Một số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật đã từng đạt nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, nếu duy trì báo cáo thành tích cần phải giải đáp thỏa đáng với trường hợp cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật chắc chắn trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua.

Đừng để thi đua khen thưởng trở thành nỗi băn khăn, day dứt

Theo Đại biểu Phạm Trọng Nhân, tại một số nơi, thi đua còn nặng về phong trào hình thức, trong khi Dự thảo luật Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) còn nặng về hồ sơ, đề nghị thi đua khen thưởng trong đó điều kiện kèm theo là có thành tích. Ngoài ra, một trong những mục đích của thi đua là ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng theo Dự thảo. Để được tôn vinh, cá nhân phải viết báo cáo thành tích mà hầu như với họ, việc đổi mới sáng tạo để được ghi nhận tôn vinh không phải là mục đích cuối cùng.

“Báo cáo thành tích nhằm mục đích gì, nếu chỉ để cơ quan tổ chức biết thì không ổn vì nó chứng tỏ năng lực quản lý đối với công dân nói chung và cán bộ công chức nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ. Nếu duy trì báo cáo thành tích cần phải giải đáp thỏa đáng với trường hợp cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật chắc chắn trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua” – Đại biểu Nhân nhấn mạnh.

Cho ví dụ về nội dung trên, Đại biểu Nhân phân tích, mới đây dư luận dậy sóng khi truyền thông liệt kê các sai phạm của một Giám đốc sở mà trên con đường quan lộ có không ít danh hiệu thi đua khen thưởng. Như vậy, công tác thẩm định thông qua các báo cáo thành tích đối với trường hợp trên có hiệu lực ý nghĩa?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) phát biểu thảo luận

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) phát biểu thảo luận

“Việc khen thưởng cho các đối tượng này thể hiện sự rời rạc trong các mắt xích của hệ thống quản lý để các phần tử cơ hội lợi dụng khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm đối với các cơ quan cá nhân thẩm định đến đâu để thi đua khen thưởng trở thành những băn khoăn, day dứt trong xã hội”? – Đại biểu Nhân nêu vấn đề.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Nhân cho rằng, chỉ khi nào Nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được trao thực hiện tôn vinh và không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới đảm bảo ý nghĩa biểu dương.

Trong bối cảnh những quy định về trung tâm CSDL bắt đầu được thể chế thì chỉ cần click chuột có thể thấy hết được đầy đủ các dữ liệu cá nhân xác thực trong đó có khen thưởng , kỷ luật, quá trình công tác cũng được số hóa thì làm sao có kẽ hở để thăng tiến.

Hơn nữa, khi đã xây dựng CSDL đầy đủ thì trách nhiệm công tác thẩm định cũng trở nên khoa học hơn, đồng thời tập trung phát triển công nghệ số đi đôi với nhân rộng toàn xã hội nhằm làm công tác thi đua khen thưởng trở nên ý nghĩa, thực chất hơn tránh lọt lưới các trường hợp như đã nêu. Dự thảo Luật lần này cùng cơ sở dữ liệu sẽ kích hoạt cơ chế phòng vệ trước thói quen háo danh và làm rõ tính chất “hữu xạ tự nhiên hương”, hà tất phải tô vẽ.

Thi đua với chính mình là quan trọng nhất

Đại biểu Nhân cũng nêu vấn đề, để thi đua đua ăn sâu như lời Bác Hồ nói, mỗi tập thể cá nhân phải tự giác thực hiện theo nguyên tắc quy định. Dự thảo xác định thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của các cá nhân, song nếu không tham gia có trái nguyên tắc tự giác không? Cán bộ công chức không tự nguyện tham gia không tham gia có được coi không chấp hành nghiêm đường lối chủ trương hay không? Chỉ khi nào Dự luật giải quyết thỏa đáng vấn đề trên thì đó mới là xương sống của công tác thi đua, liên quan đến việc đánh giá Đảng viên, cán bộ, công chức viên chức cuối năm.

Điều quan trọng không phải bao nhiêu phong trào, danh hiệu, cái cần nhất là kỹ năng quản trị của người đứng đầu, làm thế nào để phát huy tinh thần thái độ tình cảm thái độ của cán bộ công chức, tập thể đối với công việc. Nếu tinh thần nêu gương luôn thường trực trong mỗi người, mỗi hoàn cảnh thì phong trào thi đua cũng hoàn thành sứ mệnh vì khi đó nó đã trở thành vấn đề tự thân, sự tự nhận thức của cán bộ công chức viên chức bởi có tu thân mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Thi đua với chính mình mới là quan trọng nhất, bởi đó là quá trình tự soi rọi bản thân về trách nhiệm đối với công việc tình cảm đối với cộng đồng, xã hội. Nó không nằm ngoài sự rèn cái tâm, cải tạo con người đúng như Bác Hồ nói, là mình phải cố gắng để hơn mình ngày hôm qua, bởi công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua - Đại biểu Nhân nói.