Một mình đi xe đạp rong ruổi khắp nơi tìm hài cốt đồng đội

ANTĐ - rong hai cuộc chiến tranh ông là người anh hùng ẩn danh với biệt danh “Tư Hổ”, dù hoạt động bí mật trong lòng địch nhưng  luôn gắn liền với những chiến công lẫy lừng của lực lượng An ninh T4 khu Sài Gòn - Gia Định, đây là quãng đời binh nghiệp hùng tráng của ông. Nhưng khi hòa bình, ông sống ẩn mình bình dị, và âm thầm làm cái công việc “không ai khiến”, ấy là đi tìm hài cốt và thân nhân của những đồng đội đã hy sinh. Ở tuổi 84, ông lão với dáng người nhỏ bé nhưng vẫn minh mẫn và dẻo dai ấy vẫn đạp xe hàng trăm cây số đi khắp các tỉnh để đưa những đồng đội về với lòng đất quê hương.

“Tư Hổ” lừng lẫy một thời

Nguyễn Văn Lệnh (biệt danh Tư Hổ) nguyên là Chỉ huy phó An ninh vũ trang, kiêm Tham mưu trưởng, kiêm Chỉ huy phó B5 trinh sát vũ trang nội đô, thuộc Ban An ninh T4 khu Sài Gòn - Gia Định. Ông tham gia cách mạng năm 14 tuổi, là một trinh sát thông minh, quả cảm, liên tục lập chiến công. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Văn Lệnh là chiến sĩ của Tiểu đoàn 434 thuộc Trung đoàn 238 - Liên khu Việt Bắc.

Kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, ông được điều động sang đơn vị huấn luyện đặc công. Năm 1964, khi đang làm chuyên gia huấn luyện đặc công ở nước bạn Lào, ông được Trung ương Cục miền Nam điều về nước và làm Đội phó Đội vũ trang B5 của Ban An ninh T4 khu Sài Gòn - Gia Định. Công việc của Đội vũ trang B5 là chuyên theo dõi, lập kế hoạch ám sát các quan chức cao cấp của chính quyền Ngụy, một công việc cực kỳ nguy hiểm, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Với tấm hồ sơ lý lịch, căn cước giả, ông một mình thâm nhập giữa Sài Gòn, tìm cách gây dựng cơ sở B5. 

Ông từng bị địch bắt nhiều lần, bị chúng tra tấn đủ kiểu như thời trung cổ nhưng ông không khai nửa lời, cuối cùng chúng đành phải phạt ông 6 tháng tù giam về tội làm căn cước giả. Mãn hạn tù khi đồng đội bị đánh bật hết khỏi Sài Gòn sau chiến dịch Mậu Thân 1968, không biết đi đâu, về đâu để tìm đồng đội. Đi ban ngày thì lại bị bắt vì khi đó địch kiểm soát rất gắt gao, đi ban đêm thì 9 phần là chết vì vướng mìn của cả ta và địch gài ở khắp mọi nơi. Cuối cùng ông quyết định đi đêm để tìm về đơn vị cũ, với một cái que dò mìn, ông mò mẫm trong đêm suốt 20 ngày, uống nước ruộng, ăn khoai, ăn quả sống, ngày thì chui vào bụi nằm. Cuối cùng ông cũng sang đến đất Campuchia, và may mắn tìm được đồng đội. Ở đây, ông lại nhận được nhiệm vụ trở về Sài Gòn gây dựng lại cơ sở bằng cách dựng nhà, đào hầm chứa vũ khí, tất cả những việc đó ông phải làm một mình, không ai biết. Giờ nghĩ lại, ông không hiểu sao mình có thể làm được những việc đó, chả thế đồng đội bảo ông Tư Hổ có thể làm được những việc mà không người nào làm được. Từ “kho vũ khí” này lực lượng trinh sát B5 đã chế tạo ra nhiều loại vũ khí, tham gia nhiều trận đánh gây kinh hoàng cho Mỹ, Ngụy như trận tiêu diệt Tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống Nguyễn Văn Kiểm hay trận ám sát (hụt) Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hương.

