Một ngày cùng Cảnh sát 114

(ANTĐ) - Chưa đến đơn vị Phòng cháy chữa cháy của Hà Nội, tôi không thể hình dung được hết những việc mà đơn vị với chức năng vô cùng quan trọng này phải đảm nhận. Thì đơn giản là trực chiến để mỗi khi có báo động cháy là lên đường dập lửa. Hình dung nguy hiểm thì đương nhiên rồi. Khi cháy, lửa bốc điên cuồng, thiên hạ người ta chạy ra thì mình lại chạy vào, không chết là may. Nhưng, hóa ra cũng lại không đơn thuần như chúng tôi nghĩ…

Một ngày cùng Cảnh sát 114

(ANTĐ) - Chưa đến đơn vị Phòng cháy chữa cháy của Hà Nội, tôi không thể hình dung được hết những việc mà đơn vị với chức năng vô cùng quan trọng này phải đảm nhận. Thì đơn giản là trực chiến để mỗi khi có báo động cháy là lên đường dập lửa. Hình dung nguy hiểm thì đương nhiên rồi. Khi cháy, lửa bốc điên cuồng, thiên hạ người ta chạy ra thì mình lại chạy vào, không chết là may. Nhưng, hóa ra cũng lại không đơn thuần như chúng tôi nghĩ…

Cảnh sát 114 luôn ứng trực 24/24h, góp phần giữ gìn sự bình yên của xã hội
Cảnh sát 114 luôn ứng trực 24/24h, góp phần giữ gìn sự bình yên của xã hội

Việc giải quyết… sướng nhất

Tôi và mấy bạn viết nữ nói vui với các anh PC23 rằng, chắc trong số các loại hình nghiệp vụ công an, các chị nhà của cánh Phòng cháy chữa cháy là yên tâm nhất. Chị em ghét nhất ở đàn ông là có bồ, thứ nhì không có thời gian cho vợ.

Anh Tô Mạnh Thắng, Đội Phó Đội Tổng hợp PCCC cười phản biện: “Nói vợ công an PCCC yên tâm là chưa đúng đâu đấy nhé. Thử phân tích xem, nếu yên tâm vì chồng nhàn nhã, có thời gian chăm sóc vợ con, thì chúng tôi lại không nhàn. Lúc nào cũng sẵn sàng bật dậy, kể cả nửa đêm gà gáy. Thứ hai, nếu bảo chúng tôi không có tiền (theo thiên hạ nghĩ có tiền thì sinh tật), thì cũng chưa hẳn đâu nhé”.

Cả phòng khách chủ cùng cười rất vui. Nhìn quanh bàn làm việc, thấy mấy đồng chí cán bộ của Đội Tổng hợp, cả Đội trưởng Lê Hồng Hải, 4 đồng chí Đội phó và ngay cả những cán bộ trẻ măng là chuyên viên của Đội, hầu như ai cũng làm việc bằng máy tính xách tay (được biết các anh chị em tự sắm bằng tiền lương). Nhìn không khí làm việc của cả Đội, thấy các anh lạc quan thế, chúng tôi cũng vui lây.

Giữa những buổi làm việc để tìm hiểu công việc của các anh chị, chúng tôi thấy có những người cứ thập thò, rồi vào gặp trực tiếp những đồng chí chỉ huy, đưa ra cho họ những tập tài liệu. Lại thấy có những quyển đóng gáy dày cộp, to có, nhỏ có, với những bản vẽ chi tiết các công trình xây dựng. Có cả những công trình nổi tiếng ở Hà Nội như hệ thống siêu thị, khu công trình nhà nổi bao quanh Trung tâm Hội nghị quốc gia… Có những việc phải nói là tôi khá mơ hồ, hóa ra là cả cái thành phố này, bất kể công trình xây dựng lớn bé nào, của tư nhân hay của tập thể, công ty, tập đoàn, Nhà nước… khi muốn xin được cấp phép xây dựng của Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng... đều phải có chữ ký duyệt vào bản vẽ đề án thiết kế phòng cháy chữa cháy. Thế thì cần phải có chuyên môn thiết kế xây dựng để đọc bản vẽ (mà chuyên môn thiết kế xây dựng cũng bắt buộc phải có mỗi khi lao vào đám cháy trinh sát địa hình, tìm phương án tối ưu để cứu hỏa). Không những thế, các anh còn phải biết quy trình công nghệ của từng loại ngành sản xuất; phải biết tính toán phân tích để khi có biến cố có thể trinh sát địa hình và tìm hướng ứng cứu nhanh nhất.

