Một ông bố nuôi con bằng… sữa mẹ và ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở Việt Nam

ANTĐ - Trong khi các hãng sữa đua nhau quảng cáo, đua nhau tăng giá, trong khi nhiều bà mẹ với đủ mọi lý do như bận rộn, giữ gìn vóc dáng, sợ không đủ chất… mà không cho con được hưởng nguồn sữa tự nhiên của mình, chọn mua những loại sữa đắt tiền thì không ít người ngạc nhiên với sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ. Ngân hàng đặc biệt này được sáng lập bởi một ông bố đơn thân, với mục đích không chỉ chia sẻ nguồn sữa mẹ mà còn muốn nâng cao nhận thức của những bà mẹ về việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Từ một ông bố đơn thân đi xin sữa cho con

Người sáng lập ngân hàng sữa mẹ, cũng là một trong những thành viên tích cực nhất của những Hội nuôi con bằng sữa mẹ lại là một… ông bố đơn thân. Câu chuyện bắt đầu khi năm 2012 đầy biến động trong gia đình anh Trình Tuấn, anh lấy vợ rồi sinh con, đúng lúc hạnh phúc tưởng như viên mãn nhất thì vợ anh bị tai biến hậu sản và mất khi đứa con gái mới được vài ngày tuổi. Nỗi đau thì quá lớn mà việc một mình chăm sóc một đứa trẻ là quá sức tưởng tượng đối với anh. Bế con trên tay, nhìn con vừa khóc vừa mút ngón tay vì đói và thèm sữa mẹ, anh không cầm được nước mắt. Con uống sữa ngoài lại bị táo bón, anh Tuấn đành nhờ những người quen xin sữa từ những bà mẹ khác trữ đông và cho con uống theo lời hướng dẫn của một số người bạn. Dần anh phải lên khắp các mạng, các diễn đàn để xin sữa về cho con, có những khi tối khuya đi làm về nhưng có người gọi đến lấy sữa anh vẫn phải phóng xe hàng vài chục cây số để lấy sữa về. Anh cho biết, rất ít đứa trẻ được may mắn như con gái anh là được bú sữa mẹ đến tận bây giờ, khi đã 20 tháng tuổi. Và ý tưởng hình thành ngân hàng sữa mẹ nhen nhóm trong anh từ những lần đi xin sữa như thế. 

“Khi bắt đầu bằng ý tưởng mạng lưới sữa giữa các bà mẹ, tôi chưa biết gì về ngân hàng sữa mẹ. Sau khi được một số mẹ thông tin rằng trên thế giới có ngân hàng sữa mẹ thì tôi mới tìm hiểu về mô hình hoạt động và cách thức vận hành. Mô hình vận hành sữa mẹ trên thế giới đã được hình thành hơn 100 năm để giúp cho các bé bị bệnh, sinh non và thiếu ký nhanh chóng phục hồi từ sữa mẹ” - anh Tuấn chia sẻ.

Lúc đầu khi bắt đầu dự án anh Tuấn cũng theo đuổi mô hình này nhưng sau một thời gian thì tôi nhận ra rằng nó chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện ở Việt Nam. Bởi vấn đề của Việt Nam gặp phải chính là về nhận thức chưa đúng về sữa mẹ cũng như vai trò của sữa mẹ với sự phát triển của trẻ nhỏ. Mặt khác, để triển khai trong bệnh viện thì khó khả thi bởi tình trạng quá tải ở bệnh viện Việt Nam nên sự hỗ trợ của việc nuôi con bằng sữa mẹ không thực hiện tốt được. Và chi phí đầu tư cũng như vận hành một ngân hàng sữa mẹ khép kín như vậy là một vấn đề lớn… Đó là những trở ngại lớn nhất đối với việc triển khai mô hình ngân hàng sữa mẹ khép kín trong bệnh viện. Cuối cùng, anh quyết định thực hiện dự án theo một mô hình mới đó chính là một cộng đồng cho và nhận sữa theo mô hình của mạng lưới chia sẻ sữa.

