Tai nạn trẻ ngã từ nhà cao tầng:

Một phút bất cẩn có thể gây hậu quả khôn lường

ANTĐ - Mấy năm gần đây, các vụ trẻ nhỏ bị ngã từ khu nhà cao tầng xảy ra khá nhiều. Nguyên nhân chính là do thiết kế thiếu an toàn của một số tòa nhà và sự bất cẩn của người lớn. Bên cạnh đó, việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ vẫn chưa được người dân coi trọng…

Một phút bất cẩn có thể gây hậu quả khôn lường ảnh 1

Lan can nhà chung cư tại khu đô thị Việt Hưng luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn với trẻ nhỏ nếu người lớn bất cẩn.

Những vụ tai nạn đáng tiếc

Tháng 6-2013, người dân tòa nhà NƠ9B khu đô thị bán đảo Linh Đàm không khỏi đau xót trước vụ tai nạn xảy ra đối với 1 bé gái 4 tuổi. Khi được bà nội đưa lên nhà người thân sống ở tầng 11 tòa nhà để chơi, bé gái này đã ngã từ tầng 11 xuống và tử vong. Trước đó, tháng 7-2012, ở tòa nhà Hà Thành Plaza, một bé trai 5 tuổi mang ghế ra lan can tầng 9 của tòa nhà chơi, bất ngờ trèo lên ghế bám lấy lan can đã bị rơi xuống sảnh tầng 4 và cũng không cứu sống được. Còn tại khu đô thị Dịch Vọng, một em bé 3 tuổi cũng đã chết vì bị rơi từ tầng 5 xuống đất. Tại khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp, cách đây không lâu, trong lúc mẹ đưa chị gái đi học, bé trai 4 tuổi đã ra ban công chơi và bị rơi từ tầng 9 xuống lan can tầng 2, tử vong tại chỗ. Gần đây nhất vụ tai nạn thương tâm xảy ra sáng 16-3 tại toà nhà CT19 khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội đã khiến 1 bé trai sinh năm 2010 rơi từ tầng 6 xuống. 

Khảo sát cho thấy, lan can nhà chung cư cao tầng tại hầu hết các khu đô thị mới ở Hà Nội đều được thiết kế khá thấp, không an toàn đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Thậm chí có hệ thống lan can được thiết kế là những thanh sắt nằm ngang khiến trẻ nhỏ có thể bám và trèo lên rất nguy hiểm. Đáng buồn là sau rất nhiều vụ việc xảy ra, nhiều gia đình sống ở nhà cao tầng vẫn chủ quan để trẻ ở một mình. Nguy hiểm hơn, một số gia đình còn kê giường ngủ, bàn làm việc, ghế ngồi gần cửa sổ không có chấn song bảo vệ hoặc để máy giặt, phơi phóng hay mắc võng, kê bàn ghế ngồi hóng mát ở ban công đã vô tình tạo điều kiện cho trẻ trèo qua đó, đặc biệt là khi trẻ ở nhà một mình nên rất dễ xảy ra tai nạn.

Để khắc phục tình trạng trên, hiện có không ít gia đình đã tìm cách bịt lại lan can bằng lưới sắt. Tuy vậy, đây không phải là giải pháp  hiệu quả bởi việc làm này không chỉ gây khó khăn cho công tác PCCC khi có hỏa hoạn xảy ra mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan chung.

Chưa coi trọng kỹ năng 

Có thể nói ngoài lý do thiết kế bất hợp lý, sự bất cẩn nhất thời của người lớn thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc nêu trên là do mỗi cá nhân sống trong các khu nhà cao tầng thiếu kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích. Về vấn đề này, ông Phan Việt Đức - kỹ sư xây dựng - Tổng  Công ty xây dựng Hà Nội, người đã từng tham gia thiết kế, thi công nhiều nhà chung cư cao tầng cho biết, khi sống ở chung cư, để hạn chế tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần giáo dục con em mình không nên chơi những trò chơi nguy hiểm, không trèo cao, không leo lên lan can đồng thời không được kê các vật khiến trẻ có thể trèo lên thành ban công… Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ không được để trẻ một mình, nhất là khi nơi trẻ ở chưa đảm bảo an toàn, cần theo dõi trẻ mọi lúc, mọi nơi, nên lắp đặt thanh chắn bảo vệ ở những nơi trẻ có thể leo trèo, với tới được như cầu thang, cửa sổ, ban công…

 “Khi thấy trẻ bị ngã, nếu thấy dấu hiệu trẻ còn sống, cha mẹ không nên vội vàng bế trẻ lên mà cần để trẻ nằm yên tại chỗ, kiểm tra mức độ chấn thương của trẻ để có cách xử lý thích hợp như dùng khăn nhúng nước lạnh đắp lên trên vết bầm tím trên người trẻ. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, cử động khó khăn, chảy máu nhiều, có dấu hiệu gãy xương nên tìm cách cầm máu cố định vết thương đồng thời nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất đề được điều trị kịp thời” - bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E đưa ra lời khuyên.