Vậy nên theo con mắt một người ngoại đạo như tôi, công việc duyệt bản vẽ đề án phòng cháy chữa cháy trong thiết kế xây dựng của đơn vị PC23 (hay của tất cả những đơn vị công an PCCC trong cả nước) là… sướng nhất. Vì không có lửa cháy, và còn có thời gian tối ưu nhất để ngăn chặn những ngọn lửa cuồng ngay từ trên những bản vẽ.

Một phút với 114

Tuy nhiên, thật khó có thể tưởng tượng cả thành phố Hà Nội hiện nay báo cháy qua 114, thì chỉ có… 2 cái máy điện thoại bàn cổ lỗ sĩ trực chiến cùng với hai chiến sĩ công an nghĩa vụ. Cứ vài giây lại có tiếng chuông điện thoại reo. Tiếng chuông reo ri ri. Vòng dây xoắn vàng khè qua bao thời gian và bao bàn tay trai trẻ.

Thay nhau alô rồi lại đặt xuống. Mồ hôi rịn hai bên thái dương những người chỉ lo bất chợt từ đâu có cháy.

Tôi hỏi sao báo cháy ở đâu mà nhiều thế? Một chiến sĩ cười nụ cười còn đầy măng tơ: Họ gọi trêu đấy chị ạ. Sao lại trêu nhỉ? Vâng, trẻ con nghỉ hè gọi đến nhiều lắm, ban đêm có nhiều người còn gọi đến xin tư vấn tình cảm nữa cơ. Nhưng chúng em phải xin lỗi, từ chối ngay, vì nếu để đường dây bận lâu là vi phạm kỷ luật, là biết đâu có tội với dân. Chiến sĩ ngồi bên cạnh bảo: có nhiều trường hợp do sóng bị lẫn làm chuông reo, nhưng cũng có những người cố tình báo cháy giả, khi điều tra ra thì chủ máy nói họ không gọi, ai đó gọi trộm… Thành ra không thể xử lý được.

Tôi nhìn thấy trên bàn cuốn sách Giao tiếp thông minh và tài ứng xử. Đúng là làm cái nghề này còn phải biết tuyên truyền vận động quần chúng, phải biết đối nhân xử thế, mới mong hoàn thành nhiệm vụ với dân.

Hai chiến sĩ và cả những cán bộ trực chiến trong phòng vẫn cứ kiên nhẫn với công việc của mình, với nét mặt thật hiền. Hình như đã quen nên các anh không giật mình như tôi mỗi khi có chuông reo. Cứ alô, rồi lại đặt xuống một phút không biết bao nhiêu lần.

Nhìn quanh phòng trực chiến, chỉ có đúng một máy tính để bàn từ thời những năm chín mươi thế kỷ trước. Tủ đựng hồ sơ các vụ cháy vẫn là những cái tủ sắt được trang bị từ thời bao cấp. Máy điều hòa National cọc cạch chạy như kéo bễ. Anh Hải kể, chúng tôi đi xin của đơn vị bạn thải ra đấy. Cũng còn tốt chán.

Tôi tự hỏi, Thủ đô ta có biết rằng những chiến sĩ công an phòng cháy chữa cháy đang phải làm việc trong điều kiện như thế này không?

Trên cái bảng được đóng lên tường không biết từ năm nào, qua bao đời, hôm nay thấy ghi: Chỉ huy Phòng: đc Sơn; Chỉ huy chữa cháy: đc T.Anh; Cán bộ kiểm tra: đc Hanh; Sĩ quan tham mưu: đc Quân; lái xe: đc Hưng, đc Việt; Tổng số cbcs: 224 đc; Xe chữa cháy: 30 xe.

Nhưng may thay - ơn trời - hôm nay chỉ có máy lạc hoặc các nhóc nghỉ hè ở nhà gọi điện đến chọc chơi mấy chú công an.

Những vụ cháy kinh hoàng

Khi chúng tôi đến làm việc với đơn vị PC23 lần đầu, Thượng tá Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng PC23 bảo: Hôm qua là kỷ niệm 15 năm ngày cháy chợ Đồng Xuân.

Nỗi kinh hoàng của những người lính cứu hỏa đã được điện ảnh Holywood mô tả đầy chân thực, sống động và đau đớn trong một bộ phim về những người lính cứu hỏa, mô phỏng số phận và lòng dũng cảm của hơn 300 lính cứu hỏa đã hy sinh cứu người trong vụ bọn khủng bố đánh bom làm sập tòa tháp đôi thế giới tại New York, ngày 11-9-2001 lịch sử.

