Nghệ sỹ nhiếp ảnh Tam Thái:

Một đời rong ruổi tìm dấu xưa

ANTĐ - “Tết Sài Gòn” là cuốn sách thứ tư gồm tư liệu và ảnh của tác giả Tam Thái vừa xuất bản, nhưng trong phần tiểu sử (mươi dòng sơ lược và ngắn gọn) in ở phần gấp trang bìa, anh chỉ ghi mấy chữ khiêm tốn về mình: “Hiện nay: nhà chớp ảnh, nhà báo tự lo”. “Tự lo” chứ không phải “tự do” dù rằng anh đã từng được Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam phong danh hiệu E.VAPA - Nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất sắc từ hàng chục năm trước .

NSNA Tam Thái trong một chuyến vượt sông La Ngà năm 1985

Tự học rồi làm thầy

Anh là người đi lên từ tay trắng. Không riêng ở kinh tế mà cả ở tri thức. Chỉ bằng tự học rồi làm thầy, mới 18 tuổi đời, vừa học hết phổ thông anh đã được nhà xuất bản Sông Hàn - Đà Nẵng in tập thơ “Cho tương lai bắt gặp”. Nhưng rồi Tam Thái thích nhiếp ảnh chứ không tiếp tục làm thơ nữa. Anh tự giễu mình “làm quen với mảng thơ chưa bao lâu đã làm thân với anh phó nháy”. Vì yêu thích nhiếp ảnh nên Tam Thái tìm học qua sách Pháp, giáo trình hàm thụ nhiếp ảnh của Mỹ, sách của các bậc tiền bối như cụ Cao Đàm, Nguyễn Văn Mùi… rồi đi làm thầy dạy thiên hạ và bươn chải bằng nhiếp ảnh dịch vụ. Thuê hẳn một gian nhà ở ngay đường Nguyễn Huệ trung tâm Sài Gòn ở một studio áo dài Việt Nam, là nơi thu hút nhiều khách hàng ngoại quốc, nhất là người Nhật và Hàn Quốc. Họ rất thích truyền thống dân tộc, rất thích mặc áo dài Việt Nam để chụp ảnh. Sau này, Tam Thái chuyển phòng chụp về nơi ở, họ vẫn tìm đến. Bản đồ Sài Gòn do người Nhật in, phát cho khách du lịch có ký hiệu ngôi nhà và địa danh, tên hiệu: Photographer Tam Thai 234 Nguyễn Thượng Hiền, P4 - Quận 3.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đất nước bước vào thời kỳ mở cửa. Làng xưa, xóm cũ, không gian làng quê Việt Nam, những cảnh sông nước, ngôi đình, nhà cổ… từng bao đời gắn bó máu thịt với người dân đất Việt đứng trước nguy cơ sẽ bị mất đi, nhường chỗ cho những dự án, những con đường mới mở, những sự đua chen bung ra làm cửa hàng kinh doanh… Tam Thái, với túi máy ảnh trên vai ngược xuôi khắp ba miền Trung, Nam, Bắc bằng mọi phương tiện và bằng tiền túi cá nhân, cố tranh thủ để kịp thu vào ống kính những hình ảnh  cây đa, bến nước, cây cầu khỉ ở Nam Bộ, cổng làng Ước Lễ ở Hà Tây, nhà nổi Đồng Nai… Anh trầm ngâm “… Với những miền đất tôi được dịp đến, với mong ước, xem cái đang có, dự đoán cái gì tồn tại, cái gì mất đi, cần lưu lại bằng hình ảnh, giữ lại cái đẹp sắp hết và “xin” lại dấu xưa đã mất”.

Hồi đó chưa có máy ảnh kỹ thuật số. Chủ yếu là chụp bằng phim đen trắng, Tam Thái đã chụp và lưu giữ hàng ngàn tấm phim thể loại này. Khi chụp, anh đã cố tạo nên mỗi tấm ảnh là một không gian sống, thoáng đãng. Chọn góc thể hiện, tránh không có cái hiện đại trong ảnh, dù là một cột điện cao thế, hay môi trường công nghiệp. Chọn lựa khoảng một trăm năm chục tấm đem phóng ảnh, in sách. Tam Thái muốn những hình ảnh xưa cũ nhưng thân thương bao đời với người dân Việt được lưu lại mãi mãi trong tim mọi người. Cuốn sách ảnh “Ký ức miền quê” được ra đời từ những ngày đầu như thế. Sách do nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành dày 170 trang với  150 tấm ảnh và những dòng bút ký, gồm ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật được đón nhận nhiệt liệt. Cuốn sách đoạt Cúp vàng VA.PA - Công trình nhiếp ảnh năm 2007 của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và được tái bản năm 2012. Đây là một điều hiếm thấy nếu không muốn nói là chưa có tác giả nào được tái bản sách ảnh.

