Một ngộ nhận về rượu bia

ANTĐ - 13h trưa mùng 2 Tết Bính Thân, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội lập kỳ tích y khoa Việt Nam khi chỉ trong 10 phút đã cứu sống bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cổ bị cắt ngang đứt đôi khí quản, gây chảy máu nhiều, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, ngừng thở, ngừng tim, toàn thân nổi vân tím, da niêm mạc nhợt nhạt… 

Một ngộ nhận về rượu bia ảnh 1

Thảm kịch được báo trước

Tuy nhiên, bệnh nhân được cứu sống là một bi kịch mới nhất về lạm dụng rượu bia, sau khi uống rượu quá mức đã tự tay dùng dao cắt cổ họng.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, người lạm dụng rượu có nguy cơ tự tử tăng gấp 8 lần so với người không uống rượu; 65% trường hợp tự tử ở Anh liên quan đến uống rượu quá mức. Tự tử liên quan đến rượu tăng gần 60% trong vòng 40 năm qua, nhất là ở những quốc gia đang phát triển, trở thành gánh nặng toàn cầu…

Cũng trong dịp Tết Bính Thân, tại Nghệ An, 1 người đàn ông đã tử vong do bị cảm lạnh sau khi uống ượu say và 1 người đàn ông khác đã bị bắt vì uống rượu say và dùng dao truy sát 3 người, khiến 1 người tử vong. Trong mấy ngày Tết Bính Thân, số ca tai nạn giao thông phải nhập bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngày thường, khoảng 60-80 ca mỗi ngày, trong đó 50 - 60% bệnh nhân có nồng độ cồn rất cao…

Và ngộ nhận tai hại về rượu bia 

Rượu bia là sản phẩm và điểm nhấn trong văn hóa nhân loại, ít nhiều giúp con người bộc lộ tình cảm, tâm trạng, gần gũi và thăng hoa trong giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, lạm dụng rượu bia đã, đang và sẽ luôn có tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống cá nhân và cộng đồng. Hệ lụy càng nặng nề hơn khi chất lượng rượu, bia bị thả nổi và coi việc cụng ly với nhau nhiều lần “dô 100%”, với lượng rượu bia được rót đầy tràn như là biểu hiện nam tính, sức khỏe và thước đo sự quý trọng nhau.

Điều ngộ nhận này khá phổ biến và trở thành quy ước “không thành văn” sai lầm nghiêm trọng trong khi dùng rượu bia ở Việt Nam thời gian gần đây. Những ngộ nhận và lệch lạc trong văn hóa rượu bia ngày càng trở thành nỗi bức xúc, là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại về của cải, tinh thần và sức khỏe cho cá nhân và xã hội. 

Trên thế giới ngày càng có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi thể hiện văn minh nhân loại. Chẳng hạn, việc mời nhau điếu thuốc lá không còn được coi là biểu hiện sự thân tình, quý trọng nhau như quan niệm phổ biến một thời trước đây. Văn hóa rượu bia cũng đang được kiểm soát chặt chẽ theo quy chuẩn chất lượng rượu, bia ngặt nghèo hơn; theo lứa tuổi, đối tượng, trường hợp và thời gian sử dụng phù hợp hơn…

Đặc biệt, kiểu cụng ly “trăm phần trăm” chỉ nên được dùng với lượng rượu bia trong ly được rót thật vơi, chừng mực, “uống lấy may, lấy vui, lấy hòa khí” làm trọng, chứ không phải kiểu uống thô tục, càng nhiều, càng đầy càng tốt, gây ngộ nhận và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với người trong cuộc. 

Điều chỉnh nhận thức và hành vi, tránh những ngộ nhận và lạm dụng rượu, bia, để giảm thiểu những tai nạn và bệnh tật, hệ lụy tiêu cực từ sử dụng rượu, bia đã trở thành thước đo văn minh và chỉ số hạnh phúc cho mỗi người, gia đình và xã hội...