Một mình vật lộn giữa biển cả sau 25 giờ rơi xuống biển

ANTĐ - Người ngư dân trẻ tuổi này không áo phao, không nước uống, không lương thực, không thiết bị cứu hộ đã phải bơi 25 tiếng đồng hồ giữa biển, rồi đuổi theo 15 chiếc tàu để cầu cứu nhưng không có một chiếc tàu nào phát hiện ra. Cuối cùng anh rơi vào vùng nước xoáy và trôi dạt sang Philippines và được một tàu nước này cứu vớt. Kể lại giờ phút giành giật giữa sự sống và cái chết, anh bảo lúc đó anh nghĩ về cha mẹ, về gia đình, về đứa con mới hơn một tuổi của mình và đó chính là sức mạnh giúp anh vùng dậy bơi tiếp…

Gia đình, xóm làng vây quanh anh Sang khi mới trở về

Tử thần hai lần không dám gọi tên

Nếu ai từng biết đến tác phẩm “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway sẽ thấu hiểu và khâm phục những con người nhỏ bé một mình chống chọi giữa biển. Nếu như ông lão trong tiểu thuyết ngắn này còn có một chiếc thuyền, một người bạn đồng hành và một số vũ khí để chống lại những loài cá hung dữ giữa biển đêm, thì người ngư dân trẻ ở Khánh Hòa chỉ có một niềm tin mãnh liệt vào sự sống, niềm hy vọng mãnh liệt giữa nỗi tuyệt vọng bao trùm về cái chết, về sự chia xa và nỗi cô đơn cùng cực khi một mình chống chọi giữa biển đêm lạnh lẽo. 

Vừa đặt chiếc ba lô sờn rách của mình xuống sân nhà, cả người thân và xóm làng của anh Trần Minh Sang (23 tuổi, thôn Hà Già, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa) chạy ùa tới tay bắt mặt mừng, người thì ôm chầm lấy anh, người khác thì xoa đầu, sờ nắn khắp cơ thể xem anh có bị thương tích gì không, người thì vội vã rót cho anh chén nước chè đậm đà mùi của biển. Một ông lão làng chài già nhất xóm cứ cầm tay anh Sang mà lắc rồi nghẹn ngào: “Thằng Sang về đây rồi bà con ơi. Nó về thật rồi!”, cùng với lời nói của ông, những giọt nước mắt mừng tủi của bà con làng chài lã chã rơi xuống, như đón chính người thân của mình đi ra từ cái chết giữa biển khơi. Đây chẳng phải lần đầu anh Sang phải vật lộn giữa biển một mình, nhưng lần này lại là lần ám ảnh nhất với anh, bởi thời gian, không gian và cả sự tuyệt vọng cứ bủa vây lấy anh giữa sự bao la của biển trời, và sự cố gắng không biết mệt mỏi của tâm hồn lẫn cơ thể để giành lấy sự sống từ tay tử thần. 

Ngồi giữa người thân và bà con hàng xóm của làng chài nghèo, gió biển vẫn cứ lồng lộng thổi vì nhà anh cách mép sóng chưa tới 50m, anh kể lại những khoảnh khắc vật lộn của mình giữa biển đêm. Cách đây hơn một tuần, anh Sang lén trốn vợ đi làm cho một tàu cá ở Quảng Ngãi. Đây là một đội tàu với người thuyền trưởng có rất nhiều năm kinh nghiệm với biển cả là ông Tiêu Viết Thuận (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Trước đây anh Sang cũng đã có lần đi bạn trên tàu này nên cũng khá quen thuộc với công việc và ngư trường của tàu. Thế nhưng anh lại không hề biết rằng đây là một chuyến đi định mệnh của cuộc đời mình. Sau khi tàu rời Quảng Ngãi hướng về phía ngư trường giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Anh Sang ra phía cuối tàu để đi vệ sinh thì bất ngờ tàu chồm lên một con sóng cao khiến anh bị mất thăng bằng, hẫng chân rồi rơi tõm xuống biển. Giữa khoảnh khắc chới với ấy, tiếng gọi vội vã và khản đặc của anh lọt thỏm giữa tiếng sóng biển, chìm khuất giữa tiếng động cơ máy tàu 300 mã lực cứ vùn vụt lao đi. Khi tiếng gọi của anh không còn cất lên được nữa, cũng là lúc chiếc tàu cá chỉ còn là một chấm nhỏ giữa đại dương mênh mông. “Đã từng một lần bị rơi xuống biển, tôi biết rằng xác suất sống sót là rất thấp trong trường hợp như thế này. Người ta chỉ có thể xuống biển không quá 2 tiếng đồng hồ, cùng với đó là hàng loạt những phương tiện hiện đại hỗ trợ. Trong khi tôi chỉ có một bộ quần áo trên người. Tôi đã nghĩ có thể lần này mình không trở về được nữa. Lúc ấy tôi tuyệt vọng cùng cực đã định buông xuôi tất cả, thế nhưng tôi lại nghĩ biết đâu có chiếc tàu nào sẽ ngang qua đây và cứu vớt mình lên. Nghĩ đến điều đó tôi lại cố gắng cầm cự dù thời gian càng trôi đi thì niềm hy vọng ấy càng mỏng manh hơn!”, anh Sang gạt những giọt mồ hôi sợ hãi lấm tâm trên trán kể lại khoảnh khắc ấy.