Hơn 4 tháng sau vụ sập Tòa tháp đôi đó, đoàn nhà văn chúng tôi (là khách mời của Chính phủ Mỹ) đã đứng lặng bên cái hố đất khổng lồ để tưởng niệm những người đã mất. Hàng nghìn hàng vạn người trên thế giới đã hành hương về đây để đặt những vòng hoa, thậm chí là những cánh hoa, những lời cầu chúc cho bao người an nghỉ. Lớp lớp ảnh đủ kích cỡ những người đã mất được đặt bên vệ thành. Chính phủ Mỹ đã cho đắp tượng tất cả những người lính cứu hỏa hy sinh, đặt cả dãy dài bên lối vào tưởng niệm. Chắc chắn ai đã đến vào lúc đất ở chân Tòa tháp đôi vẫn còn nóng rãy, cũng sẽ giàn giụa nước mắt như những nhà văn Việt Nam chúng tôi lúc bấy giờ. Ước ao hòa bình thế giới và ước ao cuộc sống không có những cơn lửa cuồng thiêu rụi sự sống.

Có lẽ trong hồ sơ những vụ cháy kinh hoàng của Việt Nam, những người lính cứu hỏa Thủ đô sẽ ghi nhớ mãi cái ngày 14 tháng 7 định mệnh của cái chợ từng được coi là an toàn về mọi mặt giữa Thủ đô.

Nhưng nói đâu xa, mới đây thôi, cũng trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra hàng loạt vụ cháy, thiêu rụi hàng chục cho đến hàng trăm tỉ đồng. Thậm chí cháy nổ gây chết người. Chưa kịp bàn xong việc nhập tỉnh, thì lần lượt chợ Hà Đông và chợ Sơn Tây cháy.

Theo thông báo về tình hình cháy năm 2008, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 227 vụ cháy, làm 7 người chết, 29 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính 68.372.900.000đ. Cháy 1,8 ha rừng thông thuộc huyện Sóc Sơn. Về nguyên nhân gây cháy, do điện 129 vụ; do sử dụng lửa 58 vụ (thắp nến, hút thuốc, thắp hương, sơ xuất khi dùng lửa, trẻ em nghịch, mâu thuẫn, bệnh lý… ); do sử dụng khí đốt gas; do sự cố thiết bị, hoặc các nguyên nhân khác…

Thống kê đầu năm 2009, từ ngày 1-12- 2008 đến ngày 31-5-2009, so sánh với 6 tháng đầu năm 2008, số vụ cháy tăng 58 vụ, so sánh với 6 tháng cuối năm, số vụ cháy tăng 52 vụ. Thiệt hại về người và của cũng vì vậy đã tăng lên rất nhiều.

Đặc biệt vào thời điểm cuối tháng 5 có 2 vụ cháy nổ nghiêm trọng đã xảy ra. Vào hồi 16h39 ngày 6-5, đã xảy ra vụ nổ cháy tại toa xe và kho chứa hàng trong ga Giáp Bát. 5 người bị chết, 5 người bị thương. Cháy hàng hóa trong toa xe và trong kho E4, E5, E6 với diện tích cháy 450m2 trên tổng diện tích kho là 1.365m2. Thiệt hại về tài sản và nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa có kết luận. PC23 đã điều động 9 xe chữa cháy, xe chuyên dùng tổ chức cứu chữa và dập lửa trong thời gian rất nhanh. Nhưng ngay từ khi phát nổ ban đầu trên toa xe, đã làm chết ngay 5 người đang làm việc tại kho, gần toa xe, 5 người bị thương may mắn đang làm việc lui vào phía trong kho, và có cửa thông.

Vào hồi 16h35 ngày 28-5, cháy nhà kho của Công ty TNHH vận tải và du lịch Hoa Việt thuê lại của Chi nhánh Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội - Xí nghiệp chế biến thủy đặc sản Hà Nội, tại đường Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Khi xem lại những hình ảnh chữa cháy vụ này, mới thấy sự nguy hiểm đã tiềm ẩn từ rất lâu. Khu nhà kho đã được thuê và cho các đơn vị thuê lại từng gian riêng. Chủ thuê nào cũng phòng chống trộm cắp bằng những ống khóa đến công an cũng chật vật khó phá (khi cứu hỏa), lại chỉ có 4 bảo vệ vòng ngoài, trần nhà được làm bằng xốp cách nhiệt, hệ thống điện nhằng nhịt, cắt cầu dao tổng, nhưng ở một số gian kho vẫn có điện đi bằng đường khác, cháy xảy ra hàng tiếng sau, dân sống gần mới phát hiện và báo cho 114, còn bảo vệ đi đâu không biết…

