Một ngày ở ngôi "làng góa bụa"

ANTĐ - Hằng ngày người dân phải hứng chịu những đợt bụi từ việc phá mìn, khói bụi ô tô... Và rồi, vài năm gần đây ngôi làng nhỏ bị buộc mình vào cái tên thật xót xa: “Làng góa bụa”.

Trước đây làng Bút Sơn (Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) nổi tiếng bởi nét đẹp của núi non, sông nước. Ngôi làng đó tuy còn khó khăn nhưng cuộc sống thật thanh bình, yên ả. Từ khi Nhà máy xi măng Bút Sơn được đặt tại địa bàn xã Thanh Sơn, ngôi làng nhỏ Bút Sơn bỗng dưng bị xáo trộn nghiêm trọng.

“Góa bụa” vì khói bụi

Còn nhớ cái ngày nhà máy xi măng mới được đặt tại đây, không ít người dân đã hy vọng, trông chờ vào sự thay da đổi thịt của làng quê. Bởi chí ít cũng sẽ có một con đường to, rộng cho người dân cả đời đi đường đất. Vậy mà, khi nhà máy xi măng được đặt tại đây nó lại trở thành tai họa cho cả làng Bút Sơn. Khói bụi và sự ô nhiễm đã vô tình khiến bao “ngôi nhà mất nóc”. Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lần lượt ghé thăm những gia đình chịu cảnh bất hạnh có người thân ra đi vì ung thư. Trước khi chỉ đường tới các gia đình có người chết vì ung thư, cụ Chung nói trong chua xót: Trước kia có đến nỗi nào! Vậy mà bây giờ nhiều người vợ mất chồng, con mất bố. Cũng chẳng ít người phải “tha hương cầu thực” tránh “cơn bão ung thư”.

Những người chết ở Bút Sơn hầu hết là nam giới có độ tuổi từ 35 đến 50. 

Con ngõ nhỏ sâu hun hút đưa chúng tôi đến gia đình bà Vũ Thị Dền. Người phụ nữ sắp bước sang tuổi 70 như héo hắt. Bởi, chỉ trong vòng một năm bà đã liên tiếp gánh 3 nỗi đau, mất chồng và hai con trai. Một ngày giữa tháng 3-2008, cả gia đình bàng hoàng khi phát hiện ông Nguyễn Văn Chu mang căn bệnh ung thư vòm họng. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn thuốc thang, ông chỉ cầm cự vỏn vẹn 6 tháng cùng vợ con. Nỗi đau quá lớn đó chưa nguôi ngoai, ít lâu sau hai người con là Nguyễn Văn Đoàn và Nguyễn Văn Tập cũng lần lượt ra đi bởi căn bệnh ung thư đại tràng và ung thư gan.

Để lại bao đau đớn cho người mẹ già, hai người vợ trẻ và bốn đứa con thơ dại. Cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn, bao nỗi đau cơ cực đổ dồn vào những “người đàn bà góa bụa” đó. Nói với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lê (con dâu và Dền) đôi mắt ầng ậc nước: “Chồng tôi mất cũng đã được hai năm rồi. Giờ một mình tôi phải gánh vác mọi việc thay anh ấy. Nhiều lúc thấy mệt mỏi, buồn chán chỉ muốn chết quách đi cho xong nhưng cứ nghĩ đến con thì lại không đành lòng. Sống bây giờ là sống vì con thôi. Bản thân tôi cũng chẳng khỏe mạnh gì, nay ốm mai đau vì mắc bệnh gan cao. Chỉ mong cuộc sống của các con sau này bớt khổ thôi!”.