Tôi được sống để đi tìm đồng đội

Ông Lệnh giờ sống bình dị trong ngôi nhà khuất sâu trong con ngõ ở đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội. Ông bảo đồng đội của ông, nhiều người hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, có khi chỉ 17, 18, bằng tuổi em mình, thế nên việc ông được sống để đi tìm đồng đội không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là đạo lý, tình đồng chí, đồng đội. Ông nhớ nhất là một lần, Đội trinh sát B5 của ông nhận được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập, do bị lộ, ông cùng đồng đội phải thay đổi kế hoạch. Khi quay ra, nhóm của ông quyết định đánh thẳng vào Tổng nha Cảnh sát, không ngờ gặp ngay phải chốt kiểm tra của quân Ngụy. Lần đó, một đồng đội của ông đã lao thẳng xe Lambro chở 3 quả đạn H12 đã được ngụy trang vào xe tuần tra của địch và hy sinh. Lần đó, không biết địch đã mang xác đồng đội đi đâu, ông đã hàng chục lần khăn gói vào Sài Gòn lần theo các manh mối tìm hài cốt người đồng đội ấy mà chưa có kết quả. Rồi những chuyến đi như thế cứ nối dài mà ông không thể dừng lại được. 

Trước đây gia đình ông nghèo lắm, ông ở nhà trồng rau để vợ gánh ra chợ bán nuôi ba người con, đồng lương hưu Thiếu tá khi đó thì ít ỏi. Ông đem chuyện muốn đi tìm đồng đội bàn với vợ, ông nói với bà rằng nếu đặt trường hợp những người đã hy sinh ấy là tôi, hàng ngày mẹ già ngóng con, vợ ngóng chồng, con ngóng cha mà không thấy, còn họ vẫn nằm lạnh lẽo trong lòng đất thì sẽ ra sao. Thế là vợ ông đồng ý, bảo ông đi được thì cứ đi, bà ở nhà nuôi con. Ông gọi mấy người bạn xưa đến định lập nhóm đi tìm hài cốt đồng đội, nhưng tất cả đều thoái thác, cuối cùng ông quyết định đi một mình. Nhưng kinh tế thì khó khăn, ông bảo vợ: Hay bà ra chợ thấy người ta bán cái gì bà mua về để vào đôi quang gánh đi bán, nếu bán được thì tôi đi lấy hàng về, thuê cửa hàng cho bà bán. Bà đồng ý, từ đó thi thoảng ông lại đạp xe ra chợ Đồng Xuân lấy hàng về cho vợ, rồi lại đạp xe đi, có những chuyến đi hàng tháng trời. Những nơi gần một vài trăm cây số thì ông đi xe đạp, xa quá, vào tận miền Nam thì ông bắt tàu rồi vào đó mượn xe đạp để đi. “Có lúc để đỡ đần cho vợ tôi vừa đạp xe vừa lỉnh kỉnh theo nào bật lửa, nào diêm, nào bút… đại loại là vợ bán cái gì mà mình có thể mang theo thì mang theo, vừa đi tìm mộ, vừa bán hàng lấy tiền. Có khi xuống địa phương họ trêu tôi làm thế xấu mặt bộ đội, tôi chỉ cười” - ông kể.

Nhiều người nói ông sao không đi ô tô hay xe máy, ông bảo: Đi tìm mộ Liệt sĩ mà đi ô tô với xe máy thì rất bất tiện. Nhiều địa điểm là rừng, là khe suối, là gò cao… xe đạp thì vác lên vai được chứ xe máy thì chịu. Cứ thế với chiếc xe đạp cà tàng, vài bộ quần áo cũ, mấy gói mỳ tôm và cuốn sổ, cây bút, ông rong ruổi hàng trăm, hàng nghìn cây số. Ở đâu có Nghĩa trang Liệt sĩ là ông ghé vào, có lúc thì được địa phương đón tiếp, có khi phải ở nhà dân, thậm chí ngủ lại nghĩa trang. Trong cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ những chuyến đi, ông cho biết mình đã qua gần hai chục tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc xuống hàng trăm xã, phường, và không biết bao nhiêu nghĩa trang. Đến nghĩa trang nào ông cũng ghi lại thông tin về những ngôi mộ Liệt sĩ chưa có người thân nhận, rồi về lại đạp xe đến tận gia đình họ thông báo. Ông cũng đã tìm thấy hàng trăm bộ hài cốt Liệt sĩ được xác định danh tính quy tập về các nghĩa trang.