Sau hơn một tiếng đồng hồ vật lộn giữa biển, anh Sang đã đuối sức nên rơi vào vùng nước xoáy và trôi rất nhanh về phía vùng biển Palawan của Philippines. Mặc dù vẫn rất hy vọng, nhưng giữa biển trời mênh mông anh Sang chỉ hy vọng có một vật gì đó để bấu víu vào, nắm lấy nó như nắm lấy một cơ hội cuối cùng cho sự sống của mình. Thế nhưng biển trong xanh và vắng lặng quá, bầu trời đầy nắng gắt và chói lòa sóng bạc làm mắt anh tối sầm lại. Sợ mình sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn vì sợ hãi giống như những người đi biển khác nên anh ngửa người thả trôi tự do để mình bình tĩnh lại. Lúc ấy, anh chẳng hề biết rằng mình đã bị trôi dạt tới vùng biển giáp ranh với Palawan, là nơi có đường hàng hải quốc tế nên tàu hàng thường xuyên hành trình ngang qua.

Đang thoi thóp lặn ngụp, qua tiếng nước và tiếng gió, anh bỗng nghe thấy giữa sự lặng thinh của biển những tiếng động cơ tàu. Anh mừng đến phát khóc khi phát hiện tàu hàng nên bơi cật lực để chặn đầu, ra hiệu cứu vớt. Nhưng cuối cùng anh phải thả tay, thở dốc vì con tàu đã vượt qua trước mặt ở khoảng cách khá xa khi anh cố gắng bơi hơn 2km giữa biển. Con tàu thứ nhất vượt qua, rồi đến con tàu thứ 2, 3…và cả chục con tàu đi qua trong tầm mắt hy vọng của anh. Chỉ cần phát hiện ra có tàu, anh tiếp tục bơi đuổi vài km, nhưng rồi lại thất vọng vì tiếng kêu cứu của anh lạc lõng giữa biển. “Sức sóng bị cánh quạt động cơ đánh ra rất mạnh, không dễ gì có thể lại gần những tàu đang di chuyển mạnh mẽ như thế. Trong khi đó trên tàu mỗi người một việc và âm thanh động cơ lấn át mọi thứ. Đặc biệt với những tàu biển cỡ lớn, chở container hoặc mang theo những kiện hàng lớn rất ít khi dừng lại trên biển vì việc khởi động rất tốn kém nhiên liệu, cũng như khó lòng nhìn thấy một người nhỏ nhoi giữa đại dương rộng lớn!”, anh Sang chia sẻ. Khi màn đêm sập xuống, anh cũng đã đuối sức lắm rồi nên cứ thả lỏng người trôi nổi tự do trên biển. Anh biết rằng đây sẽ là một đêm lưu lạc giữa biển đen ngòm, một đêm dài nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời anh bắt đầu.