PC23 khi nhận được báo động vào 18h15, đã điều 6 đơn vị với trên 100 cán bộ chiến sĩ cùng 18 xe chữa cháy, 4 xe chuyên dùng, 2 máy bơm phối hợp với các xe chở nước của Công ty Môi trường đô thị HN, tổ chức cứu chữa, và đến 0h30 ngày 29-5 thì dập tắt được cơ bản. Thiệt hại vụ cháy này lên đến 100 tỉ đồng, do trong các gian kho chứa phần nhiều là thuốc tân dược (công ty này vừa mới nhập 40 tỉ đồng tiền hàng), nhiều hàng điện tử (tủ lạnh, thiết bị điện…), thiết bị y tế, bàn ghế… Thời điểm để lực lượng vào cứu chữa lại đang rất đông người đi lại, xe không chạy nhanh vào được. Nước chữa cháy thiếu nghiêm trọng. Có 1 bể dung tích 100m3 nhưng khi đó chỉ còn 20m3 nước.

Bể thứ hai chứa 300m3 nước thì nằm ở góc trong, xe không vào hút được, nếu dùng vòi hút thì sức hút chỉ đi được khoảng 200m. ở các nước tiến bộ, thường lực lượng PCCC chỉ cần đưa được xe chuyên dùng vào hiện trường, còn nước có thể trích ngay tại những đường ống chạy ngầm dành cho cứu hỏa. Trung tá Trương Dũng, Đội phó phụ trách thông tin đã báo cáo khá kỹ càng cho chúng tôi nghe những vụ cháy điển hình trong địa bàn Thủ đô với mong muốn bằng những bài báo sẽ truyền thông rộng khắp trong cộng đồng để hạn chế đến mức thấp nhất những sơ xuất đáng tiếc. 

Không thể thiếu cánh quân PC23

PC23 luôn ghi đậm, nhắc nhở các cán bộ chiến sĩ, đồng thời tuyên truyền trong cộng đồng, chủ động kiềm chế được thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, không để xảy ra các vụ cháy nổ lớn tại các trọng điểm, đơn vị nhạy cảm, làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự tại Thủ đô, bảo vệ an toàn các hoạt động hội họp, ngoại giao quan trọng của Đảng và Nhà nước trong các ngày lễ lớn; mùa hanh khô; dịp lễ Tết…

Nhưng lực lượng PCCC còn có những nhiệm vụ quan trọng nữa là các anh luôn cần phải có mặt tại những kỳ cuộc lớn, chống bạo động, chống đua xe, biểu tình hay có mặt trong các vụ cưỡng chế theo pháp luật…

Thượng tá Lê Mạnh Hùng nói vui với đoàn nhà văn chúng tôi: “Nhiều khi vòi phun của chúng tôi phải chĩa ra dọa, chứ chưa phun thật bao giờ. Phun thật thì cánh đua xe có mà ngã quay ra hàng loạt”. Anh kể, có những vụ cháy lực lượng cứu chữa không dám phun chất hóa lỏng thẳng vào đám cháy, do sợ có những người chết, gặp chất hóa lỏng này phun vào, sẽ tan cả xác. Cháy đã làm hình hài không toàn thây rồi, có khi lính cứu hỏa sờ vào trong đống than bỏng lôi ra cả cái đầu người, vẫn phải bê ra, sau đó các anh phải cho người lính trẻ ấy về nghỉ cả tuần để lấy lại tinh thần. Nếu phun chất hóa lỏng vào với sức công phá cực mạnh, tường nhà, kính, các vật dụng sẽ tan tành.

Tôi đọc thấy khá nhiều thành tích và những việc lớn đã làm của PC23 trong báo cáo công tác của Thượng tá Tô Xuân Thiều, Trưởng Phòng PC23, gửi Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, để bổ sung vào cuốn sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Công an Thủ đô, giai đoạn 1996-8/2008”:

Ngày 19-6-2002, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba cho tập thể CBCS Phòng PC23. Ngày 1-11-2004, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích trong việc tổ chức thành công SEAGame lần thứ 22 tại Việt Nam. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong bảo vệ Hội nghị cấp cao ASEMS. Ngày 27-2-2007, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích 5 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001-2006. Năm 2005-2006, tham gia bảo vệ an toàn về PCCC quá trình xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Từ năm 1998 đến năm 2006, được Bộ Công an và UBND thành phố trang bị 2 xe cứu hộ, 2 xe thang 53m, 6 xe chữa cháy, 3 xe chở phương tiện cứu hộ và các trang thiết bị như thang dây, đệm hơi, quạt hút khói… Năm 2006, thực hiện dự án xây dựng Trung tâm chỉ huy điều hành chữa cháy 27-29 Phan Chu Trinh (tuy nhiên đến nay công trình này vẫn còn dang dở). Năm 2008, Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Hà Nội 11 chiếc xe chữa cháy đã qua sử dụng…

Không thể liệt kê thành tích cũng như những công việc bề bộn của các anh.