Được hương hồn các liệt sĩ phù hộ

Ông Lệnh chia sẻ, ông có cảm giác như hương hồn các Liệt sĩ phù hộ ông, nên ông mới khỏe mạnh đến giờ này để vẫn đạp xe đi khắp nơi tìm mộ Liệt sĩ. Có những lần ở nhà nghỉ ngơi thì ông lại bị đau dạ dày, đại tràng phải đi cấp cứu, nhưng khi đi tìm đồng đội thì lại chả bị sao, tìm được một bộ hài cốt thì thấy mình khỏe ra nhiều phần. Ông kể có những chuyện tâm linh ông không lý giải được, cứ như đồng đội thúc giục ông phải đi tìm và chỉ đường cho ông vậy. Có lần, gia đình của Liệt sĩ Đặng Đình Khoa đến nhờ ông đi tìm hài cốt với vẻn vẹn một tấm ảnh và tờ giấy báo tử. “Trưa đó, tôi để tấm ảnh Liệt sĩ Khoa lên trán rồi thiu thiu ngủ, bỗng nghe rõ có tiếng giục: Giờ này còn nằm đây chưa đi sao? Thế là tôi bừng dậy, chắc liệt sĩ giục mình rồi, và bắt xe khách lên Mộc Châu (Sơn La) rồi thuê xe ôm vào đến xã trong giấy báo tử. Nhưng vào đến nơi, hỏi địa điểm chôn Liệt sĩ Khoa là Bãi Cạn thì không ai biết. Đang đi cùng một số cán bộ xã thì không hiểu sao tự nhiên tôi bảo dừng lại trước một nhà dân ven đường, hỏi thì chủ nhà xác nhận đây chính là Bãi Cạn. Thế là mọi người đổ đi các hướng tìm. Đến một vạt rừng, tự nhiên tôi không thể đi tiếp được nữa, tôi cứ thắc mắc sao mọi người đi được mà mình lại không thể đi được. Thế là tôi dừng lại, đạp một cái bụi cây ven đường thì thấy lộ ra một ụ sỏi, đất, tôi bới lên thì thấy đúng cái bia ghi tên Đặng Đình Khoa. Lần ấy, chỉ từ sáng đến chiều tôi đã tìm được mộ liệt sĩ ấy” - ông Lệnh kể.

Lần tìm được nhiều hài cốt nhất là lần ông tìm các liệt sĩ hy sinh trong trận Bãi Thảo (Lục Ngạn, Bắc Giang). Đó là năm 1999, khi đó tham gia một cuộc gặp mặt kỷ niệm ngày truyền thống Trung đoàn 238, Liên khu Việt Bắc, ông được nghe câu chuyện của Đại tướng Phạm Văn Trà kể về trận phục kích ở Bãi Thảo C157/D433 (xã Cẩm Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Trận chiến đó đã khiến ta hy sinh gần 100 đồng chí. Trận đánh ấy cứ ám ảnh ông mãi, và ông bắt đầu tìm hiểu tài liệu về trận Bãi Thảo. Sau nhiều lần đi lại, ông tìm được địa điểm ở xã Cẩm Lý mà người dân ở đây kể thấy xuất hiện nhiều tổ mối, dép cao su, lưỡi lê, bi đông nước… và thỉnh thoảng vào lúc sáng sớm đi làm họ vẫn “gặp” những đoàn bộ đội. Ông hỏi kỹ xem những người bộ đội ấy như thế nào, thì họ nói bộ đội đội mũ nan, đi dép cao su, đeo súng dài… Đúng là bộ đội chống Pháp rồi, ông nghĩ. Và sau khi đề đạt với các cơ quan chức năng, việc khai quật đã được tiến hành, ở đây tìm thấy 69 bộ hài cốt của chiến sĩ Tiểu đoạn 434 và 50 trên tổng số 69 hài cốt đã xác định được danh tính. Cuộc hội ngộ xen giữa niềm vui và nước mắt diễn ra ngay tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cổ Mệnh, nhiều thân nhân liệt sĩ đã ôm lấy ông mà khóc. 

Đầu năm nay, một cơ quan có yêu cầu ông nhớ lại tất cả những trận đánh từ Hải Phòng lên Hà Nội của Trung đoàn 238, ông mất không biết bao nhiêu ngày để ngồi nhớ nhớ, ghi ghi mà không thể nhớ nổi. Đúng trước ngày phải “trả bài” thì lúc ông mệt quá thiu thiu ngủ lại nghe có người bảo: “Giở cuốn sổ ấy ra sẽ có hết”. Đó là cuốn sổ do một người đồng chí tặng đã nhiều năm nhưng chưa một lần ông giở đến. Ông vội đi lục lại cuốn sổ đó, và quả nhiên, người đồng chí này đã ghi chép đầy đủ về từng trận đánh dọc đường 5 năm xưa. 

Hơn 30 năm qua, dù vợ đã mất, sức khỏe đã yếu nhưng chưa lúc nào ông nghĩ mình sẽ dừng cái công việc này, cho đến lúc không thể đi được nữa. “Có lần tôi muốn nghỉ ngơi nên nghỉ ở nhà ít lâu nhưng cứ nhắm mắt là lại nghe trách: Giờ nhà cao cửa rộng rồi thì nhớ gì đến chúng tớ ở rừng rú này nữa”. Thế là ông lại đi, những chuyến đi của ông cụ ngoài 80 tuổi với vài bộ quần áo cũ, cuốn sổ ghi chép và chiếc xe đạp.