Ngồi giữa người thân và bà con hàng xóm láng giềng miền biển, những lão ngư dạn dày kinh nghiệm trên biển nhất khi nghe anh kể cũng lắc đầu lè lưỡi vì mọi chuyện ngoài sức tưởng tượng của họ. Một lão ngư cho biết: “Người ta bị rơi xuống biển thì chắc chắn chín phần là chết. Ngay như cả một ngư dân ở xã bên cách đây hơn hai năm cũng bị rơi xuống nước có 4 giờ đồng hồ, mà đến khi cứu được cũng đã gần ngắc ngoải, phải cấp cứu ngay tại chỗ. Có phao mà còn chết huống gì bơi tay không. Bởi nước biển lạnh lắm, cả người tê cóng, tim ngừng đập, đó là chưa kể bị cá đớp mất tay, chân. Thằng Sang này chắc không phải người thường nữa rồi!”. Còn anh Sang chỉ cười: “Lúc đó tôi tưởng rằng đã chết chắc rồi. Biển đêm lạnh lắm! Tôi cố gắng vừa bơi cầm chừng để giữ sức, vừa làm nóng cơ thể để khỏi bị chuột rút mà mong trời sáng thật nhanh. Thế nhưng đêm dài quá! Chưa khi nào tôi thấy đêm dài như thế, và thấy quý cuộc sống của mình như thế. Lúc ấy, hình ảnh gia đình tôi, quê hương tôi lại hiện về. Tôi lại nhớ tới cha mẹ già sẽ đau đớn lắm khi biết tin tôi mất xác giữa biển. Tôi nghĩ tới người vợ trẻ của mình sẽ phải góa bụa, và đứa con gái mới hơn một tuổi của tôi sẽ phải mồ côi. Lúc ấy, chẳng hiểu sao hình ảnh đứa con gái cứ hiển hiện ra trước mắt tôi. Tôi thấy nó cười, nó bập bẹ gọi tên tôi làm tôi choàng tỉnh giấc. Tôi hiểu rằng mình phải giữ được sự tỉnh táo, tôi phải giữ được bình tĩnh và hơn hết là cố gắng tìm mọi cách để được cứu vớt. Tôi không muốn con tôi phải mồ côi quá sớm như thế. Thế nên vừa bơi, tôi vừa gọi tên mọi người trong gia đình, gọi tên vợ và nói chuyện với con gái tôi!”, anh Sang mắt đỏ hoe khi nhớ lại khoảnh khắc ấy. Có lúc đuối sức quá, anh đã thiếp ngủ đi, nhưng trong giấc ngủ chập chờn, nụ cười của đứa con gái lại kéo anh thức dậy, kéo anh thêm những niềm hy vọng dẫu mong manh nhưng đáng quý vô cùng giữa thời điểm ấy, để anh vượt qua cả những hiểm nguy trong bóng đêm biển cả, nơi bao loài cá dữ đang ngự trị và tìm tới anh.

Bé Song Thương con gái anh Sang

Chiến đấu với loài cá dữ

Trong sự bình tĩnh đến tuyệt vọng của mình, những kinh nghiệm đi biển của cha ông, của gia đình và của chính bản thân mình đã giúp anh Sang chiến đấu với sự mời gọi của tử thần. Anh Sang kể rằng khi gặp hoạn nạn, điều đầu tiên mà ngư dân tìm cách bấu víu, đó là cầu khẩn cá Ông đến cứu vớt. Câu chuyện tưởng như cổ tích đó, lúc hoạn nạn mới thấy hiệu nghiệm. Anh Sang kể lại: “Sau khi tôi cầu nguyện thầm thì bỗng dưng ở đâu một đàn cá heo đông lắm vây lấy chỗ tôi bơi, chúng lộn nhào lên khỏi mặt nước mấy chục con. Lúc đó tôi tỉnh hẳn người ra vì biết chắc rằng nơi nào xuất hiện cá heo là nơi đó có sự may mắn. Tôi đã nghĩ chắc là còn đường sống, người khỏe và bình tĩnh trở lại rồi nương theo một con cá heo mà giữ sức. Loài cá này cũng rất lạ lùng, khi thấy có người bám vào thì chúng không hoảng sợ mà rất từ tốn, chúng bơi chậm rãi và bao quanh lấy tôi như muốn bảo vệ một người bạn vậy!”.

Trong đêm đen mù mịt giữa biển, trong bụng trống rỗng vì không có lương thực, lại hơn 16 tiếng đồng hồ ngâm mình trong dòng nước lạnh nên anh Sang đã cảm thấy kiệt sức. Cổ họng thì khát cháy, môi nứt nẻ vì muối biển. Để cầm cự, anh Sang uống tạm mấy ngụm nước biển giữ sức chờ đến ngày mai. Đêm trên biển đầy những hiểm nguy bất ngờ, bầy sứa thấy sinh vật lạ nên bu bám thành chùm khắp người. “Một đêm dài vô tận, dài đến mức mà đầu óc mình muốn phát điên. Sứa bám khắp người gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Chúng đâm vào da thịt, cuốn lấy chân tay tôi khiến tôi vô cùng hoảng sợ phải tìm đủ mọi cách thoát khỏi chúng. Không biết bao nhiêu lần tôi bị sứa quấn vào người vì sứa hoạt động ban đêm cực mạnh, cả rừng sứa, sứa và toàn sứa biển. Nhưng nếu không có sứa tấn công lên cơ thể, có thể tôi đã lịm đi, và nằm lại trên biển rồi. Mỗi lần sứa dí vào cơ thể là một lần tôi cảm thấy đau buốt tận xương và tỉnh hẳn người sau đó. May mà tôi có kinh nghiệm chiến đấu với loài thân mềm này nên mới thoát nạn. Nhưng điều mà tôi sợ hãi nhất chính là lũ cá mập, bởi vùng biển này thường xuyên xuất hiện cá mập đi từng đàn. Nhưng rất may, tôi đã không rơi vào vòng vây của cá mập ở vùng nước chảy gần Palawan. Tôi đã cố gắng bằng tất cả bản năng sinh tồn của mình để sống sót trở về!”, anh Sang vừa trò chuyện vừa chỉ vào những vết chằng chịt thương tích do sứa gây nên.

