Vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tại Hà Nội:
Một số tình tiết được làm rõ
(ANTĐ) - Nhiều lần TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Lý Thị Trúc Quỳnh (SN 1978, trú tại khu TT 708, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Khu vực 9 - Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh nhưng đều bị hoãn vì lý do: “Một số tình tiết chưa được làm sáng tỏ”.
Bị cáo Lý Thị Trúc Quỳnh tại phiên tòa gần đây nhất. |
Mới đây, cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung đối với vụ án này...
Siêu lừa đảo
Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, Lý Thị Trúc Quỳnh (Lý Quỳnh) qua mối lái, biết được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank-VCB) chuẩn bị phát hành trái phiếu tăng vốn để cổ phần hóa nên đã tung tin với nhiều người là mình đang có nguồn mua 12 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu VCB với giá hấp dẫn (bằng 80-85% mệnh giá trái phiếu).
Thông qua chị Lê Thị Trúc Quỳnh (Lê Quỳnh) và anh Nguyễn Anh Dũng (cán bộ Công ty CP Chuyển phát nhanh bưu điện Hà Nội) Lý Quỳnh thu tiền của 8 người khác có nhu cầu mua trái phiếu VCB với số tiền 9,088 tỷ đồng để mua trái phiếu VCB có mệnh giá 9,706 tỷ đồng (bằng 80-85% mệnh giá trái phiếu)! Nhưng thực tế, trên thị trường lúc này mệnh giá trái phiếu của VCB là 150%. Đến giữa tháng 1-2006, nhiều khách hàng đã đến nhà thúc ép đòi trái phiếu, Lý Quỳnh đành phải mua trên thị trường tự do 1,3 tỷ mệnh giá trái phiếu VCB với giá bằng 150% mệnh giá, để trả cho khách hàng.
Không chỉ vậy, Lý Quỳnh lại tiếp tục thực hiện chiêu lừa mua cổ phiếu của 2 ngân hàng cổ phần khác là Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank-HBB). Lý Quỳnh đã thông báo với chị Lê Quỳnh rằng có lô cổ phiếu của PNB mệnh giá 11 tỷ đồng đang bán với giá 1.0 (bằng 11 tỷ đồng). Trên thực tế, vào thời điểm này giá cổ phiếu PNB ngoài thị trường đang từ 1.73 đến 2.0. Lý Quỳnh yêu cầu chị Lê Quỳnh nếu muốn mua phải chuyển ngay cho thị số tiền 12,1 tỷ đồng (gồm tiền mua cổ phiếu và tiền đặt cọc 10%). Bằng thủ đoạn này, Lý Quỳnh đã thu tiền của 15 người với tổng số tiền là 13,516 triệu đồng trong thời gian từ ngày 16-12-2005 đến
17-1-2006. Để tạo lòng tin cho mọi người, Lý Quỳnh đã mua ở thị trường tự do 2,6 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu PNB với giá cao ngất (từ 2,55 đến 3,0 so với mệnh giá) tương đương với số tiền là 9,055 tỷ đồng để giao cho khách hàng (với giá bán là 1.0). Còn lại số tiền 4,461 tỷ đồng Lý Quỳnh đã sử dụng vào việc trả nợ cá nhân.
Theo cáo trạng đưa ra truy tố thì số tiền Quỳnh lừa đảo của nhiều bị hại là 26 tỷ đồng (đã khắc phục hậu quả còn lại hơn 16 tỷ đồng). Tuy nhiên, trên thực tế tổng số tiền mà Lý Quỳnh “huy động vốn” lên tới hơn 42 tỷ đồng.
Một số tình tiết đã được làm rõ
Tại những phiên tòa trước kia đưa ra xét xử bị cáo Lý Quỳnh, sự việc gây nhiều tranh cãi mà nhiều bị hại, người liên quan đến vụ án cho rằng, Lý Quỳnh tại sao không bị bắt? Đáng chú ý, trong khi được tại ngoại, Lý Quỳnh tiếp tục dùng hợp đồng giả, lắp ghép con dấu để vay với số tiền rất lớn (5 tỷ đồng) tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Bà Triệu cùng với nhiều vụ lừa đảo khác lên tới số tiền hàng chục tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra bổ sung mới nhất của cơ quan CSĐT CATP Hà Nội xác định: Số tiền nợ cá nhân từ 28-11-2004 đến ngày 20-3-2006, Lý Quỳnh đã huy động vốn từ chị Lê Quỳnh với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng và hơn 67.000 USD. Sau đó, Lý Quỳnh đã trả được cho Lê Quỳnh hơn 7 tỷ đồng. Qua đối trừ thì Lý Quỳnh còn chiếm đoạt của chị Lê Thị Trúc Quỳnh hơn 6 tỷ đồng. Trước đây, việc vay nợ này được cơ quan tiến hành tố tụng xác định đây là quan hệ dân sự nhưng nay đã được cơ quan CSĐT làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lý Quỳnh.
Đối với khoản tiền 5 tỷ đồng tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Bà Triệu. Trước kia cơ quan tiến hành tố tụng xác định đó là quan hệ dân sự giữa ông Tôn Gia Văn và chị Lê Quỳnh, nhưng sau khi cơ quan điều tra lấy lời khai của chị Lê Quỳnh, ông Tôn Gia Văn và bị can Lý Quỳnh được xác định: chị Lê Quỳnh không có sự bàn bạc và hưởng lợi trong số tiền vay của ngân hàng. Bị can Lý Quỳnh đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Như vậy, Lý Quỳnh phải có trách nhiệm trả lại số tiền 5 tỷ đồng cho ngân hàng.
Cùng với một số tình tiết mới trong vụ án đã được cơ quan làm rõ thì trước khi tiến hành điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau đó, cơ quan CSĐT tiếp nhận một số đơn tố cáo việc Lý Quỳnh có hành vi chiếm đoạt tiền của họ và cũng đã được làm rõ.
Cùng với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà Lý Quỳnh đã bị truy tố và đưa ra xét xử tại những phiên tòa sơ thẩm không thành thì tại bản kết luận điều tra bổ sung này, một số tình tiết mới đã được cơ quan CSĐT CATP Hà Nội điều tra bổ sung làm rõ. Đồng thời, CSĐT ra quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND TP Hà Nội đề nghị truy tố bị can Lý Quỳnh trước pháp luật về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quang Trường