Một chính khách đa tình muốn trở lại ghế Tổng thống Pháp

ANTĐ - Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới dự kiến được tổ chức vào tháng 4 và 5-2017. Đương kim Tổng thống Francois Hollande đủ điều kiện để tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, và một trong những đối thủ đáng gờm của ông Hollande chính là cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. 

Một chính khách đa tình muốn trở lại ghế Tổng thống Pháp ảnh 1Ông Sarkozy khi đương nhiệm cùng người vợ được mệnh danh là “Bông hồng nước Pháp”

Tham vọng không giấu giếm

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cuối tuần qua  thông báo, ông sẽ rời bỏ vị trí Chủ tịch đảng Những người Cộng hòa (LR) để mở đường cho nỗ lực chạy đua vào ghế Tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2017. Ngày 2-7, ông Sarkozy tuyên bố với các đảng viên trong đảng LR rằng, đó sẽ là cuộc họp cuối cùng của ông trong tư cách Chủ tịch đảng. 

Được biết, nếu tiếp tục giữ chức Chủ tịch đảng LR, ông Sarkozy không thể tham dự cuộc bầu cử sơ bộ, do đó, vị cựu Tổng thống Pháp này phải từ chức 2 tuần trước hạn nộp đơn ứng viên vào ngày 9-9. Đảng LR sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào tháng 11. Dự kiến ông Sarkozy phải cạnh tranh gay gắt với 13 đối thủ khác trong cuộc đua trở thành ứng viên đại diện cho đảng này.

Theo Guardian, đối thủ chính của ông Sarkozy là cựu Thủ tướng Alain Juppe. Vị này đã chỉ trích ông Sarkozy về ảo tưởng sai lầm giữa một ông Nicolas Sarkozy là chủ tịch đảng và một ứng viên tổng thống Nicolas Sarkozy. Người chiến thắng sau bầu cử sơ bộ của đảng LR sẽ phải đối mặt với bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận quốc gia và ứng viên của đảng Xã hội, rất có thể đó sẽ là đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande. 

Năm 2012, ông Sarkozy thất bại trước ông Hollande, tuy nhiên, ông Sarkozy không hề giấu giếm tham vọng tham gia cuộc đua trở lại Điện Elysee vào năm 2017.

Ứng cử viên lão luyện 

Ông Nicolas Sarkozy, sinh năm 1955, giữ chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2007-2012. Cuộc đời và sự nghiệp của ông minh chứng cho một nỗ lực vươn lên mạnh mẽ bằng chính tài năng và nhiệt huyết của mình. Khi ông  Sarkozy 4 tuổi, bố mẹ đã ly dị; mẹ ông đưa 3 con về sống nhờ nhà ông ngoại. Cuộc sống của họ rất vất vả vì người chồng từ chối chu cấp cho vợ cũ và các con dù làm ăn phát đạt.

Ông Sarkozy khởi đầu sự nghiệp chính trị lúc 22 tuổi khi trở thành nghị viên hội đồng thành phố Neuilly-sur-Seine, một khu ngoại ô giàu có và biệt lập ở phía Tây Paris, rồi đắc cử thị trưởng. Lúc ấy, ông là thị trưởng trẻ tuổi nhất nước Pháp, đứng đầu một thị trấn hơn 50.000 cư dân. Về sau, ông Sarkozy đã kinh qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân UMP (năm 2015 đổi tên thành đảng LR). 

Trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp hồi năm 2007, các đối thủ chỉ trích ông Sarkozy là “ứng cử viên bạo tàn”, đại biểu của lập trường cứng rắn. Tuy nhiên, sự ủng hộ cử tri đã giúp ông dẫn đầu suốt chiến dịch tranh cử. Tới tháng 5-2007, với 53,4% phiếu bầu, ông Sarkozy đắc cử Tổng thống sau khi đánh bại đối thủ thuộc đảng Xã hội Segolene Royal. Trong diễn văn đọc ngay sau khi có kết quả bầu cử, ông đã nhấn mạnh đến nhu cầu hiện đại hóa nước Pháp, đồng thời kêu gọi sự hòa hợp dân tộc. 

Cứng rắn, nhưng đa tình

Trái ngược với sự cứng rắn trên chính trường, về đời tư, cựu Tổng thống Pháp Sarkozy nổi tiếng là người đa tình. Ông trải qua 3 đời vợ, ai cũng xinh đẹp và tài hoa, trong đó người vợ thứ ba của ông – Carla Bruni là siêu mẫu người Pháp lai Ý. Ông và “Bông hồng nước Pháp” này kết hôn chỉ vài tháng sau khi ông ly hôn vợ hai. Ông Sarkozy cũng dính vào nhiều tin đồn tình ái chấn động khác, chẳng hạn năm 2005, có tin ông  hẹn hò với một nhà báo nữ làm việc cho tờ Le Figaro của Pháp; khi còn đương nhiệm, ông dính tin đồn qua lại với cựu Bộ trưởng Sinh thái Chantal Jouanno.

Nhận định về việc ông Sarkozy chạy đua chức Tổng thống Pháp năm 2017, giới phân tích cho rằng, ưu thế chính của ông là có nhiều kinh nghiệm trên cương vị Tổng thống Pháp và là thủ lĩnh của chính đảng lớn nhất nước Pháp. 

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử của ông. Thứ nhất, đa số người dân Pháp không đánh giá cao kết quả điều hành nước Pháp trong thời gian ông Sarkozy làm Tổng thống nên đã không bầu ông làm Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp. Thứ hai, ông Sarkozy đang dính vào bê bối tài chính liên quan đến chiến dịch tranh cử hồi năm 2012.  Bốn nhân vật chủ chốt trong chiến dịch tái tranh cử hồi năm 2012 của ông Sarkozy hiện đang bị điều tra với cáo buộc sai phạm trong báo cáo tài chính. Bản thân ông Sarkozy luôn khẳng định không hề biết về những sai phạm này.