Một năm sau ngày bị đánh còn có thể tố cáo được không?

ANTD.VN - Tháng 6-2016, trong lúc to tiếng ở ngoài đồng, chồng tôi bị người cùng thôn bổ chiếc cuốc vào mặt và phải điều trị 14 ngày tại bệnh viện. Trong lúc chồng tôi nằm viện, vợ của người cùng thôn kia luôn hứa hẹn sẽ bồi thường thỏa đáng cho chồng tôi. Nhưng sau khi tạm đưa 20 triệu đồng, gia đình họ làm ngơ chuyện này. Xin hỏi, nếu bây giờ chồng tôi tố cáo vụ việc ra cơ quan công an thì có còn được pháp luật giải quyết không? Kẻ gây thương tích cho chồng tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Đặng Thị Huệ (Ba Vì - Hà Nội)

       Luật sư  Giang Hồng Thanh VPLS Giang Thanh Địa chỉ: Số 197, phố Đặng Tiến Đông,             Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội 

Trả lời: Theo Điều 23 - Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Cụ thể là 5 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về trường hợp của chị, xảy ra từ tháng 6-2016 nên tính đến thời điểm này chưa được 1 năm. Như vậy, thời hiệu giải quyết đối với vụ án mà chồng chị là người bị hại vẫn còn và cơ quan pháp luật hoàn toàn có quyền điều tra, truy tố, xét xử nếu như bây giờ chồng chị tố cáo hành vi của người kia. 

Đối với hành vi của người hàng xóm bổ cuốc vào mặt chồng chị, hành vi này có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 - BLHS. Theo đó, mức hình phạt đối với người này còn phụ thuộc vào tỷ lệ thương tích mà chồng chị phải gánh chịu. Giải quyết vụ án, CQĐT sẽ trưng cầu giám định thương tích đối với chồng chị. Kết quả giám định sẽ là căn cứ để tòa án quyết định mức hình phạt dành cho người phạm tội.

Chẳng hạn nếu tỷ lệ thương tật của chồng chị dưới 11%, người hàng xóm sẽ phải đối diện với khung hình phạt theo khoản 1, Điều 104 - BLHS với mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù bởi người này đã dùng cuốc được coi là hung khí nguy hiểm bổ vào mặt chồng chị. Tương tự, nếu tỷ lệ thương tật của chồng chị từ 11% đến dưới 30% thì mức hình phạt tù sẽ dao động từ 2 năm tù đến 7 năm tù, theo khoản 2 - Điều 104.

Ngoài ra, nếu bị đưa ra xét xử và kết án thì ngoài mức hình phạt tương xứng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì người cùng thôn với gia đình chị còn phải chịu trách nhiệm dân sự, nghĩa là phải bồi thường bằng tiền tương ứng với các khoản gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của chồng chị; thu nhập thực tế bị mà chồng chị bị mất hoặc bị giảm sút… với mức cao nhất không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, tại thời điểm giải quyết bồi thường thiệt hại.