Một vòng Hà Nội qua những món ăn

ANTĐ - Từ xa xưa vẫn có câu “Ăn Bắc - mặc Nam” để nói về sự cầu kỳ và phong phú các món ăn của người dân Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Thế kỷ 21, nhiều món ăn nước ngoài, vùng miền khác… ào ạt xâm nhập thì vẫn không thể nào làm mất đi vị ngon của nghệ thuật ẩm thực Hà thành. Trong chuyến đi đến Hà Nội, chỉ cần chia đều thời gian để thưởng thức gần hết quà Hà Nội cũng đã là đi gần hết Hà Nội rồi.

Một vòng Hà Nội qua những món ăn ảnh 1Du khách đến Hà Nội luôn có cảm giác bình yên và thực sự bị hấp dẫn bởi ẩm thực Hà thành

Quà sáng

Nếu Bangkok của Thái Lan có phố Khao Sản, Viên Chăn của Lào có bờ sông Mekong thì Hà Nội có ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến. Từ những năm xa xưa của thế kỷ trước, Tạ Hiện đã nổi tiếng là khu phố nhiều món đặc sản, từ giữa thế kỷ 20, con phố này nổi tiếng với các nhà hàng mà đặc sản ngày đó chủ yếu là chim quay, gà tần, ba ba. Và từ ngã tư này, chỉ cần loanh quanh trong bán kính 1km là đủ thưởng thức trọn vẹn cả ngày lẫn đêm các món ăn của người Hà Nội để khép kín một cung du lịch ẩm thực giữa phố cổ Hà thành.

Say mê Hà Nội từ lúc bắt đầu đi ăn quà sáng với món phở truyền thống. Ăn bát phở ở phố cổ, đôi đũa gắp vài sợi bánh vào chiếc thìa lá, một miếng thịt, một cọng hành, chút rau thơm, miếng ớt tươi rồi khẽ dần thìa phở xuống bát nước nóng hổi cho nước phở tràn đầy chiếc thìa. Vị ngon của phở chính là vị ngọt của nước ninh xương ống, bánh phở dai, thịt bò tái ngọt, hành củ giòn, rau thơm Láng và vị cay xè của ớt. Rất nhiều người thích ăn phở nhưng ít người biết phở ra đời ở đâu, khi nào?

Món phở ra đời từ chính Hà Nội từ khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Ban đầu chỉ có phở bò chín, sau đó mới có thêm phở bò tái. Ngày đó, mỗi tuần chỉ có 3, 4 ngày được phép mổ bò nên những ngày khác không có phở, lúc này, các hàng phở mới chế biến thêm phở gà và được đón nhận ngay tức thì. 

Ngoài món phở thì các món bún như bún thang, bún riêu, các món xôi như xôi lúa, xôi xéo, xôi gà; các món bánh mì patê, ốp la. Nói đến bún thang của người Hà Nội với bát bún được bài trí như một thang thuốc: bún cho vào bát, rồi xếp giò lụa, trứng tráng, thịt gà, thịt lợn, rau thơm tất cả đều thái chỉ rồi chan nước dùng ninh từ xương ống và tôm nõn. Bát bún thang lúc này trông giống một thang thuốc bắc với đủ các vị hoài sơn, đỗ trọng, cam thảo… Khi ăn sẽ nêm thêm mắm tôm và đặc biệt là giọt tinh dầu cà cuống. Khu phố cổ vẫn nổi tiếng với bún thang phố Hàng Hành và bún thang chợ Bắc Qua.

Cà phê

Cái thú cà phê sáng ở Hà Nội với các thương hiệu cả trăm năm như cà phê Nhân, cà phê Giảng, cà phê Lâm. Cà phê chè và cà phê vối, thứ được nước, thứ đậm hương. Người Việt Nam thích vừa đậm miệng vừa hương thơm nên cà phê trộn lẫn cả chè và vối. Nếu muốn thưởng thức cà phê kiểu Việt Nam thì hãy gọi cà phê nóng. 

Cà phê Nhân trong phố Hàng Hành, con phố này là những quán cà phê san sát nhau. Cà phê Hàng Hành thu hút rất đông người yêu thích thứ đồ uống lâu đời này. Phố Đinh Tiên Hoàng đoạn song song với phố Cầu Gỗ với hàng loạt quán cà phê cao tầng nhìn ra hồ Gươm đẹp nhất. Thưởng thức cà phê từ trên cao rồi ngắm nhìn và chụp ảnh cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa và thu gọn cả không gian hồ Hoàn Kiếm vào ống kính. Quầy bán kem Bốn Mùa từ thời bao cấp giờ trở thành quán giải khát ngay bờ hồ Hoàn Kiếm, đồ uống ngon, giá cả hợp lý, lại tha hồ ngắm cảnh với gió hồ nhè nhẹ.

Quà vặt

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, quán chả cá Lã Vọng được một trang về du lịch ghi vào là một trong 150 nơi nên đến. Quán bán độc một món ăn đến cả gần thế kỷ nay là chả cá, lại tọa lạc trên phố Chả Cá, gần ngã tư cắt với phố Hàng Cá. Cá quả, hoặc cá lăng lọc xương, xắt miếng nướng qua trên than hoa, rồi cho vào chảo mỡ đảo với hành hoa, thì là, ăn cùng với bún, mắm tôm, lạc rang, húng Láng, hành củ chẻ ngâm giấm. Dù có là món ăn bữa trưa thì chả cá vẫn được xếp vào hàng “quà” vì ăn chỉ thưởng thức chứ không làm no bụng.

Dân du lịch đến Hà Nội những ngày hè nóng đã biết đến món bánh đúc nộm của bà bán rong dọc phố Hàng Bạc. Bánh đúc thái con sợi mỏng, chan nước trần giá đỗ và lạc vừng, thêm chút rau thơm, kinh giới, ngổ, tía tô, hoa chuối. Bát bánh đúc nộm có vị chua lại có vị bùi của lạc vừng, ngọt của giá đỗ trần. Món bánh đúc nộm có tác dụng giải nhiệt rất tốt, lạ miệng. 

Cùng là món nộm lại nổi tiếng nhất và đông nhất lúc xế chiều là nộm bò khô trên con phố ngắn nhất Hà Nội: phố Hồ Hoàn Kiếm. Thịt bò khô cắt mỏng ăn với nộm đu đủ rắc lạc rang giã rối với tiếng kéo cắt thịt bò xoạch xoạch đặc trưng. Nhưng cũng vẫn là nộm đu đủ ở ngõ chợ Đồng Xuân lại là nộm chim sẻ. Món này lại chỉ ăn vào mùa gặt là lúc sẻ đồng béo nhất, chim sẻ làm sạch lông rán giòn rồi cắt mỏng lẫn với đu đủ nạo, thêm kinh giới, thơm Láng để ra đĩa nộm chim sẻ trứ danh và cũng chỉ có nơi ngõ nhỏ đó mới có món quà ngon đến thế. Lang thang vài con phố, thưởng thức vài món ăn mà xâm xẩm chiều để bước chân lại quay trở về “ngã tư toàn thế giới”.