Về Bút Sơn người dân có thể kể vanh vách những người chết vì ung thư trong vài năm gần đây. Tại một xóm giữa làng, trong cùng một con ngõ nhỏ đã có tới bốn người đàn ông của bốn gia đình mất vì căn bệnh ung thư: ông Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Văn Diễn, Nguyễn Văn Hinh đều mất vì ung thư não, dạ dày, gan. Con dâu ông giáo về hưu Nguyễn Văn Bài còn nhớ như in những ngày cuối đời của bố chồng mình. Ngày đó ông Bài bị dịch tràn phổi và ung thư vùng trung thất, ông không thể nằm được mà chỉ ôm chăn mà đau đớn. “Khi mất ông vẫn trong tư thế đó...”, chị kể lại. Chỉ từ đầu năm 2011 đến nay, chỉ trong ba thôn của Bút Sơn mà đã có bảy, tám người chết vì ung thư (trong số 15 người). Có ngày, linh mục Trần Cao Tích phải làm lễ giỗ cho những ba mươi người. Đến mức, Bút Sơn đang phải xin xã cho quy hoạch một khu nghĩa trang mới.

Ô nhiễm nặng nề

Thời tiết cuối thu mát dịu dường như cũng không thể làm cho không khí tại Bút Sơn bớt đi oi ả. Cách trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 3km nhưng đoạn đường tới Bút Sơn thật sự khó khăn. Rất nhiều ổ voi, ổ gà, khói bụi mù mịt và tiếng còi hơi inh ỏi của những chiếc xe tải khiến không khí tại đây ngột ngạt đến khó thở.

Người dân Bút Sơn chỉ về nơi xuất phát ô nhiễm.

Dừng lại tại một quán nước gần xóm 1 (Bút Sơn, Thanh Sơn) nghỉ chân, nhìn thấy người lạ bà chủ quán buông lời: “Thấy khổ chưa? Khói bụi thế mà dân chúng tôi phải hứng chịu bao năm nay”. Câu chuyện của chúng tôi và bà Chung (chủ quán nước) liên tục bị cắt ngang bởi tiếng xe tải rầm rập nối đuôi nhau, bụi tung trắng xóa rồi cuộn xoáy khiến cả một vùng trời trở nên u ám, đặc quánh. Trong phút hiếm hoi yên tĩnh khi những chiếc xe tải chưa chạy qua bà Chung lại tiếp: “Nhà tôi nằm đây, quanh năm hứng bụi, hứng khói và cả tiếng ồn, tiếng mìn nổ của những công ty khai thác đá trên núi”.

Không hơn gì, tại cửa hàng chị Nguyễn Thị Lam giữa xóm 1, cửa hàng vẫn hoạt động bình thường nhưng cửa luôn được đóng im ỉm. Đồ đạc tại gian hàng nhỏ của chị Lam luôn được bọc bởi những lớp nilon chống bụi. Chị Lam bức xúc: “Không bọc nilon thì bẩn hết, chẳng lẽ lại chùm nilon cả quán này?”. Như để chứng minh độ xâm hại của khói bụi, chị Lam đưa chúng tôi tới chiếc bể nước hằng ngày gia đình vẫn sử dụng. Một lớp cặn lắng nhờ nhờ đục như nước vo gạo dưới đáy bể. Theo chị Lam, để sử dụng nước thì phải bơm nước trước đó 2 ngày sau đó đậy kín cho lắng bụi xuống mới có thể sử dụng được.

Gặp được người lạ, người dân của ba xóm thuộc thôn Bút Sơn thay nhau kể về những bức xúc mà bấy lâu nay những cơ sở khai thác đá, nhà máy xi măng làm xáo trộn cuộc sống. “Năm, sáu năm trở lại đây, từ ngày Nhà máy xi măng Bút Sơn được đưa vào sản xuất, xí nghiệp nước của nhà máy cũng đi vào hoạt động, là nguồn nước sinh hoạt của công nhân và 350 hộ dân thôn Bút Sơn bị thay đổi. Nước giếng cạn, nguồn nước mặt bị ô nhiễm, nhà máy bán nước cho dân với giá hơn 4 nghìn đồng một khối. “Nước từ sông Đáy bơm vào rồi người ta xử lý hóa học thế nào mà nhiều hôm mùi clo bốc lên mồng nặc, lắm khi còn hôi tanh nữa” - chị Lam vừa gạn thau nước vừa phân trần.

