Một miếng khi đói

ANTĐ - Đánh giá về các biện pháp thuế của Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường chứng khoán cũng như hỗ trợ người làm công ăn lương trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay, đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, các giải pháp thuế được đề xuất sẽ góp phần tạo sự ổn định xã hội, mặc dù mức miễn giảm chưa được mong đợi.

Để giảm bớt khó khăn cho người lao động trong các khu công nghiệp, ổn định một phần cuộc sống trong thời buổi sinh hoạt đắt đỏ, lạm phát tăng cao, Bộ Tài chính đã đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ ngày 1-8 tới đến 31-12-2011 đối với cá nhân có thu nhập thấp tính thuế từ lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1. Theo phương án này, mức miễn giảm tối đa là 250.000 đồng/tháng.

Riêng với thuế TNCN việc đề xuất bỏ bậc 1 trong biểu thuế sẽ có tác dụng tâm lý rất tốt cho người lao động. Tuy vậy, để chính sách mang lại hiệu quả, cơ quan chức năng cần tính đến các giải pháp cụ thể. Đối với doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, “tăng lực” trong sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Quốc hội, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thuộc diện được gia hạn nộp thuế trong thời hạn một năm.

Hơn thế, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 30% số thuế TNDN đối với phần thu từ sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội và một số ngành sản xuất kinh doanh quan trọng sử dụng từ 300 lao động trở lên. Mặc dù chỉ đạo của Chính phủ chỉ giảm 20-30% số thuế TNDN được giãn trong năm 2011, nhưng rõ ràng đây là một nỗ lực lớn nhằm khoan thư sức dân, tiếp sức cho một số ngành sản xuất đang sử dụng nhiều lao động nhất mà thu nhập lại thuộc loại “sát đáy” trong xã hội. Ít cũng quý, nhiều càng quý hơn.

Song, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cách đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giảm thuế TNDN cho những doanh nghiệp thâm dụng đông đúc như ngành dệt may, da giày, chế biến nông, thủy sản không hoàn toàn chính xác. Bởi vì với số tiền giảm là  2.500 tỷ đồng thì nên cân nhắc “chia sẻ” sao cho đúng đối tượng. Không sợ ít hay nhiều, chỉ sợ thiếu công bình. Chỉ nên “nâng đỡ” cho những doanh nghiệp thực sự khốn khó, lao đao do tác động trực tiếp bởi lạm phát và những yếu tố khách quan.

Nếu không xem xét, kiểm tra thực trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp, rất có thể cho nhầm người khỏe uống thuốc bổ, trong khi người ốm yếu chỉ uống... nước lã cầm hơi. Giải pháp thuế trong bối cảnh khó khăn có thể ví như “liều thuốc” hồi sức cấp cứu rất cấp thiết.

Một kiến nghị của Bộ Tài chính cũng được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ giá xe buýt nhằm đảm bảo không tăng giá vé xe. Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất giảm khoảng 50% mức thuế khoán đối với các hộ kinh doanh nhà trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê. Đồng thời, mở rộng đối tượng áp dụng chính sách ưu đãi này đối với các hộ, cơ sở chăm sóc, trông giữ trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Bộ Tài chính cho hay, các biện pháp thuế khoan thư sức dân đã được “chốt” lại và sẽ chờ quyết định cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 7. “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Vấn đề nằm ở chỗ, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ.