Một Vi Thuỳ Linh khác!

ANTĐ - Một chiều cuối tháng Giêng, tôi nhận được một cuộc điện thoại của Vi Thuỳ Linh. Bao giờ cũng vậy, cô nói trong điện thoại lúc nào cũng ào ạt, dồn dập cảm xúc  như cách mà cô đang làm, đang sống, đang yêu.
Vi Thuỳ Linh thường gọi điện thoại lúc đang chạy xe máy nên cô phải nói to, nhanh, nói rất nhiều việc, đến mức đôi khi nghe không kịp. Với cô, thời gian lúc nào cũng thiếu - cô bảo phải tranh thủ gọi điện thoại khi đi xe máy để lúc dừng còn làm việc khác. Con người cô chứa đựng quá nhiều thứ như một file nén thường trực “bung ra”, không thể trật tự như những ngăn kéo im lìm. 
“Chị thích thơ hay thích văn xuôi?”. Tôi nói: “Không thích thơ vì không biết đọc thơ”! Vi Thuỳ Linh bảo: “Em sẽ tặng chị một cuốn văn xuôi đầu tay - “ViLi tuỳ bút”- em để gửi bảo vệ ở cơ quan nhé!”- OK! Xong xuôi, Vi Thuỳ Linh còn dặn thêm: “Nhớ xuống lấy luôn đi nhé! Giữ sách cẩn thận kẻo mất đấy!”. Ở thời buổi lười đọc và có quá nhiều thứ để đọc như bây giờ, thì sách khó mất lắm, tất nhiên còn tùy sách và tên tác giả. Thế nhưng Vi Thuỳ Linh là thế. Cô quý sách và biết trân trọng các giá trị. Những gì do chính cô sáng tạo ra cũng là giá trị. Vi Thuỳ Linh muốn người khác phải nhận thấy nỗ lực lao động của mình. Điều đó làm tôi thích cô. Vi Thuỳ Linh không khiêm tốn kiểu giả vờ. Cô quảng bá thơ, tiếp thị thơ nói về thơ của mình vì với cô đó là lao động nghệ thuật thật sự. Ở đời, điều gì người ta mất sức dành cho nó người ta sẽ thấy giá trị của nó, dù cho những người khác có thể không nhận ra. Vi Thuỳ Linh không giả, không diễn, không hóa trang giống như cô nói với tôi: “Tôi không thích những kẻ diễn và giả tạo. Sống thật là tự do nhất, dẫu điều đó thiệt thòi và dù tôi thừa khả năng diễn”. Còn trong thơ, cô viết: “Trên sân khấu cuộc đời/ Tôi luôn là diễn viên tồi/ Bởi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác”.

Một Vi Thuỳ Linh khác! ảnh 1


“ViLi tuỳ bút” là cuốn sách đẹp. Bìa là tranh trừu tượng một thiếu nữ cuốn mình trong gió và lá vườn Luxembourg (Paris) của hoạ sĩ Đào Hải Phong. Sách thiết kế màu tím chủ đạo. Giai phẩm sang trọng hơn bởi minh họa bằng các bức vẽ đẹp của những hoạ sĩ nổi tiếng Bùi Xuân Phái, Vi Kiến Minh, Nguyễn Thị Hiền… Tất cả in màu tím! Điều nữa làm tôi thích thú: Vi Thuỳ Linh viết lời đề tặng có mấy dòng mà hết cả trang giấy. Nó giống cá tính phóng túng nghệ sĩ của cô. Vi Thuỳ Linh tặng sách bao giờ cũng có những lời đề tặng riêng biệt với từng người chứ không trơn tuột, giống như khi cô tặng tập thơ “Chu du cùng ông nội” cho con tôi, cô dặn hai đứa trẻ: “Các cháu nhớ đọc sách thật nhiều để có tâm hồn đẹp”… Thì ra, Vi Thuỳ Linh là người sâu sắc và chu đáo. Tôi trân trọng những món quà của Linh. Dù là những cuốn sách hay chỉ là một lọ muối ớt!

