Một nhiệm kỳ lấy phiếu một lần là quá ít

ANTĐ - Liên quan tới vấn đề sửa đổi nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, một nhiệm kỳ nên lấy phiếu 2 lần và trên lá phiếu nên để 2 mức đánh giá thay vì 3 mức như hiện nay.


- Có ĐBQH nói lấy phiếu tín nhiệm mà để 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) là mang tính hình thức, ý kiến của ông?

- Ông Lê Như Tiến: Cử tri có đánh giá lần lấy phiếu vừa rồi hệ số an toàn quá cao. Đánh giá thực chất cán bộ mà để 3 mức tín nhiệm là không nên. Theo tôi chỉ nên để 2 mức. Có người nói 2 mức thì trùng với bỏ phiếu nhưng theo tôi khi lấy phiếu có thể để 2 mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Tín nhiệm là an toàn, được tiếp tục làm; còn tín nhiệm thấp thì phải chuyển sang  bỏ phiếu ngay. Chắc chắn nếu làm không tốt, chỉ đạo, điều hành có vấn đề thì tín nhiệm sẽ thấp.

- Đa số ý kiến ĐBQH đề nghị một nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm 2 lần, còn nếu lấy 1 lần sẽ không hiệu quả, quan điểm của ông?

- Nếu lấy tín nhiệm hàng năm đúng là dày quá. Dư luận không mong muốn năm nào cũng lấy phiếu và rồi ai cũng qua cả. Như thế, mục đích răn đe không còn và việc đánh giá cán bộ cũng không đạt. Nhưng cả nhiệm kỳ chỉ lấy một lần thì lại ít quá. Tôi đồng ý với các ĐBQH rằng nên lấy 2 lần trong 1 nhiệm kỳ, ở các năm thứ hai và thứ tư. Năm thứ hai có thể đánh giá công tác rồi, còn năm thứ tư để xem có nên giới thiệu tái cử hay không. 

- Có ý kiến nói không đâu lấy phiếu tín nhiệm như ở ta, vậy các nước họ đánh giá cơ quan hành pháp như thế nào?

- Ở ta, việc lấy phiếu là nhằm thăm dò mức độ tín nhiệm. Tôi đã nghiên cứu, các nước không lấy phiếu mà người ta có thể  thăm dò qua dư luận thông tin đại chúng, cử tri nơi công tác. Thêm nữa, nước ngoài họ không bỏ phiếu đại trà, mà vị nào có vấn đề thì yêu cầu đến điều trần, xong họ sẽ bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Nếu điều trần xong mà thấy không có tín nhiệm nữa, họ sẽ từ chức. Ta cũng nên mở theo hướng ấy, chứ lấy đại trà các cơ quan  hành pháp, lập pháp, tư pháp thì cũng rối. Cơ quan hành pháp - là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì bỏ phiếu là đúng, họ hoạt động theo chế độ thủ trưởng, trách nhiệm người đứng đầu rõ ràng. Trong khi đó, các cơ quan dân cử hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số - tức là đa số chịu trách nhiệm về quyết định ấy - và không ai đi lấy phiếu tập thể. 

Lấy phiếu chỉ là một kênh để đánh giá cán bộ, ngoài ra còn nhiều kênh khác. Nhưng tôi cho rằng nên minh bạch, tức là quyết định của ĐBQH cũng nên để dân biết, để dân giám sát chính ĐBQH. Ví dụ bỏ phiếu những luật quan trọng mà có người không đồng ý thì cũng nên công khai xem ai không đồng ý.

- Vì còn nhiều quan điểm khác nhau, ĐBQH kiến nghị nên phát phiếu thăm dò ý kiến Quốc hội về từng nội dung quan trọng trước khi thông qua?

- Trước hết, nên lấy phiếu thăm dò, nhưng khi xem xét thông qua nghị quyết, cũng nên lấy phiếu từng nội dung một như Quốc hội đã từng làm với Luật Thủ đô hay dự án đường sắt cao tốc, để đảm bảo tính dân chủ, chặt chẽ hơn. Từ nay đến khi thông qua, Ban soạn thảo hoàn toàn có thể căn cứ vào dư luận, ý kiến ĐBQH nhằm tiếp thu, chỉnh sửa, để có được một nghị quyết toàn diện hơn. 

Xem xét thông qua nhiều dự án luật

Ngày 15-6, Văn phòng Quốc hội cho biết, bước sang tuần làm việc thứ năm, Quốc hội sẽ thảo luận và xem xét thông qua hàng loạt dự án luật. Cụ thể, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật nhà ở (sửa đổi); Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật căn cước công dân... Liên quan tới việc cấp thẻ căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, sẽ không có chồng chéo về giấy tờ mà chỉ có giai đoạn chuyển tiếp, và mỗi người chỉ có một loại giấy tờ, hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ thông qua các dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; Luật đầu tư công; Luật xây dựng (sửa đổi); Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi)...