Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát trả lời chất vấn:

Một con gà thịt "phải gánh" 14 loại phí, đó là phí gì?

ANTĐ -"Dân miền Trung còn chịu hạn hán đến bao giờ?", "“Có doanh nghiệp cho biết, có tình trạng một con gà thịt chịu 14 loại phí, đề nghị Bộ trưởng nói rõ đó là những loại phí gì?”... Đó là câu hỏi của một số ĐBQH đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11-6.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) hỏi, tình hình hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung hiện nay có liên quan gì đến nạn phá rừng, làm thủy điện vừa qua hay không? Nếu liên quan thì trách nhiệm bồi thường đặt ra thế nào? Giải pháp khắc phục là gì, có cần thiết phải đóng cửa một số nhà máy thủy điện không ?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân gây thời tiết thất thường ở miền Trung không phải do thủy điện mà do ảnh hưởng của El Nino.  Chúng ta phải lường trước tình huống xấu hơn. Giải pháp cấp bách trước mắt là phải cung cấp, đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, cho gia súc, đồng thời nhanh chóng hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày khác. Về lâu dài, cần đầu tư xây dựng thêm các hồ chứa đi đôi với bảo vệ phát triển rừng thủy điện.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chất vấn

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) chất vấn, nếu nói nguyên nhân gây hạn hán là do El Nino thì vấn đề quan trọng là phải đưa ra giải pháp cụ thể chứ không phải đơn thuần chỉ là hỗ trợ nước cho bà con. Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời,  về lâu dài, chúng ta sẽ thực hiện các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện đã có 1 chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề này, các giải pháp tổng thể cũng đã được đưa ra.

Phiên chất vấn Quốc hội sáng 11-6

Riêng với Ninh Thuận có 3 giải pháp quan trọng:  Xây dựng các hồ chứa tích nước sử dụng nhiều năm (khảo sát cho thấy việc xây dựng hồ chứa đầu mối Tân Mỹ hợp lý, cần thiết); Khôi phục rừng; Điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng và các giải pháp kỹ thuật, thay vì trồng lúa nước thì có thể cần phải chuyển sang trồng các loại cây trồng dùng ít nước hơn, thay đổi kỹ thuật tưới, chuyển đổi mạnh mẽ từ trồng trọt sang chăn nuôi.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) chất vấn: “Có doanh nghiệp cho biết, có tình trạng một con gà thịt chịu 14 loại phí, đề nghị Bộ trưởng nói rõ đó là những loại phí gì?”
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, theo giải thích của cơ quan thú y, những loại phí này là theo luật pháp hiện hành. Tuy vậy, luật pháp có bất hợp lí thì phải sửa. “Tôi đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị sửa lại với tinh thần giảm tối thiểu các loại phí gây phiền nhiễu đến người dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Liên quan đến cuộc sống của nông dân trồng lúa, Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi: “Xin Bộ trưởng cho biết vì sao nông nhân bỏ ruộng nhiều, chính sách bảo vệ đất lúa cụ thể ra sao, Bộ trưởng có tham mưu gì cho Chính phủ để giữ đất lúa?"

Một con gà thịt "phải gánh" 14 loại phí, đó là phí gì? ảnh 3
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn sáng 11-6

Về nội dung này, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời, sản xuất lúa gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo điều kiện tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng để một hộ trồng lúa sống được bằng lúa thì phải có diện tích ít nhất 2 ha. Tuy vậy, tại Việt Nam hiện nay bình quân mỗi hộ chưa được 0,5 ha. Chúng ta đã có nhiều giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng thóc lúa nhưng cần có thời gian và nguồn lực.

 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) hỏi: “Theo Bộ trưởng đâu là khâu yếu nhất trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay? Trách nhiệm Bộ trưởng ra sao”? Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ: “Nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là khâu tiêu thụ, cái khó lớn nhất là khâu chế biến chưa tương xứng”. Vì vậy phải có chính sách để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.