Thơ Vi Thuỳ Linh là thơ tự do, bút pháp hiện đại, cách tân, nhịp thơ theo sự bung nở của cảm xúc, nên ít có giai điệu và với người không biết đọc thơ như tôi như thế là khó đọc. Nhưng đọc văn xuôi của Vi Thùy Linh thì lại thấy có chất thơ. Nguyễn Quang Thiều, người làm nên “Sự mất ngủ của lửa”, người nổi tiếng vì thơ và người ta vẫn gọi anh là nhà thơ. Tôi không thuộc thơ của anh. Nhưng tôi lại có thể thuộc văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều. Anh viết về làng Chùa, viết về dòng sông, cánh đồng, về mẹ, về những người nhà quê, về những khuôn mặt người cứ thủ thỉ thì thầm mà vang vọng ngân rung. Tôi đọc một lần, lại muốn đọc lại hai lần, ba lần.  Văn xuôi của Vi Thuỳ Linh cũng vậy, văn có chất thơ, đọc dễ thấm.

Và tôi đã tìm thấy một Vi Thuỳ Linh khác với Vi Thuỳ Linh vội vã, bận rộn, ào ạt như một cơn lốc mà tôi vẫn gặp vẫn nghe thường ngày. Vi Thuỳ Linh trong văn xuôi đằm thắm, nhuần nhụy đầy lưu luyến của một phụ nữ truyền thống. Vẫn là giọng Vi Thuỳ Linh, vẫn là “mùi” Vi Thuỳ Linh, song đằm hơn; vẫn là cá tính không giả, không diễn, không khiêm tốn giả vờ khi đặt mình bên cạnh những văn nhân, những tài năng tên tuổi, mà người đọc lại tìm thấy một Vi Thuỳ Linh tình cảm và tinh tế của văn hoá Á Đông. Đó là những trang văn đẹp của một nhà thơ và của một công dân có trách nhiệm. Trong “ViLi tuỳ bút”, Vi Thuỳ Linh viết về những nơi mình đã đến, đi qua, viết về tình yêu, đặc biệt về Paris và nước Pháp - nguồn cảm xúc mà cô coi như liều doping khủng khiếp để năm 2012 Vi Thuỳ Linh ra một lúc 2 cuốn sách: thơ, tuỳ bút và đêm nghệ thuật “Bay cùng ViLi” (1.1.2012) hội tụ tinh hoa tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đọc thì thấy Vi Thuỳ Linh là người chịu đi, chịu đọc, chịu khám phá, chịu học và không ẩu với nghệ thuật. Tôi đặc biệt thích những trang văn Vi Thuỳ Linh viết về Tết, về mùa Xuân, về hương Xuân, hương tình yêu, hương Hà Nội, về kỷ niệm tuổi thơ, về ông nội, bà nội, về những cánh đồng bị đánh cắp… Vi Thuỳ Linh làm người đọc thức dậy ký ức tuổi thơ của mình, nhớ tới ông bà mình, nhớ tới cánh đồng của mình mà đôi lúc trong cuộc sống bon chen vội vã này, mảng ký ức đó đã bị lơ đễnh, hoặc nằm lặng lẽ ở một góc sâu nào đó. 
Tất nhiên một người sống nhạt, sống hời hợt thì không bao giờ nhận ra những điều như thế!

Một Vi Thuỳ Linh khác! ảnh 2

- Chào chị Vi Thuỳ Linh, chị đã dừng lại với thơ rồi sao?

- Nhà văn Nguyễn Việt Hà khẳng định: Những gì thơ không viết được thì văn xuôi viết,  những gì văn xuôi không viết được thì thơ viết. Tôi tán thành. Thời gian đời người ngắn, tôi phân định chặng tiếp theo cho văn xuôi.

- Với thơ, chị đã có 6 tập, từng được coi là “hiện tượng”, từng bị những trận bút chiến và chị cũng đã khẳng định được mình sau 17 năm sống chết với thơ. Với văn xuôi, ViLi tuỳ bút là cuốn đầu tiên, chị có chịu áp lực nào không?

