Một số công trình đầu tư công xuống cấp nhanh, chậm tiến độ so với dự án tư nhân

ANTD.VN - Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, qua theo dõi thấy nổi lên một số dự án đầu tư công chất lượng xuống cấp nhanh, chậm tiến độ và có thất thoát lớn, trong khi đó các dự án của tư nhân thường đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng nay, 21-2, phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Luật Đầu tư công hiện hành khi ra đời đã đáp ứng được thực tiễn. Qua theo dõi có thể thấy đại đa số dự án đầu tư công đảm bảo chất lượng.

Thế nhưng cũng đã nổi lên một số dự án chất lượng xuống cấp nhanh, chậm tiến độ và qua một số vụ án chứng minh có thất thoát, lãng phí lớn, nguy cơ tham nhũng trong khu vực đầu tư công khá lớn. Trong khi đó, các dự án của tư nhân thường đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Theo bà Nga, thực trạng đó đòi hỏi việc sửa luật Đầu tư công lần này cần lưu ý để có biện pháp khắc phục, vì thực tế Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã nhấn mạnh việc phải tập trung vào khu vực đầu tư công.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn thực tế cho thấy phần nhiều ách tắc liên quan đến đầu tư công vừa qua là do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải hoàn toàn do luật, đồng thời nhấn mạnh điểm nào bất hợp lý trong luật thì sửa và “sửa cái nào ra cái đó, để không thể nói ách tắc do luật nữa”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Thảo luận về các nội dung cụ thể còn nhiều ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công, nội dung được nhiều đại biểu tranh luận là việc cơ quan soạn thảo Luật (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị nâng mức vốn của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C trong dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh mức vốn từ 10.000 lên 35.000 tỷ đồng là quá cao, dẫn tới khó kiểm soát nên đề nghị giữ nguyên như hiện hành.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận định, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Hơn nữa, với quy định như luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì. Nhưng để phù hợp với thực tiễn, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh mức vốn dự án quan trọng quốc gia lên 15.000 tỷ đồng (tăng 50%) đồng.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình việc có thể nâng mức vốn với dự án quan trọng quốc gia song cho rằng, đề nghị nâng lên 35.000 tỷ đồng là quá cao và đề nghị cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra cân nhắc.