Tôi để lại số di động của mình tại Trung tâm chỉ huy, với lời hẹn nếu có cháy thì các anh nhớ gọi để tôi được đi cùng tới hiện trường, để được chứng kiến tận mắt những gì mà người lính cứu hỏa phải trải qua.

Nhưng trong lòng tôi thầm ước, giá như không bao giờ các anh phải gọi…

Không thể thiếu cánh quân PC23

PC23 luôn ghi đậm, nhắc nhở các cán bộ chiến sĩ, đồng thời tuyên truyền trong cộng đồng, chủ động kiềm chế được thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, không để xảy ra các vụ cháy nổ lớn tại các trọng điểm, đơn vị nhạy cảm, làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự tại Thủ đô, bảo vệ an toàn các hoạt động hội họp, ngoại giao quan trọng của Đảng và Nhà nước trong các ngày lễ lớn; mùa hanh khô; dịp lễ Tết…

Nhưng lực lượng PCCC còn có những nhiệm vụ quan trọng nữa là các anh luôn cần phải có mặt tại những kỳ cuộc lớn, chống bạo động, chống đua xe, biểu tình hay có mặt trong các vụ cưỡng chế theo pháp luật…

Thượng tá Lê Mạnh Hùng nói vui với đoàn nhà văn chúng tôi: “Nhiều khi vòi phun của chúng tôi phải chĩa ra dọa, chứ chưa phun thật bao giờ. Phun thật thì cánh đua xe có mà ngã quay ra hàng loạt”. Anh kể, có những vụ cháy lực lượng cứu chữa không dám phun chất hóa lỏng thẳng vào đám cháy, do sợ có những người chết, gặp chất hóa lỏng này phun vào, sẽ tan cả xác. Cháy đã làm hình hài không toàn thây rồi, có khi lính cứu hỏa sờ vào trong đống than bỏng lôi ra cả cái đầu người, vẫn phải bê ra, sau đó các anh phải cho người lính trẻ ấy về nghỉ cả tuần để lấy lại tinh thần. Nếu phun chất hóa lỏng vào với sức công phá cực mạnh, tường nhà, kính, các vật dụng sẽ tan tành.

Tôi đọc thấy khá nhiều thành tích và những việc lớn đã làm của PC23 trong báo cáo công tác của Thượng tá Tô Xuân Thiều, Trưởng Phòng PC23, gửi Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, để bổ sung vào cuốn sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Công an Thủ đô, giai đoạn 1996-8/2008”:

Ngày 19-6-2002, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba cho tập thể CBCS Phòng PC23. Ngày 1-11-2004, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích trong việc tổ chức thành công SEAGame lần thứ 22 tại Việt Nam. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong bảo vệ Hội nghị cấp cao ASEMS. Ngày 27-2-2007, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích 5 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001-2006. Năm 2005-2006, tham gia bảo vệ an toàn về PCCC quá trình xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Từ năm 1998 đến năm 2006, được Bộ Công an và UBND thành phố trang bị 2 xe cứu hộ, 2 xe thang 53m, 6 xe chữa cháy, 3 xe chở phương tiện cứu hộ và các trang thiết bị như thang dây, đệm hơi, quạt hút khói… Năm 2006, thực hiện dự án xây dựng Trung tâm chỉ huy điều hành chữa cháy 27-29 Phan Chu Trinh (tuy nhiên đến nay công trình này vẫn còn dang dở). Năm 2008, Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Hà Nội 11 chiếc xe chữa cháy đã qua sử dụng…

Không thể liệt kê thành tích cũng như những công việc bề bộn của các anh.

Tôi để lại số di động của mình tại Trung tâm chỉ huy, với lời hẹn nếu có cháy thì các anh nhớ gọi để tôi được đi cùng tới hiện trường, để được chứng kiến tận mắt những gì mà người lính cứu hỏa phải trải qua.

Nhưng trong lòng tôi thầm ước, giá như không bao giờ các anh phải gọi…

Bút ký dự thi của Võ Thị Xuân Hà