- Chọn tuỳ bút là tác phẩm văn xuôi đầu tiên, vì tôi tự tin mình có phong cách. Tác phẩm văn xuôi đầu tiên là tác phẩm rất quan trọng. Đã ra không thể đổ được. Dám đề tên tác phẩm “ViLi tuỳ bút”, tức là tôi đã khẳng định được phong vị riêng của mình. Ý thức tự trọng khi tôi treo cái tên trên sách, rất áp lực, áp lực không phải là sợ ai mà sợ chính mình.  Đã có thương hiệu thì viết phải làm sao bảo tín tên mình, để độc giả luôn hào hứng khi thấy sách Vi Thuỳ Linh.

- Tôi thấy thơ chị ít vần điệu, còn văn xuôi của chị lại rất giàu chất thơ ở nhạc điệu!

- Linh không viết tuỳ bút như tản văn hay tạp bút, mà Linh viết tùy bút theo nhịp điệu thơ. “ViLi tuỳ bút” đặc trưng là chất thơ, là tình tự những điều quý giá còn lại, tình tự những vẻ đẹp hiếm hoi này và đấy chính là con người của tôi. Tuỳ bút của tôi không phải là một dạng nhật ký, nhật trình, không kể lại tuần tự theo diễn biến thời gian; nó được dựng trong bối cảnh đan không gian thời gian, có mùi có hương, có âm thanh. Viết kiểu điện ảnh là nét chính trong phong cách của tôi.

- Và tôi tìm thấy một Vi Thuỳ Linh khác sau khi đọc “ViLi tùy bút” - một ViLi đằm thắm, lưu luyến và cũng mãnh liệt hơn?

- Sự đằm thắm và lưu luyến mà chị cảm thấy là do chủ ý của tôi. Tôi muốn bảo tồn, muốn gìn giữ, muốn nuôi dưỡng ký ức và vẻ đẹp của những con phố, những hàng cây, kỷ niệm. Đây không chỉ là sự hoài niệm đơn thuần. Nhiều khi vẻ đẹp ký ức nuôi nấng và vỗ về hiện tại vì hiện thực của chúng ta hôm nay như tôi và nhiều nghệ sĩ khác nhận thấy là Hà Nội ngày hôm nay giàu có hơn, rộng lớn hơn, nhiều công trình mới hơn; lại xấu hơn, nhem nhuốc, bát nháo và ô tạp. Tôi không phải là một nhà chính sách để có thể hoạch định cái này, phá bỏ cái kia. Tôi viết những trang văn lay động để góp phần nhỏ bảo dưỡng di sản còn lại hôm nay và cho mai sau. 

- Vì nghệ thuật không nên nhìn cuộc sống bằng cặp mắt tối tăm?

- Đúng! Hoạ sĩ Đào Hải Phong đã tỏ quan điểm ấy, tôi đồng tình với anh. Tôi không viết về những gì trần trụi dã man, ô trọc, thấp hèn. Tôi viết hay và rung động trước những cái đẹp để truyền tới người đọc thảng thốt: Ô những cái đẹp này đâu rồi nhỉ, sao những cái đẹp này bây giờ còn ít thế. Để thấy rằng chúng ta phải có trách nhiệm  gìn giữ những cái ít còn lại này và nếu có tâm thì có thể nhân nó, nuôi nó.

- Ra liền một lúc hai cuốn sách, lại làm một đêm nghệ thuật gây chú ý, hình như chị đang muốn chứng tỏ mình đa tài?

- Tôi không chấp nhận ai mang sự tham vọng, háo danh và bừa ẩu vào nghệ thuật để đùa cợt,  rẻ rúng chính nghề nghiệp của mình và coi thường công chúng. Khán giả “Bay cùng ViLi” đa số là các trí thức, nghệ sĩ nổi tiếng. Khi sung sức ý tưởng, hoàng kim về sức khỏe, Linh đã tận hiến cho nghệ thuật. Tôi lao động 17 năm, chịu nhiều sự trả giá. Là người trong sáng và tử tế với nghề, để có một đêm lịch sử tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đã vất vả suốt năm 2012. Đấy là đỉnh cao của quá trình sáng tạo, của thời tự do sung sức nhất, của uy tín và việc nuôi quan hệ tốt đẹp với các nghệ sĩ, trí giả. Tôi muốn để lại cho bạn đọc một dấu ấn về Vi Thuỳ Linh trước khi cô ấy tạm nghỉ, lấy chồng và sinh con.

