Một nền kinh tế tử tế: Không kiếm tiền bằng mọi giá, không làm lợi bằng đầu độc người khác

ANTD.VN - Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 26-5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thẳng thắn góp ý, phân tích, tranh luận gay gắt về “khoảng lặng” của nền kinh tế nước ta hiện nay là tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững…

Một nền kinh tế tử tế: Không kiếm tiền bằng mọi giá, không làm lợi bằng đầu độc người khác ảnh 1Khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, người dân Việt Nam có xu hướng đi du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn

Tốc độ tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào dầu thô?

Sau 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, đa số đại biểu (ĐB) ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của hệ thống chính trị để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, các ĐB cũng chỉ ra không ít khó khăn, tồn tại, những “khoảng lặng”, những “nút thắt” mà nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt…

ĐB Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn đánh giá, các trụ cột phát triển, tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững. Các mô hình tăng trưởng chưa có bước chuyển biến rõ nét mà chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư nước ngoài FDI, tăng trưởng cũng phần lớn dựa vào FDI, nguồn thu lớn cũng dựa vào FDI. “Đây là nút thắt, Chính phủ cần phải mau chóng tháo gỡ” - ĐB Nguyễn Thanh Hải nói.

Trước đó, ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, kinh tế nước ta đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 song bên cạnh đó vẫn còn có những “khoảng lặng” của tăng trưởng.

ĐB Hoàng Quang Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song ông cũng chỉ ra, trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.

“Tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là của để dành, song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất” - ĐB Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Cũng bàn về câu chuyện này trong bài phát biểu của mình tại Quốc hội, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) nêu quan điểm, việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta chưa rõ nét, chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài, xuất khẩu từ nước ngoài chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu là chính xác.

“Tôi nói như vậy bởi vì trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2017 nếu chúng ta không tăng trữ lượng khai thác so với dự toán năm 2016, giá dầu không tăng thì liệu chúng ta có đạt được tăng trưởng GDP là 6,8% không” - ĐB Nguyễn Thanh Hồng trăn trở.

Mong xây dựng được một nền kinh tế tử tế

Một trong những nội dung lớn khác được nhiều ĐBQH tập trung thảo luận là chất lượng tăng trưởng chưa cao, trong khi tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn chưa bị đẩy lùi.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nêu, điều mà nhân dân, cử tri và các ĐBQH quan tâm chính là làm thế nào để nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng đời sống nhân dân. Và một trong các giải pháp bền vững để đạt được điều này là phải xây dựng thương hiệu Việt thông thông qua một nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất kinh doanh có đạo đức.

“Tôi rất tiếc điều này không được chính thức ghi trong Nghị quyết số 24 của Quốc hội, bởi đó là tinh thần căn bản của một nền kinh tế tử tế, trong đó mọi người biết tự trọng, biết yêu giống nòi Tổ quốc, không kiếm tiền bằng mọi giá, không làm lợi bằng cách đầu độc người khác” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng góp ý.  

Đặc biệt, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Thủ tướng sử dụng thẩm quyền được nhân dân và Quốc hội trao, đó là đứng đầu hệ thống cơ quan hành pháp, kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm theo thẩm quyền.

“Trước hết, có thể tạm đình chỉ những cán bộ lãnh đạo hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong việc thu chi ngân sách nhà nước, sử dụng vốn ODA, xử lý cát tặc, lâm tặc, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt là nạn bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ, bổ nhiệm không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu… Nhân dân rất mong chờ sớm sự chuyển biến trong vấn đề này” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đồng quan điểm, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) nói: “Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn… Lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1.300.000 đồng, thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ”.

Qua thảo luận, nhiều ĐBQH cũng đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, kiến nghị cho Quốc hội, Chính phủ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong thời gian tới. Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐ-TB&XH đã tham gia phát biểu giải trình để cung cấp thêm một số vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Chọn giáo dục nghề nghiệp là khâu đột phá

Một nền kinh tế tử tế: Không kiếm tiền bằng mọi giá, không làm lợi bằng đầu độc người khác ảnh 2

“Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn 3,13%. Hiện, 76% lao động trong độ tuổi lao động ở nước ta có việc làm. Lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng tăng, hiện có 134.000 người. Lao động Việt Nam được đánh giá có nhiều tiến bộ, chuyển dịch cơ cấu tích cực hơn. Dù vậy, tính bền vững của việc làm không cao, thu nhập thấp, việc làm bấp bênh. Đáng chú ý là công tác giải quyết việc làm cho thanh viên, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học còn khó khăn. Hiện trung bình mỗi năm vẫn có tới 200.000 sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Tỷ lệ thất nghiệp trong đội ngũ thanh niên là 7,51%. Cùng đó, năng suất lao động của Việt Nam dù đã chuyển biến tích cực nhưng còn thấp.

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH đang chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá. Bộ sẽ quy hoạch lại các trường giáo dục nghề nghiệp, sẽ đóng cửa các trường không hiệu quả. Thứ hai là chuyển hẳn sang đào tạo theo định hướng, theo địa chỉ, theo đặt hàng của doanh nghiệp trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường”.  

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Sẽ trình Quốc hội xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi

Một nền kinh tế tử tế: Không kiếm tiền bằng mọi giá, không làm lợi bằng đầu độc người khác ảnh 3

“Trong lĩnh vực thu ngân sách Nhà nước, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp gian lận thương mại chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế còn xảy ra tại nhiều nơi. Do vậy, tới đây phải tiếp tục siết chặt việc này. Về các giải pháp khác, với Luật Thuế giá trị gia tăng, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia, các cơ quan giữ mức thuế phổ thông là 10%, không nâng mức thuế giá trị gia tăng này lên 11% đến 12% như dự thảo ban đầu. Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, nghiên cứu theo hướng mở rộng các đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý. Về thuế tài sản, tiếp tục nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, đảm bảo công khai minh bạch tài sản phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng…

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tích cực rà soát hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để trình Quốc hội cho xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi để đảm bảo phản ánh đúng thực chất số nợ thuế minh bạch trong quản lý thuế”.