Một ngày không mua gì

ANTĐ - Cuộc sống quả đầy rẫy những nghịch lý, nghịch cảnh trớ trêu như lửa và nước, trắng và đen, sáng và tối, giàu và nghèo. Hôm thứ 5 và thứ 6, nhân loại chứng kiến hai thái cực. “Ngày không mua gì” của những người phản đối chủ nghĩa tiêu xài quá mức và “Ngày thứ sáu đen tối” với những dòng người rồng rắn, chầu chực từ nửa đêm để mua hàng siêu hạ giá.

- Ở ta chỉ thấy các đợt khuyến mãi, giảm giá “khủng” chứ chưa thấy có “Ngày không mua gì”, lạ thật.

- Có gì mà lạ! Với hàng triệu người thu nhập thấp, méo mặt lo miếng ăn chưa xong thì ngày nào chẳng là ngày không lấy gì mà mua. Còn một thiểu số thì chẳng cần đợi đến “Ngày thứ sáu đen tối” vẫn vung tay mua sắm đồ xịn, hàng hiệu, chi tiêu công không tiếc tiền của dân, của nước.

- Không hiểu “Ngày không mua gì” diễn ra như thế nào nhỉ?

- Trong ngày ấy, ở 65 nước trên thế giới ngoài đường phố người dân tuần hành, quảng bá chiến dịch không mua gì. Trong siêu thị, trung tâm thương mại, họ vận động, tỉ tê khuyên người tiêu dùng nghĩ lại việc mua sắm, thay đổi thói quen “vung tay quá trán”.

- Tôi e rằng ở nước ta khó mà tổ chức được “Ngày không mua gì” với những người thích thì mua, thừa tiền không biết mua gì, tiêu gì cho hết.

- Ông không nên lúc nào cũng “liên hệ thực tế”, so sánh ta với thiên hạ mà… tủi hổ. Vào “Ngày không mua gì” ấy người ta còn tắt tivi, tắt di động, không đi xe… Nói chung là cố gắng không tiêu dùng gì từ lúc thức dậy đến khi lên giường.

- Tôi thấy như thế thì cực đoan quá, nghiệt ngã quá và “quyết liệt” quá, mà ở ta thì chỉ quen thói nửa vời, đánh trống bỏ dùi.

- Khác biệt là ở chỗ đó. Lần đầu tiên “Ngày không mua gì” được tổ chức toàn thế giới là năm 1992, đến nay đã trở thành hành động của triệu triệu người với triết lý: “Ngày không mua gì” khẳng định rằng, tiền không thể mua được hạnh phúc. Thế giới có đủ mọi thứ cho nhu cầu con người, nhưng không đủ cho lòng tham của một số người.

- Cao siêu quá ông ơi! Nếu ở ta có “Ngày không mua gì” thì giỏi lắm chỉ được đúng một ngày, còn lại 364 ngày cái gì mà chẳng mua được. “Có tiền mua tiên cũng được”, cơ mà!