Một lão nông gàn thành “kiến trúc sư” đặc biệt và ngôi nhà kỳ quái gần một phần tư thế kỷ vẫn chưa hoàn thiện

ANTĐ - Hơn 25 năm qua, lão nông đặc biệt Nguyễn Văn Cường đã một mình cặm cụi đúc từng viên gạch táp lô, chở từng xe vật liệu để làm nên căn nhà kỳ quái nằm ngay ở ngoại ô phố huyện. Nhiều người gọi ông là lão khùng khi thấy những việc làm khác người đó, nhưng cũng có người thán phục. Và một điều kỳ lạ là, mặc dù đang dở dang nhưng ngôi nhà kỳ lạ đó đã gây ra nhiều câu chuyện cười ra nước mắt, xôn xao  cả vùng quê.
Một lão nông gàn thành “kiến trúc sư” đặc biệt và ngôi nhà kỳ quái gần một phần tư thế kỷ vẫn chưa hoàn thiện ảnh 1
Chân dung ông Nguyễn Văn Cường, người “kiến trúc sư” đặc biệt và ngôi nhà kỳ quái do ông thiết kế


“Lão gàn” một mình xây nhà hơn hai thập kỷ

Nếu ai hay đi qua tỉnh lộ 358, đều không khỏi tò mò về ngôi nhà có hình dáng như tòa tháp nằm sừng sững ven đường xã Hoa Thành (Yên Thành, Nghệ An). Thấy chúng tôi dừng lại ngắm nghía ngôi nhà, người hàng xóm cạnh nhà liền nói vọng ra: “Đó là ngôi nhà kỳ quái nhất vùng này đó các cô chú à. Phục ông ấy thật, được đồng tiền nào là lại đổ vào đó, thế nhưng đã hai chục năm nay rồi mà đã xong đâu”. Nghe vậy, chúng tôi quyết định tìm hiểu về ngôi nhà và chủ nhân của nó. Vừa bước chân vào, là có thể nhận ra ngay thiết kế khác thường của ngôi nhà. Không những vậy, việc bố trí, sắp đặt các đồ dùng cũng khác hẳn với những ngôi nhà khác. Chủ nhân của nó là ông Nguyễn Văn Cường (SN 1958), trú tại xóm Tân Quang, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Thấy chúng tôi quan tâm đến “tư gia” của mình và có vẻ ngạc nhiên về ngôi nhà, ông Cường phân trần: “Tất cả đều do tôi thiết kế cả đó, tôi có tham vọng ngôi nhà mình phải đẹp nhất cái huyện này để mọi người cùng được chiêm ngưỡng, đồng thời làm đẹp cho quê hương”. 

Những người địa phương cho biết, ông Cường có vấn đề về thần kinh, nhưng trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, ông tỏ ra rất minh mẫn, nói năng trôi chảy và thể hiện là người có kiến thức. Ông bắt đầu kể lại cho chúng tôi nghe về một thời hào hùng của đời lính mình. Năm 1978, ông đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia, cuối năm 1982 ông được phục viên, trở về quê nhà với nhiều vết thương trên người. Đó là thời kỳ gian khổ nhưng cũng đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội. Đến năm 1983, ông lập gia đình với cô hàng xóm nhỏ nhắn nhưng hiền lành, chăm chỉ. Sau đó, lần lượt 5 đứa con ra đời, cuộc sống gia đình tuy khó khăn vất vả, nhưng trong căn nhà cũ lụp sụp mà ông bà để lại lúc nào cũng ngập trong tiếng cười. 

Dần về sau, ông Cường càng có nhiều biểu hiện khác thường mà nhiều người cho là bệnh thần kinh. Năm 1990, khi ngôi nhà cũ gần sập nát ông chính thức bắt tay vào việc xây nhà mới. Nhưng khác với mọi người, ông Cường một mình đi thu nhặt vật liệu, rồi tự tay đóng gạch và sau đó xây nhà.