Cổng cũ người xưa, một trong những bức ảnh chụp làng Cự Đà của NSNA Tam Thái

Xuyên Việt trên “Giấc mơ lùn”

Là người quê gốc Quảng Nam, lập thân lập nghiệp ở Sài Gòn, một trong hai lần Tam Thái đem máy ảnh ra Bắc sáng tác là anh cùng bầu đoàn thê tử - vợ và hai con nhỏ, đứa lớp 6, đứa lớp 1, đi tàu hỏa ra Hà Nội. Từ Hà Nội lên Phú Thọ, Tuyên Quang, rồi Yên Bái, Mù Căng Chải… cả nhà ngồi trên chiếc xe Dream (giấc mơ) lùn, đã cũ. Đó là năm 1991, cái hồi Mù Căng Chải còn chưa hề biết đến ánh điện. Các nhà báo, những nhiếp ảnh gia hồi ấy đến Mù Căng Chải chưa nhiều. Nhưng đem cả vợ con đi thì cho đến tận bây giờ duy nhất có mình Tam Thái. Từ Mù Căng Chải, cả nhà lại tiếp tục ngồi trên chiếc “giấc mơ” lùn rong ruổi theo cung đường Tây Bắc đi Lào Cai, lên Sapa rồi đi Lai Châu, Điện Biên! 21 ngày ròng rã trên hơn 1.000 cây số đường rừng núi. Nghỉ ngơi ở Hà Nội  rồi “mã hồi” trên chiếc “giấc mơ” lùn 20 ngày xuyên Việt trở về Sài Gòn. Người thì gầy tóp, xe máy thì “rã”. Kỷ niệm thú nhất trong chuyến đi là do xe chở bốn người, tức là vi phạm luật giao thông nên luôn bị cảnh sát tuýt còi. Nhưng khi nghe trình bày về chuyến đi xuyên Việt của gia đình nghệ sỹ nhiếp ảnh thì cảnh sát lại cho qua và vỗ vai thân tình dặn đi cho cẩn thận.

Ngay từ năm 1993, Tam Thái đã có triển lãm cá nhân “Khung trời tuổi nhỏ” tại Nhà văn hóa thông tin Đà Nẵng. Tiếp đến, năm 1997 lại có triển lãm ảnh cá nhân lần hai “Sài Gòn - Dáng xưa và nay” tại Nhà văn hóa Thanh niên. Cái lạ ở tác giả là, ngày ấy khi thành phố Hồ Chí Minh mới chuẩn bị phát động cuộc thi ảnh “Sài Gòn 300 năm” thì anh đã bắn phát súng đầu tiên với một triển lãm gồm 99 tác phẩm ảnh tư liệu nghệ thuật thuần về Sài Gòn. 

Một nhà báo, một nghệ sỹ nhiếp ảnh hoài cổ! Người ta đã nói về Tam Thái như thế! Có thời kỳ suốt hàng năm trời, anh bỏ thời gian kỳ công đi nhiều nơi, đặc biệt là vùng Lâm Đồng để tìm hiểu và sưu tầm phim, ảnh chụp về Đà Lạt. Nghe ở đâu đó, dù đường sá khó khăn đến mấy, anh vẫn lặn lội tìm đến để thuyết phục cho mượn hoặc xin mua. Và ngoài số phim độc quyền sưu tầm được (chiếm 1/2 cuốn sách), Tam Thái lại tự chụp và cho xuất bản cuốn sách ảnh “Ngày xưa, Langbian… Đà Lạt”, có 300 ảnh, NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2010. 

Công trình này chưa xong, công trình khác lại đã vắt ngang. Suốt hàng chục năm qua, Tam Thái trăn trở, hì hục với cuốn sách ảnh “150 năm hình bóng Sài Gòn” với 1.000 tấm ảnh thể hiện hình ảnh xưa, nay cùng với tư liệu sưu tầm về sự hình thành và phát triển của thành phố… được tác giả biên khảo, biên tập công phu. Cuốn sách dày khoảng 400 trang, dự kiến sẽ trình làng trong năm 2013.