Một góc nhìn khác về TTVN tại Olympic: Đừng biện minh nữa

ANTĐ - Khép lại một kỳ Olympic trắng tay, đoàn thể thao Việt Nam thẫn thờ rời London. Nhưng không phải chờ đến lúc hạ màn, mà ngay sau ít ngày tranh tài, sóng gió dư luận đã nổi lên. Không khó cắt nghĩa vì sao dư luận lại bị sốc và thất vọng đến như vậy?

Trình độ các VĐV Việt Nam (trái) vẫn thua kém các VĐV thế giới

Với 18 vận động viên tham gia ở 11 môn thi đấu cơ bản của Olympic, đây là đội hình đông và đa dạng nhất của thể thao Việt Nam trong 7 kỳ Olympic đã tham dự. Cùng với việc các VĐV đều đã vượt qua vòng tuyển chọn, đạt chuẩn tới London là lễ xuất quân hoành tráng cùng với rất nhiều lời hứa hẹn và những khoản tiền thưởng bạc tỷ đã gieo vào người hâm mộ không ít kỳ vọng. HLV các môn đưa ra dự báo rất khả quan việc tranh chấp huy chương ở nhiều môn, thậm chí có môn tính đến HCB, và còn cho rằng nếu may mắn có thể đoạt HCV. Gần thời gian khởi tranh, những dự báo, đánh giá một chiều lạc quan đó tràn ngập trên các phương tiện truyền thông khiến người hâm mộ trong nước càng thêm háo hức trông đợi. Thế nhưng, thực tế thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam lại quá thất vọng.

Olympic là đấu trường thể thao lớn và danh giá nhất hành tinh. Trình độ của các VĐV Việt Nam còn cách một khoảng xa, có những môn cách rất xa kỷ lục của Olympic. Thế nên, không giành được huy chương tại Olympic London cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dư luận bức xúc chính là thái độ không dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật mà lại xoay ra đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà điển hình là phát biểu của một quan chức cho rằng: “Do cổ động viên hò hét khiến Việt Nam tuột mất huy chương”. Không chỉ quan chức, HLV mà rất ít VĐV sau thất bại lên tiếng thừa nhận mình thua kém đối thủ và thua kém thành tích của chính mình. Ngay VĐV cử tạ Quốc Toàn, tuy thi đấu quyết tâm, chỉ xếp sau VĐV đoạt HCĐ cũng không chịu thừa nhận mình kém đối thủ, mà bao biện là “do khởi động lâu quá dẫn đến đuối sức”. Vì lẽ đó, Xuân Vinh (bắn súng) chính là VĐV để lại ấn tượng đẹp nhất. Anh thi đấu ngang ngửa với các VĐV hàng đầu thế giới, chỉ cách VĐV đoạt HCĐ 0,1 điểm. Phát biểu với báo chí, anh thừa nhận đối thủ giỏi hơn mình và rất trầm tĩnh cho rằng đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm quý cho các cuộc so tài trong tương lai...

Hình ảnh võ sĩ taekwondo Diệu Linh chỉ nói được vài từ “em xin lỗi” rồi ôm mặt lao đi như chạy gây xúc động mạnh. Diệu Linh đã gần như thua trắng đối thủ ngay trận mở màn vòng loại, với tỷ số cách biệt tới 1/13. Thực chất trình độ taekwondo của Diệu Linh và cả Huỳnh Châu chỉ có thế. Nhưng HLV và các quan chức thể thao lại thổi phồng trình độ của họ lên rồi dồn sức ép giành huy chương lên vai họ. Lỗi chính không phải VĐV, mà do chúng ta. Mới thắng ở “ao làng” Đông Nam Á đã vội xưng tụng nhau là những “nữ hoàng” trên đường chạy, những “kình ngư” trên đường đua xanh, những “độc cô cầu bại” trên võ đài. Trong khắc nghiệt của thể thao đua tranh và đối kháng, chỉ sự tự mãn, tự phụ thôi đôi khi cũng giết chết tài năng chứ chưa nói tới sự ngộ nhận của cả thầy và trò. Mà “ao làng” thể thao Đông Nam Á giờ cũng nổi sóng đe dọa, khi Olympic kỳ này chúng ta trắng tay thì đã có tới 4 quốc gia khác giành được mỗi nước ít nhất 2 huy chương, đó là: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore...  

Từ kết quả thi đấu tại Olympic London, một bản tổng kết khoa học, thẳng thắn, trách nhiệm chỉ rõ thực chất những tồn tại cũng như khả năng tranh tài của các VĐV Việt Nam trong tương lai, là yêu cầu bức thiết đối với ngành thể thao. Trước khi đi đến bản tổng kết đó, hãy nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ những đánh giá, kiến giải và kiến nghị tâm huyết của các nhà báo thể thao về kỳ đại hội này. Bởi lẽ, xét cho đến cùng, mục đích thi đấu là nỗ lực hết mình trong sự cao thượng để giành huy chương. Chính nghị lực sống và khát vọng tận hiến cho thể thao mới làm nên kỳ tích.