Đến 8 giờ sáng hôm sau, thấp thoáng tứ phía xa một chiếc tàu chậm chạm chạy bắt chéo qua vị trí của anh Sang. Lần này anh Sang không bơi thẳng mà bơi đón đầu rồi cởi cả áo, cởi cả quần vẫy lên trời. Những bọt nước tung trắng xóa, những tiếng gào thét vang cả một góc biển vắng. Chiếc tàu này lúc đầu cũng lầm lũi vượt qua anh, anh đã tưởng thế là hết hy vọng, nhưng thật bất ngờ sau 1 tiếng đồng hồ, chiếc tàu này đột nhiên quay lại 2 vòng và cập vào vớt anh lên. Đó là con tàu Lucky Dolphin mang quốc tịch Philippines. “Chữ Lucky có nghĩa là may mắn. Tôi đã sống sót nhờ con tàu may mắn này!” Anh Sang chia sẻ. Ngay khi được cứu vớt, anh Sang đã được đưa lên tàu để chăm sóc. Khi thông tin cho phía tàu bạn biết quốc tịch và tình trạng của mình, rất nhanh chóng, một bức điện được tàu Lucky Dolphin điện về cho Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi với nội dung mà mọi người đều ngạc nhiên. Đó là ngư dân Việt Nam trôi 25 tiếng đồng hồ trên biển, vớt lúc 9 giờ sáng 23-4. Kiểm tra thân nhiệt 36,5-37 độ C, sức khỏe tốt. Tọa độ phát hiện phía Tây Nam đảo Balabac, Philippines. Ngay lập tức, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đã điện báo cho gia đình anh Sang và chính quyền để tiếp nhận vụ việc. 

Người nhà đón hung tin và khấp khởi cầu nguyện

Lại nói về chiếc tàu nơi anh Sang gặp nạn, sau gần 2 giờ đồng hồ, thuyền trưởng Tiêu Viết Thuận mới phát hiện ra thiếu mất một thuyền viên trẻ tuổi trên thuyền của mình. Ông vội vã cho tàu quay lại tìm nhưng giữa trời nước mênh mông chẳng biết chàng thuyền viên trẻ tuổi kia đã rơi xuống đâu, bị nước cuốn đi chỗ nào. Buồn bã và sợ hãi, ông Thuận đã liên lạc về gia đình anh Sang thông báo hung tin. Khi cuộc điện thoại ngừng lại, cũng là lúc người thân trong gia đình anh Sang òa khóc. Vì họ chẳng thể nào tin được phép nhiệm màu sẽ đến lần thứ hai với anh. Trong đêm đó, ông Trần Hảo Gia là cha ruột anh Sang ở Vạn Ninh, Khánh Hòa nhận được tin dữ, ông lặng người đi vì sợ, vì đau. Ông kể lại: “Con tôi ra Quảng Ngãi theo đoàn tàu lặn để mưu sinh. Năm 2008, tôi đã một lần khóc hết nước mắt khi đón xe từ Khánh Hòa ra Quảng Ngãi với hy vọng chỉ nhận được xác vì nó đang bị dính bão quá nặng và kẹt lại ở Hoàng Sa. Còn lần này thì coi như chắc chết, làm sao sống nổi! Vậy mà như một sự thần kỳ, con trai tôi vẫn sống và được cứu vớt rồi trở về nguyên vẹn thế này!”. Gia đình ông rất nghèo, 3 con trai đều đi biển, chỉ đứa con gái út may mắn được học hành, đang là sinh viên Đại học Sư phạm. Anh Sang bắt đầu theo người cậu đi biển ngụp lặn bắt ốc, bắt cá từ năm 7 tuổi. Năm 18 tuổi thì trở thành một ngư dân giỏi trong làng, có thể cầm lái, cầm tài chỉ huy anh em. Đêm 22-4, cả xóm chài nghèo chạy rầm rập đến nhà ông để nghe tin và cầu nguyện cho anh tai qua nạn khỏi hay chí ít cũng có xác mang về. Chẳng ai có thể ngờ được rằng lúc đó, giữa biển mù mịt, chàng trai trẻ nằm ngửa, tay quạt nước, chân co duỗi và thức trắng, ước mơ chân được dẫm lên mặt đất quê hương.

