Một lần "háu đá"

ANTĐ - 1. Chàng phóng viên trẻ sau một tuần xuống cơ sở đã quay về tòa soạn. Chuyến đi để lại trong anh những ấn tượng đẹp dù có “phơi” ngoài nắng, bụi phủ bạc đầu. Hai ngày tiếp đấy anh như bắt vít vào bàn để kịp hoàn thành bài viết “Làng nghề thổi hồn vào đá”. Tổng biên tập gật gù: Bài viết công phu, lập luận chặt, hướng đề xuất táo bạo. Bắt tay chàng phóng viên, ông gợi ý: 

Minh họa của Lê Trần Hậu Anh

- Báo ta có kế hoạch viết bài giới thiệu chợ tình Sa Pa. Định cử cháu đi thực hiện.

Anh nói như reo:

- Thật thế ạ? Cháu xin nhận nhiệm vụ. 

- Cháu ngồi xuống đã. Đây là giấy giới thiệu. Mang đầy đủ phương tiện để tác nghiệp. Chuyện đi lại cháu tự giải quyết. Thời gian gói tròn một tuần. Được chưa?

2. Chợ tình… chợ tình Sa Pa. Đôi chân chàng phóng viên in dấu mọi nơi. Anh đã “chớp” được nhiều kiểu ảnh. Anh lân la hỏi han những trai gái người Mông, người Thái, người Tày… cả những khách du lịch phương Tây. Những hôm sương buông, anh có cảm giác “bơi” trong sương mờ ảo mộng mơ… Trong đầu anh phôi thai bài phóng sự, chỉ nghe tên thôi cũng đủ thấy lãng mạn rồi: Chợ tình trong sương… Đúng một ngày và một đêm trắng anh viết xong bài phóng sự. Cẩn thận anh đọc đi đọc lại rồi gửi mail về tòa soạn. 

Những chú ngựa “đập” vào mắt anh. Ngựa ở nơi núi cao sương mù này như có vẻ khác ngựa ở Đà Lạt? Người Mông gắn bó với con ngựa như hình với bóng vậy. Anh đã hỏi, đã quan sát, đã tiếp cận và ghi chép nhiều về ngựa ở đây. Trước khi rời Sa Pa vài tiếng anh đã hoàn thành bài phóng sự về những chú ngựa núi này. Anh nao nao cảm giác vó ngựa khua trong trang viết nghe thật vui tai và ngồ ngộ. 

3. Sau mười mấy tiếng ngồi trên ô tô, anh mới về đến nhà, ăn qua loa rồi chìm sâu vào giấc ngủ. Hơn 8h sáng mới dậy. Đánh răng, rửa mặt xong anh biếu bố mẹ chai mật ong, gói nấm hương, cục lông cu ly và tặng em gái túi thổ cẩm. 

- Bố mẹ là độc giả đầu tiên của bài phóng sự mới nhất của con nhé!

Nhận bản thảo từ tay con, bố anh nói: 

- Hơn 6 ngày viết hai bài liệu có “chín” không con? 

- Ông chỉ “chín” với “sống” thôi. Mấy bài viết của con người ta đều khen đó thôi. Với con, ông chỉ…

- Bà…! À mà, bác Viễn là chuyên gia về ngựa đấy. Con điện cho bác đến nhà thưởng thức luôn thể. Được không?

- Bác Viễn? Thế mà con quên khuấy, con điện ngay đây. 

- Lát sau anh quay ra:

- Nhà bác không có ai nhận điện cả. Bố mẹ cứ đọc trước đi ạ, rồi góp ý cho con. Tối con đến nhà bác Viễn vậy…

4. Ngồi với bác Viễn. Anh vừa nói đến ngựa mắt bác vụt sáng lên.

- Viết về ngựa hả? Được! Ngót nửa đời người bác sống trên mình ngựa đấy. Trời ơi, lưng ngựa… Thật tuyệt! 

Sau những lời ấy bác chăm chú vào từng con chữ. Anh săm soi từng nét biến động trên khuôn mặt bác. Lúc đôi lông mày bác giãn ra, môi nở một nụ cười. Lúc lông mày nhíu lại, một cái lắc đầu: 

- Hỏng, hỏng thật! Trời, sai bét cả!

Anh nhói tim như thấy mình trúng đạn. Đọc xong bác buông gọn:

- Giấy, bút! Anh đưa cho bác rồi nín thở theo từng nét bút bác viết. Hóa ra chỉ có câu thơ sáu, tám: 

- Ngựa chỉ ngủ đứng mà thôi

- Nếu mà nằm ngủ… ắt người viết văn!

Bác gạch dưới đoạn: “Những con ngựa nằm ngủ trông thật hiền lành và đáng yêu biết bao!”. Anh giật mình. Những giọt mồ hôi to như… răng ngựa lăn trên khuôn mặt…

- Cháu à, ngựa chỉ ngủ đứng mà thôi! Chi tiết “nằm ngủ” là sai, phải sửa! Còn toàn bài có sự nhạy cảm cần thiết của người phóng viên, độ rung của nhà thơ. Cháu đã lấy tình làm gốc, âm thanh là hoa, cái nghĩa là quả. Cháu tạo ra tiếng vó ngựa trên cao nguyên đá. Cảm ơn cháu nhiều, rất nhiều! Đây là món quà quý cháu tặng bác làm sống lại kỷ niệm thời trai trẻ của bác đấy!

5. Đêm. Sửa chữa xong bài phóng sự anh ghi vào cuốn sổ tay phóng viên của mình dòng chữ đỏ:

“Ngựa non háu đá” từ nay trở đi viết bất cứ vấn đề gì dù lớn hay nhỏ phải hiểu thật kỹ rồi mới chấp bút!!!

Anh đứng dậy vươn vai thở một hơi dài. Hương dạ lan thao thiết nghiêng đêm…