- Chủ tịch nước chúc mừng Giáng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
- Nỗ lực không ngừng thúc đẩy bảo vệ quyền con người
Sinh hoạt tôn giáo sôi nổi, đa dạng và phong phú
Trong một thông cáo báo chí mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa một số quốc gia trên thế giới vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”. Rất ngạc nhiên khi tại danh sách này có Việt Nam, quốc gia vừa được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu rất cao, thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về việc đảm bảo các quyền tự do cơ bản ở nước ta, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Việt Nam luôn đảm bảo và tôn trọng tự do tôn giáo tín ngưỡng |
Điều đáng nói là phía Mỹ đã dựa vào một vài vụ việc, cá nhân đơn lẻ vi phạm pháp phạm luật đã bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án theo luật pháp hiện hành tại nước ta để rồi quy kết rằng, “vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”. Rõ ràng phía Mỹ đã dựa trên những thông tin sai lệch để đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, hoàn toàn không chính xác về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam!
Chính những con số, thực tế sinh động và không thể bóp méo, xuyên tạc hay phủ nhận về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam đã cho thấy điều hoàn toàn ngược lại những gì mà phía Mỹ đưa ra, cáo buộc.
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, nước ta hiện có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo. Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.
Trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 nghìn chức sắc, trên 147 nghìn chức việc, hơn 29,6 nghìn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80 nghìn; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác như Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo… Trong 16 năm, từ 2001-2017, số tín đồ của các tổ chức tôn giáo được công nhận ở nước ta tăng lên 6% trong dân số. Số lượng tín đồ các tôn giáo đều tăng lên, trong đó tăng nhanh nhất là tín đồ đạo Tin lành, từ 670.000 người năm 2004 đã tăng lên tới trên 1,2 triệu tín đồ năm 2015, tức là tăng gấp gần 2 lần trong 10 năm.
Những thập kỷ gần đây, Việt Nam không có xung đột tôn giáo, các tôn giáo chung sống hòa hợp, đồng hành cùng dân tộc. Nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo rất tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.
Trên khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ… mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú. Đặc biệt những ngày lễ trọng của các tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài; lễ hội Katê của đồng bào Chăm, tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều ngày lễ trọng của tôn giáo đã trở thành ngày lễ chung của cộng đồng.
Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Lễ hội của mọi tôn giáo đều trở thành hội lễ chung vui của toàn dân tộc như Lễ hội Đền Hùng, lễ Noel, lễ hội La Vang. Đặc biệt, lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới.
Tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã luôn được ghi nhận và được thể hiện trong các hiến pháp qua các thời kỳ từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Hiến pháp 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Cùng với sự phát triển của đất nước, Nhà nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người nói chung, trong đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có những bước tiến nổi bật. Sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo luôn được Nhà nước ta bảo đảm và tôn trọng, đồng thời nỗ lực bảo đảm và tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường trong đời sống.
Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trên phạm vi cả nước luôn được tạo điều kiện thuận lợi. Trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực ngày 1-1-2018, cả nước có tổng số 2.691 điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và con số này nâng lên nhanh chóng thành 3.803 điểm nhóm sau khi luật này đi vào cuộc sống. Sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam luôn được chính quyền các cấp đảm bảo, tôn trọng.
Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Cả nước hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 đại chủng viện, học viện của Giáo hội Công giáo Việt Nam; 4 học viện, 34 trường trung cấp Phật học, 8 lớp cao đẳng Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tin lành có 1 Viện Thánh kinh thần học, 1 trường Kinh Thánh Cơ Đốc và 1 Trường Thánh kinh thần học; 1 Học viện Truyền giáo Cao đài; 1 Trường Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo...
Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi trong việc in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo. Từ năm 2018 đến năm 2021, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp quyết định xuất bản trên 2.000 xuất bản phẩm với gần 6 triệu bản in với nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng dân tộc. Ở Việt Nam hiện có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động. Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế…
Thực tế sống động và không thể phủ nhận về dự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam là minh chứng không thể thuyết phục hơn những nỗ lực không ngừng của Nhà nước ta nhằm bảo đảm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường. Thế nên, trước việc Mỹ đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã khẳng định, việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách này dựa trên đánh giá thiếu khách quan cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.