Một ngày làm “chiến sĩ” ở Học kỳ quân đội

ANTĐ - Nghe kể nhiều, nên trong dịp hè này, tôi dành cả một ngày để trải nghiệm thực tế Học kỳ quân đội do Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội tổ chức. Đến tận nơi, mục sở thị, mới thấy nó thực sự đáng để các bậc phụ huynh gửi gắm con mình.

Một ngày làm “chiến sĩ” ở Học kỳ quân đội ảnh 1Háo hức với nội dung rèn luyện ngoài thao trường

Trẻ học được điều hay

Đi từ trung tâm Hà Nội, chỉ mất 2 lần hỏi thăm, tôi đã có mặt tại Trung tâm huấn luyện Bộ đội Biên phòng (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). 4h45, trời đã bắt đầu hửng sáng. Đón tôi tại sân C2 là chị Huỳnh Thị Hà - Trưởng phòng Phát triển Dự án thuộc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội. Sau màn chào hỏi ngắn gọn, chị Hà cho biết, khóa học này có 209 “chiến sĩ” tham gia, chủ yếu ở lứa tuổi 10-15, thậm chí, có “chiến sĩ” mới 7 tuổi cũng được bố mẹ gửi tham gia “huấn luyện”. 

Đang tính hỏi chị mấy câu thì tiếng kẻng và một hồi kèn đã vang lên. Kim đồng hồ chỉ đúng 5h sáng. Một ngày mới của các “chiến sĩ” đã bắt đầu. Từ các phòng tập thể, các “chiến sĩ” ùa ra, nhiều em vẫn còn mắt nhắm mắt mở, ngáp ngắn ngáp dài. Tuy nhiên chỉ sau một khẩu lệnh, tất cả nhanh chóng sắp thành hàng ngay ngắn. Bài tập thể dục được tiến hành gọn ghẽ và đều tăm tắp, đúng tác phong quân đội. 

Kết thúc bài thể dục, các “chiến sĩ” quay về phòng để sắp xếp nội vụ - gồm có việc gấp gọn chăn, màn và vệ sinh cá nhân. Thấy chiếc màn lùng bùng, tôi ngỏ ý muốn gấp hộ một “chiến sĩ”, nhưng anh chàng này nhất quyết không đồng ý và khẳng định: “Con tự làm được!”. Và công bằng mà nói, thì “thành quả” của “chiến sĩ” này dù không được vuông vắn, đẹp mắt lắm, nhưng chắc chắn là đẹp hơn nhiều so với chiếc màn tôi vẫn cuộn tròn hàng sáng để nhét vào ngăn tủ.

Một ngày làm “chiến sĩ” ở Học kỳ quân đội ảnh 2Các “chiến sĩ” nhỏ tuổi trong trang phục truyền thống của Bộ đội Biên phòng

Hỏi về khóa huấn luyện, “chiến sĩ” tên Bảo Ngọc, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm nhanh nhảu: “Lúc đầu chưa quen con thấy sợ và muốn về nhà, nhưng giờ quen rồi, con thấy thích và vui, nhất là hôm được đào bếp Hoàng Cầm và luộc trứng, nhưng vẫn nhớ nhà”. “Chiến sĩ” Ngô Quang Anh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nông Nghiệp 1 thậm chí còn chủ động bắt chuyện: “Con thấy anh Vượng (chỉ sang bạn ngồi cạnh) đăng ký học nên con cũng đòi bố mẹ cho đi theo. Ở đây cũng vui, có nhiều bạn mới lại được tham gia nhiều hoạt động. Giờ con đã biết đào bếp Hoàng Cầm và cả cách mắc tăng võng, lều bạt nữa”. Bữa sáng của các “chiến sĩ” bắt đầu lúc 6h, thời điểm mà nếu ở nhà, chắc chắn chưa bé nào thức dậy. Kết thúc bữa ăn, mỗi “chiến sĩ” tự động, cầm bát đũa của mình ra phía ngoài rửa và úp vào chạn bát đặt ngay ngoài cửa bếp ăn theo đúng quy định rồi quay về phòng chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo.

Hình thành hành vi đúng chuẩn

6h30, một nam điều phối viên ngoài sân hô khẩu lệnh, chưa đầy 5 phút sau, tất cả đã có mặt đầy đủ, ngay ngắn và chỉnh tề trong bộ trang phục truyền thống của Bộ đội Biên phòng, trên đầu là chiếc mũ tai bèo xanh ngắt. Bắt đầu buổi tập trên thao trường.  209 “chiến sĩ” được yêu cầu ngồi bệt xuống bãi cỏ để dõi theo nội dung rèn luyện của ngày hôm đó.

Một vài em vẫn còn sợ bẩn, nhưng khi nghe thấy “đồng đội” nào đó khích: “Đi bộ đội mà sợ bẩn thì đi làm gì”, lập tức mạnh dạn ngồi xuống ngay. Tranh thủ ít phút nghỉ ngơi, thấy tôi lấy điện thoại ra nhắn tin, cậu bé Bùi Hoàng Trọng Nghĩa, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Đại Kim lân la lại gần. Sau hồi trò chuyện, cậu bé “ngỏ ý” muốn “xem” điện thoại của tôi. Nhưng vì được quán triệt từ trước, rằng các “chiến sĩ” chỉ được phép sử dụng điện thoại trong khoảng thời gian từ 18 - 19h để liên lạc với gia đình nên tôi đành từ chối.

Qua câu chuyện của Nghĩa, tôi được biết, trong khóa học này, có một “chiến sĩ” năm trước đã tham gia khóa học dài 7 ngày, năm nay, “chiến sĩ” này lại xin bố mẹ đi thêm khóa nữa. “Đó không phải trường hợp đầu tiên. Trong khóa học này, tôi gặp lại ít nhất 10 gương mặt của khóa học năm trước. Tôi có hỏi và các cháu nói, thích được rèn luyện và trải nghiệm trong môi trường này. Ở đây, các cháu được giáo dục về tính tự lập, về sự tự tin, về ý thức kỷ luật, tình đồng chí, đồng đội… Quan trọng hơn nữa, đó là lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các cháu, những chủ nhân tương lai của đất nước, được tìm hiểu rõ hơn về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Đó là những điều vô cùng quý giá”, Thượng tá Đặng Văn Thạch - Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Bộ đội Biên phòng chia sẻ.

Một ngày làm “chiến sĩ” ở Học kỳ quân đội ảnh 3Giữ trật tự nội vụ như trong đơn vị vũ trang

Rời thao trường, các “chiến sĩ” được nghỉ ngơi chờ đến giờ cơm trưa. Lúc này, các em tranh thủ tắm rửa và giặt giũ. Với phần lớn các “chiến sĩ”, có lẽ là lần đầu tiên tự tay giặt giũ quần áo của chính mình. Nhìn những động tác lóng ngóng nhưng vẫn muốn chứng tỏ là mình làm được của các cậu bé, cô bé, tôi thấy vui vui. 

Một khóa học vài ngày có thể không đủ để làm thay đổi tính cách và suy nghĩ của một đứa trẻ, nhưng chắc chắn sẽ là cơ sở giúp các em hình thành những tác phong, thói quen tốt. Những thói quen, hành vi tốt đó sẽ được bồi dưỡng và phát huy nếu có sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội.