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích”, ông An cảnh báo.

Đến 80% là MBH rởm

Ngoài ra, khảo sát của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Trung tâm nghiên cứu phụ nữ (Đại học quốc gia Hà Nội) cho thấy, chiếm gần 30% số phụ huynh được hỏi cho rằng, MBH trẻ em quá đắt nhưng lại không đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện có quá nhiều loại MBH có những cái tên na ná nhau, khiến người sử dụng khó có thể phân biệt. Báo cáo cũng chỉ ra, có đến 80% MBH trẻ em bán trên thị trường hiện nay là mũ giả.

Trong khi, phụ huynh học sinh còn cố tình hoặc vô tình chưa hiểu tác dụng của đội MBH cho con em mình khi tham gia giao thông thì trên thị trường lại nở rộ các loại MBH nhái. Trên bất kỳ một con phố nào cũng bắt gặp những hàng bán MBH rong với giá rẻ như bèo, 30.000 đồng/cái  và chất lượng thì “vô biên”. Chiếc MBH mỏng, thô nháp, chỉ có lớp vỏ nhựa và 1 lớp bọt biển dính với nhau, khách hàng xem cũng phải nhẹ tay kẻo lỡ vỏ đi đằng vỏ, ruột đi đằng ruột. Hầu hết người tiêu dùng đều biết đây là những loại MBH không đạt chất lượng, không có khả năng tránh thương tích nhưng vẫn sử dụng, bởi giá rẻ và mẫu mã đẹp, và đội để đối phó đỡ bị phạt. Chị Nguyễn Thị Phương đang lúi húi chọn mua 3 chiếc MBH trên đường bờ sông Tô Lịch cho biết : “Mũ mua ở đây vừa rẻ lại vừa kiểu cách. Mua 3 cái, cho 2 đứa con nhỏ nữa. Đội mấy tháng lại thay cái mới cho thời trang, chứ mua mũ đắt tiền, muốn thay cũng xót lắm”. Song, chị Phương cũng thừa nhận, đội MBH đúng chất lượng có thể tránh được thương tích do va chạm nhẹ khi đi xe máy.

Những hàng bán MBH rởm vẫn tồn tại hàng ngày, hàng giờ công khai và tràn lan trên các con phố. Không thể nói, cơ quan chức năng không hay biết, vấn đề là dù đã biết nhưng tại sao vẫn tồn tại? Để sau mỗi vụ TNGT thương tiếc xảy ra, người ta lại ân hận xót xa, giá mà đội MBH đúng chất lượng thì đã không như vậy!