“Ngôi nhà này do tôi tự thiết kế, xây đến đâu, ý tưởng trong đầu lại tuôn ra đến đó. Tôi không cần bản vẽ như các kiến trúc sư có học hành bằng cấp. Nhưng tôi không thua họ đâu, cô chú cứ nhìn mà xem, khác biệt nhiều, kết cấu đổ bê tông đỡ trụ cột giàn rất vững chắc, bão có mạnh đến cấp 11, 12 nó cũng không bị ảnh hưởng gì”, ông tự tin nói. Một phần móng của ngôi nhà được ông chắp nối từ phần tường của ngôi nhà cấp 4 mà gia đình đang ở tạm. Do xây chắp vá nên phần tường ngôi nhà trông nhem nhuốc. Bà vợ Phan Thị Liên (SN 1958) khẳng định: “Nguyên vật liệu, cát, gạch, sỏi, bê tông, tre, nứa... là ông ấy tự túc, xi măng và một ít thép phi 6 chỉ mua khi cần dùng thôi. Làm vậy mặc dù thời gian có kéo dài nhưng tiết kiệm được chi phí, khi đã quyết thì không sợ gì cả, cái máu bộ đội nó ngấm trong người ông ấy rồi! Khi mới có ý tưởng xây nhà, tôi và con cái đã một mực phản đối nhưng tính ông ấy vậy, có ai ngăn cản được đâu. Bức xúc, dòng họ đã họp lại để phản đối nhưng đều phải chịu thua vì ban ngày cấm không cho ông xây thì ông ấy lại làm vào ban đêm!”. Sau thời gian khuyên bảo không được, vợ con bà đành nhắm mắt lao theo và ngôi nhà “kỳ quái” cứ thế dần hình thành. 

Vậy là, cả gia đình đều phải tập trung sức lực, kinh phí để đổ vào ngôi nhà này. Được bao nhiêu tiền trợ cấp bệnh binh, ông Cường đều tích góp mua vật liệu, không dám sử dụng. Còn bà Liên, mỗi năm bán được lứa lợn hay tạ lúa đều đổ vào đây cả. Hai người con gái Nguyễn Thị Đức (SN 1984) và Nguyễn Thị Phúc (SN 1989) có thời gian dài phải đi giúp việc cho người ta để lấy tiền đưa về cho bố. Cứ một năm, ngôi nhà cao lên một đoạn và cho ra hình hài rất quái dị. Đến nay, sau 24 năm, công trình cuộc đời của ông Cường giờ cao chót vót, với thiết kế vô tiền khoáng hậu và trở thành nỗi khiếp sợ của không biết bao nhiêu người. 

Ông Nguyễn Viết Lan, hàng xóm ông Cường cho hay: “Ngôi nhà ông ấy ai mà chả biết, kỳ lạ lắm, tôi khen ông ấy giỏi thật, xây nhà mà mình không có sự giúp đỡ của ai cả, kết cấu ngôi nhà thì khác biệt. Chiếc ròng rọc dây là phương tiện duy nhất giúp ông xây nhà. Ngôi nhà cũng đạt kỷ lục là nhiều năm mà vẫn chưa hoàn thành!”. Theo quan sát của chúng tôi, các cột trụ bê tông chồng trên ngôi nhà cấp bốn có độ dày 5 - 6cm, có nhiều chỗ lõi tre lộ ra, lại chồng trên tường nhà cấp bốn. Do gạch nấu chưa đủ độ chín mà nhiều chỗ đã bong tróc, cột tre vẫn chống giằng khắp nơi. “Tôi xây ngôi nhà này với hai lý do, thứ nhất là nơi để các em học sinh đi học xa ở trọ mà không phải lo sợ về vấn đề tiền bạc, thứ hai, tôi muốn dùng phần chóp phía trên làm nơi linh thiêng, thờ phụng các đấng bề trên để khách thập phương có thể đến thắp hương”, ông Cường hùng hồn tuyên bố. Thế nhưng, theo những người dân nơi đây, đa số các em đều học gần nhà nên không có học sinh ở trọ. “Ông ấy nói vậy thôi chứ ở đây ai thuê trọ mà ông đòi xây nhà nhiều tầng cao chót vót”, người vợ than thở. Đến nay ngôi nhà có 3 tầng chính, 7 tầng xép. Đặc biệt phía trên đỉnh nhà là chóp nhà hình lâu đài với 25 chiếc bóng được lắp đặt xung quanh.