Đến ngày hôm sau, cú điện thoại từ Philippines về cho gia đình, cha anh Sang chỉ kịp nghe mỗi câu: “Ba ơi, con còn sống!”. Câu nói này khiến ông và tất cả mọi người ở xóm chài mừng rơi nước mắt, mọi người cùng hò hét nhau như một sự kiện chấn động của cả vùng. Theo kinh nghiệm của ngư dân lành nghề, dù vốn giỏi bơi lặn, nhưng rơi xuống biển, không lương thực, nước uống, không phao cứu sinh, đặc biệt là tâm lý hoang mang lo sợ mà kêu cứu, thét vang dễ dẫn đến kiệt sức dần rồi dẫn đến cái chết. Trong trường hợp này, nếu gặp sóng lớn, mưa bão lại càng thêm phần mệt mỏi. Đã là ngư dân, ai cũng biết rằng giữa biển khơi, sóng cao 5-7 mét, sóng đánh mạnh qua cả nóc thuyền, người nằm trong thuyền lăn từ chỗ này sang chỗ kia, nói chi đến việc sống không có điểm tựa lại thiếu nước uống, lương thực. Thế nhưng anh Sang vẫn sống sót, đó gần như là một phép màu, một điều thần kỳ không phải ai cũng làm được. 

Sáng 26-4, con tàu Lucky chở ngư dân bị nạn cập cảng Dung Quất. Đại úy Ghulam, thuyền trưởng tàu Lucky cho biết: “Tôi cảm ơn thủy thủ đoàn đã làm hết trách nhiệm nên nhanh chóng phát hiện ra người bị nạn và cứu vớt, thực hiện đúng quy định của Công ước quốc tế về an toàn hàng hải. Chúng tôi cũng vô cùng khâm phục ý chí và nghị lực của một con người nhỏ bé giữa biển cả đã chiến đấu để giành lấy sự sống cho mình!”. Không những được cứu sống, ngư dân Trần Minh Sang còn được thuyền trưởng Ghulam tặng chiếc áo mang biểu tượng trở thành thuyền viên danh dự của tàu Lucky Dolphin.

Vẫn đi biển dẫu hai lần thoát chết

Đón chồng về trong nỗi mừng vui và cả sự sợ hãi, vợ anh Sang chia sẻ rằng anh Sang yêu biển đến độ vượt qua cả nỗi sợ hãi. Sau lần chết hụt vì bão biển ở Hoàng Sa, vợ anh và nhiều người trong gia đình đã không cho đi xa nhưng anh Sang vẫn trốn ngõ sau để ra Quảng Ngãi đi bạn. Sau lần bị nạn này, khi được hỏi, Trần Minh Sang vẫn dõng dạc nói khiến vợ giật nẩy mình: “Sinh nghề, tử nghiệp, anh không bỏ nghề biển xa!”. Ngồi bên vợ, ôm đứa con gái nhỏ mà vẫn ăn mặc đơn giản, giọng nói vẫn đầy sức mạnh, kí ức về hải trình này sẽ theo anh đến cuối cuộc đời. Anh vẫn tin chắc rằng nếu vận động viên bơi vượt đại dương khi nghe nhắc đến thành tích bơi đặc biệt của anh Sang cũng phải thán phục. 

Trở về với cuộc sống thường ngày, anh Sang cùng gia đình và đặc biệt là cô con gái Trần Nguyễn Song Thương 15 tháng tuổi, trở thành tâm điểm trong vùng biển nghèo Hà Già. Sinh nghề tử nghiệp, đã bước chân lên tàu sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, với anh Sang giờ đây mọi chuyện đã trở nên bình thường. Nhưng câu chuyện về anh là cả một hành trình dài chiến đấu vì sự sống và niềm hy vọng cứ mãi ngân vang như một bản hùng ca của biển cả.