- Tôi thấy trong tuỳ bút của chị có một nhân vật “Anh” cứ trở đi trở lại nhiều lần, đấy có phải là tình yêu của chị?

- Anh - là quan niệm nghệ thuật của tôi, trong sáng tác, nhân vật Anh không phải là một nhân vật có thực mà là một biểu tượng của cái đẹp, sự tin cậy, người đồng hành và là một nhân vật trữ tình. Anh bao giờ cũng là một đối tác tôi tin, hướng tới; Anh vỗ về, đồng hành, cho tôi cảm giác mình được nương tựa.

- Chị vẫn nói văn chương bị đối xử một cách dã man, vậy sao chị cứ điên cuồng lao vào nó như vậy?

- Tôi rất phẫn nộ mỗi khi tôi bán sách người ta lại hỏi “Sao lại bán sách à? Phải tặng chứ!”. Sao lại có thể nói những câu thiếu hiểu biết, dã man thế đối với chất xám và tại sao lại ứng xử với nghệ thuật bất công như vậy. Nghệ thuật cần phải được trả giá và trả giá cao. Đấy chính là văn hóa và tri thức. Đấy chính là thượng tầng xã hội, là dân trí. Đã quá muộn để sòng phẳng với văn chương đích thực. Bây giờ đi uống cafe không thể nói: hãy tặng tôi cốc cafe này, phải trả tiền. Tại sao văn chương là một sự lao động cực nhọc mà lại cứ đòi tặng. Tặng ai, tùy tác giả. Tôi không điên cuồng lao vào văn chương, mà chủ động tận tụy cho nó suốt đời. Có thể tới đây, độc giả sẽ thấy truyện ngắn, hoặc kịch bản của Vi Thuỳ Linh.

- Bây giờ chị thích được gọi mình là nhà thơ hay nhà văn?

- Vi Thuỳ Linh là một danh từ không cần mở ngoặc chức danh nữa, tùy người đọc, có người thích thơ, người lại mê văn. Tôi thích chuyên sâu vào văn xuôi và vẫn làm thơ. Dồi dào năng lượng, tôi sẽ không ngừng viết.

- Văn xuôi có phải là một sự thay đổi của chị để chiều lòng bạn đọc?

- Chị nhìn thấy con đường nghệ thuật của tôi, nếu non gan kém bản lĩnh thì tôi đã thay đổi phong cách của mình từ lâu để chiều người khác. Nhưng không. Tôi nấu món của tôi, theo cách của tôi. Tôi không nấu “lẩu bình dân”. Tuỳ bút là một cách viết khác. Phong cách của tôi hướng tới là sang, lạ, truyền cảm. Muốn khác biệt trước hết phải dám là mình. Tôi sẽ luôn sống, viết đúng mình và ứng xử với nghệ thuật một cách trân trọng nhất.

- Chị sẽ tiếp tục cho ra lò một cuốn tuỳ bút nữa chứ?

- Tôi có một lời hứa với Ban biên tập Báo ANTĐ là sẽ viết nhiều hơn cho ANTĐ vì tôi thấy trong các tờ báo của Hà Nội thì ANTĐ là vượt lên rất nhiều những thói quen; không thích những gì nhàm chán, theo quán tính. ANTĐ là một tờ báo của công an Hà Nội nhưng không phải chỉ có chuyện bắt cướp, công an giữ gìn trật tự; mà nó có màu sắc đa dạng cuộc sống, chú ý tới văn nghệ, lại gần gũi các tầng lớp nhân dân. Tôi sẽ ra tiếp cuốn thứ hai, không phải là tuỳ bút luyến tiếc nữa, sẽ là một tuỳ bút luận đề. Chẳng hạn như tiếng rao bây giờ không còn, hay gặp một nữ cảnh sát giao thông, cảm thấy thư thái hơn. Từ các hiện tượng ấy, tôi viết tuỳ bút suy nghiệm và mảng này, tôi sẽ viết cho ANTĐ. Cuốn sách có thể ra mắt cuối năm 2013, hy vọng sẽ gồm những tùy bút đăng trên ANTĐ. Tôi muốn đóng góp cho tờ báo này, vì ANTĐ hay có khác biệt và chịu chơi.

- Cảm ơn chị!