Khóc cười vì ngôi nhà lạ

Hơn 25 năm trôi qua, nhưng ngôi nhà vẫn còn dang dở, bừa bộn vật liệu. Khi chúng tôi hỏi tại sao không xây nhanh để ổn định cuộc sống cho vợ con và có nhà mới cho thì ông liền nói. “Tôi cũng muốn vậy lắm, nhưng hai năm gần đây bệnh tình càng tái phát nặng, đầu óc lúc nào cũng nặng trịch nên tôi có làm được gì đâu. Nếu ai có lòng hảo tâm, ủng hộ tiền thì tôi sẽ sớm hoàn thành kiệt tác của mình. Nó sẽ là điểm đến lý tưởng để mọi người cùng tham quan!”. Trong khi ông Cường đang loay hoay với những dự định của mình thì tại địa phương xảy ra nhiều câu chuyện hài cười ra nước mắt liên quan đến ngôi nhà kỳ lạ. Nguyên nhân cũng chỉ vì ngôi nhà nằm sát Quốc lộ 538, hằng ngày lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn. Nhiều người từ địa phương khác khi đi xe máy qua đây đã bị tai nạn vì mải nhìn căn nhà đặc biệt. “Nói thì khó tin chứ đoạn đường chạy qua ngôi nhà đó thường xuyên xảy ra va chạm xe máy với nhau. Đa số những vụ đó là do người từ làng khác khi chạy xe đến đó chỉ chăm chú vào ngôi nhà mà không nhìn đường!”, ông Trần Xuân Thành, trưởng xóm Tân Quang tâm sự.

Cũng có nhiều trường hợp, nhiều khách xa khi đi qua đây, dừng xe chụp ảnh, quay phim về ngôi nhà. Sau khi thăm hỏi hàng xóm xung quanh, biết hành trình dài xây nhà của ông Cường liền vào thăm hỏi và gửi ít tiền để giúp đỡ ông. “Ai cho tôi trăm nào là tôi liền đi mua vật liệu về góp xây nhà. Giờ già cả rồi nên không biết kiếm tiền bằng cách nào”. Nhưng sự việc đáng nhớ hơn cả là việc có Công ty tận trong Sài Gòn đã gửi giấy mời ông Cường vào tham dự với tư cách là một kỹ sư xây dựng để tư vấn cho công ty họ. Một số chùa chiền lại mời ông tham gia vào việc xây dựng. “Tôi xây theo bản năng nên có biết gì đâu mà tư vấn với họp hành. Với lại hai năm trở lại đây, tôi bị bệnh nặng nên không đi đâu được, muốn tham dự cũng chịu!”, ông tự hào nói.  

Trao đổi với chúng tôi về sự việc liên quan đến ngôi nhà này, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch xã Hoa Thành cho hay: “Mặc dù không đào tạo qua trường lớp nào nhưng ông Cường đã xây nhà theo cách bài bản!”. Ông cũng cho biết thêm, khi ông mới xây lãnh đạo huyện Yên Thành và chính quyền xã đã đến yêu cầu ông dừng lại vì thấy độ an toàn không đảm bảo nhưng mỗi lần đến ông đều đưa ra những lý lẽ rất hợp lý, hóm hỉnh rồi cam kết an toàn nên tất cả đành phải ra về. Còn ông Cường thì vẫn hằng ngày miệt mài với công việc của mình với tác phẩm không ai có. Đây cũng là điều khiến dư luận dân nơi đây tò mò về ngôi nhà và những việc làm khác người của ông. 

Hiện nay, người con gái thứ hai và người mẹ già cũng có biểu hiện tâm lý giống ông Nguyễn Văn Cường. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người con Nguyễn Văn Hiền (SN 1992) đã cố gắng học tập, hiện em đang là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ở Thái Nguyên. “Em cũng muốn học như anh trai để sau này kiếm tiền về xây hoàn thiện căn nhà đó cho bố”, người em Nguyễn Văn Dũng tâm sự.