Theo những người dân tại đây, vài chục năm trước đây là khu vực giãn dân, nhiều gia đình lên đây dựng nhà, đào giếng. Nước giếng khơi còn trong vắt, ăn uống sinh hoạt thoải mái. Khi đến mùa khô lượng nước giếng không đủ, mọi người còn xây bể chứa nước mưa để tích trữ. Vậy mà vài năm nay “nước từ giời” cũng không thể dùng được. Chị Lam đưa chúng tôi lên trần nhà để minh chứng điều này. Khắp các bậc cầu thang và lan can phủ một lớp bụi màu xám. Góc trũng của trần nhà chị Lam cũng như nhiều gia đình khác, những mảng rêu đã không bong lên, nhưng khi bóp vụn đám rêu khô ấy, bụi bay tứ tung, bên dưới những mảng rêu cong vênh vì nắng là cả một lớp bụi dày, mịn. Mỗi bận mưa, những lớp bụi ngày này qua ngày khác cứ dày lên, theo nước mưa trôi xuống như màu nước lúc thợ hồ trộn xi cát.

Gia đình bà Vũ Thị Dền có 3 người chết
một năm vì bệnh ung thư.

Hơn một nghìn nhân khẩu của thôn Bút Sơn nằm gọn lỏn dưới những dãy núi đá hình vòng cung và các ao hồ đan xen nhau. Nhiều người nặng lòng với Bút Sơn không thể quên được những buổi chiều tà, khi những đàn trâu lóc cóc xuống núi, tiếng trẻ chăn trâu gọi nhau. Vậy mà nay, bao quanh Bút Sơn là tiếng mìn phá đá, những ngọn núi lừng lững hàng ngày bị đào khoét nham nhở. Bao phủ Bút Sơn là một màu trắng xám của bột đá, của khói bụi xi măng. Theo những người dân tại đây, khi nhà máy mới vào hoạt động thì cứ chiều tối bắt đầu xả khí thải. Những luồng khí thải trắng đục bao chùm cả ngôi làng khiến nhiều người kinh hãi. Sau khi người dân phản ánh tình trạng đó, nhà máy chuyển sang xả khí vào nửa đêm. Chị Đào Thị Tuân (xóm 1) bức xúc: “Nửa đêm mọi người đóng cửa đi ngủ, là người ta lại xả khói ra. Lúc đó ai biết đâu mà kêu!”.

Vừa nói vừa quăng chiếc nón đội đầu xuống đất, thái độ vô cùng bức xúc, chị Tuân nói: “Người ta trông vào hoa trái quanh nhà, ít đu đủ, na, ổi... thế mà mấy năm nay chẳng cây nào có quả, mà có cũng sắt seo không ai nuốt được. Ở đây hiền chứ, trên này chúng tôi không để yên.

Nói chuyện với chúng tôi, trưởng thôn Nguyễn Đức Văn cũng không giấu được nỗi bức xúc: “Ngày nào cũng vậy, liên tục từ 6h sáng cho tới 22h đêm khói bụi mù mịt. Nhất là vào những hôm họ đánh mìn để khai thác đá thì bụi, bột đá dày đặc bay xuống trắng xóa hết cả làng. Không chỉ thế, mỗi giờ có hàng trăm ô tô vào chở đá và xi măng của Nhà máy xi măng Bút Sơn trên núi. Bụi lắm! Nhà nào ở đây cũng bị nứt tường, phải đóng cửa suốt 24 giờ đồng hồ”.

Rời làng Bút Sơn,hình ảnh những ngôi nhà luôn đóng cửa im ỉm để ngăn bụi, khói và cả tiếng còi sên váng óc chạy rầm rập luôn đeo đẳng chúng tôi. Hằng ngày khắp trong thôn , ngoài ngõ, từng bát cơm, chén nước của người dân đang phải hòa cùng khói bụi. Ngước nhìn lại But Sơn là cả một màu trắng bàng bạc, những dãy núi nham nhở vì đẽo gọt. Và, ai biết được sẽ còn bao gia đình phải chịu cảnh tang tóc? Bao nhiêu “ngôi nhà sẽ phải mất nóc”?