Mong muốn nâng cao nhận thức về nuôi con bằng sữa mẹ

Có một thực tế rất bất ngờ là Việt Nam là một nước kinh tế khó khăn nhưng tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ lại thuộc loại thấp nhất thế giới (chưa đến 20% trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời so với tỷ lệ 40% của châu Á). Điều này khiến anh trăn trở, và từ thực tế những lần xin sữa của mình, anh Tuấn đã liên hệ với những bà mẹ dư sữa để thành lập một mạng lưới cho nhận sữa mẹ. Ý tưởng này của anh được các bà mẹ ủng hộ nhiệt tình, mới đầu có hơn 100 mẹ tham gia. Tuy nhiên do mạng lưới trải dài khắp cả nước nên xảy ra tình trạng người nhận ở quá xa người cho, không thể vận chuyển. Trăn trở với điều này, anh Tuấn tìm hiểu và bắt tay vào việc xây dựng một ngân hàng sữa mẹ với quy trình khép kín như ở các nước tiên tiến, từ khâu đảm bảo chất lượng nguồn sữa, cách lấy sữa, thanh trùng, đóng gói, bảo quản... 

Đến nay mạng lưới cho và nhận sữa mẹ của anh đã có đến 9.000 bà mẹ tham gia. Theo anh Tuấn, mục đích thành lập Ngân hàng sữa mẹ không chỉ là cách giúp nhiều trẻ có cơ hội tiếp cận nguồn dinh dưỡng quý giá này mà còn giúp các bà mẹ ý thức hơn về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Anh Tuấn cho biết, thật ra có rất nhiều người lo lắng về những nguy cơ khi cho con sử dụng sữa của người khác, bởi vậy tất cả những người tham gia đều phải ý thức được những rủi ro đó và phương pháp loại bỏ rủi ro bằng cách thanh trùng sữa cũng như sự chia sẻ thông tin về tình hình sức khỏe. Ví dụ như HIV, tỷ lệ lây bệnh là 17% nếu con bú mẹ trực tiếp nhưng nó lại là một virus yếu không tồn tại được trong môi trường sữa đông lạnh. Đối với viêm gan B chưa có bằng chứng khoa học kết luận lây nhiễm qua đường sữa mẹ, mặt khác nếu đứa bé được tiêm chủng viêm gan B sau khi sinh thì hoàn toàn có thể bú mẹ. Sữa vắt ra chỉ bảo quản được 2 tiếng ở nhiệt độ bình thường, 2 đến 3 ngày ở ngăn mát, nhưng có thể bảo quan 3 đến 6 tháng trong ngăn đông. Trước khi sử dụng, sữa trữ đông sẽ được rã đông và thanh trùng nếu là sữa xin của mẹ khác. 

Dù mới đưa vào hoạt động chưa lâu, chưa có điều kiện xây dựng thành một mô hình khép kín như các nước tiên tiến nhưng Ngân hàng sữa mẹ do anh Tuấn sáng lập đã phát huy những hiệu quả tốt. Theo anh Tuấn, hiệu quả lớn nhất là thay đổi nhận thức của rất nhiều bà mẹ trẻ hiện nay, đa phần chưa nhận thức đúng về sữa mẹ. Có những mẹ trước đây thiếu sữa, nhưng khi vào mạng lưới lại thừa sữa và chia sẻ cho các mẹ khác. Cùng với Ngân hàng sữa mẹ, anh Tuấn và những người bạn của mình, chủ yếu là những bà mẹ đang nuôi con nhỏ cũng có những hoạt động rất ý nghĩa nhằm tuyên truyền cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhờ ngân hàng sữa mẹ mà nhiều trẻ em đã được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng tự nhiên, an toàn và đầy đủ dưỡng chất này. Đó là những trẻ em sinh đôi, thiếu tháng, những đứa trẻ mồ côi mẹ… Đó là những ông bố đơn thân cứ vài ngày lại bắt xe gần 200 cây số xuống Hà Nội để nhận sữa từ Ngân hàng sữa mẹ về cho con ăn… Những bà mẹ cho sữa thì không mong một sự đền đáp.