Một cậu bé 3 lần đốt nhà, 4 lần điện giật

ANTĐ - Lý Tùng Nhân (SN 1995), ở thôn Bằng Tiên 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng sinh ra đã không bình thường như những đứa trẻ khác. Kể từ lúc biết nói, biết đi, Lý Tùng Nhân đã khiến cho gia đình phát hoảng vì những tai ương liên tiếp do chính mình gây ra cho bố mẹ và gia đình.
Một cậu bé  3 lần đốt nhà, 4 lần điện giật ảnh 1

Số phận không may mắn

Ông Lý Kỳ (SN 1957), bố của Lý Tùng Nhân quê gốc ở Quảng Ngãi nhưng sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng. Năm 1994, ông Lý Kỳ gặp bà Nguyễn Thị Hương (SN 1960), quê gốc Hà Tây (cũ) vào xây dựng kinh tế mới rồi cả hai nên vợ nên chồng khi đã ở độ tuổi ngoài 30. Năm 1995, hai vợ chồng ông vui mừng khôn xiết khi đứa con trai đầu lòng chào đời. Những tưởng đứa con sẽ khôn lớn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng khi đứa bé được 10 ngày, ông Kỳ và người thân phát hiện ra Nhân có biểu hiện khác lạ. Mắt và da của Nhân vàng vọt không hồng hào giống những đứa trẻ sơ sinh bình thường. Hai vợ chồng ông Kỳ lóc cóc ôm con đến bệnh viện để chữa trị. Tại bệnh viện, bác sỹ chẩn đoán cháu bé bị xuất huyết não và có nhiều khả năng để lại di chứng về sau. 

Sau một thời gian điều trị ở bệnh viện, đôi vợ chồng đưa Nhân về nhà nuôi với hy vọng có kỳ tích xảy ra. Tháng thứ 11, Nhân đã tập tễnh bước đi, khỏi phải nói hai vợ chồng ông Kỳ vui mừng đến chừng nào, những tưởng con mình sẽ phát triển bình thường như những đứa trẻ khác, nào ngờ, một thời gian sau mới thấy cậu bé cứ đi nhưng chỉ biết đi thẳng, đụng đâu là nằm lăn ra đó, phải chờ người đến đỡ thì cậu mới đứng dậy. “Nuôi được cháu nó sống sót khó khăn lắm chú ạ! Bệnh tật cứ đeo nó mãi không nên phải lo cho nó đến là khổ”, ông Lý Kỳ tâm sự. Khi lên 2, 3 tuổi, công việc chăm sóc Nhân bắt đầu khó khăn hơn. Bởi lúc này cậu bé vẫn chưa biết nói, thi thoảng xuất hiện những cơn động kinh bất thường. Mỗi lúc như vậy Nhân nằm lăn ra đất, co giật và sùi bọt mép khiến hai vợ chồng ông phát hoảng. Thời gian này, cứ vài tháng là bà Hương lại bế Nhân ra TP Hồ Chí Minh để chữa bệnh. Bác sỹ bảo là do di chứng dần dần sẽ hết. Nhưng lên 8,9 tuổi Nhân bập bẹ biết nói thì những cơn động kinh xuất hiện ngày một dày hơn, cứ 2, 3 ngày là Nhân lại lên cơn co giật. Bà Nguyễn Thị Hương không biết bao lần ứa nước mắt khi nhìn con lên cơn. 

3 lần đốt nhà, 4 lần điện giật

Cuộc sống chật vật, khó khăn khiến ông Kỳ và bà Hương không phải lúc nào cũng quản lý được cậu bé hiếu động như Nhân. Nhân thường xuyên đi lang thang khắp làng khắp xóm. Cậu trèo các cây lớn trong làng và ngồi trên đó cả buổi hát nghêu ngao. Không chỉ có cây cối, trèo cột điện cũng là một trong những “sở thích” của Nhân. Đã không biết bao nhiêu lần giữa ban ngày Nhân trèo lên cột điện mặc sự can ngăn khuyên nhủ của mọi người xung quanh khi phát hiện. Người ta xúm đông xúm đỏ lại bảo cậu xuống thì cậu càng khoái chí cười và hát thật to. Nhân chỉ xuống khi có người nào mà cậu quý mến dỗ ngọt, còn không thì chẳng ai khiến cậu rời khỏi chỗ “ưa thích” được.

Ông Kỳ không nhớ nổi số lần Nhân trèo cây và cột điện từ nhỏ đến giờ. Nhưng ông nhớ có 4 lần người dân và vợ chồng ông phát hoảng khi Nhân trèo và chạm vào dây điện khiến cầu chì phát nổ. Một lần ở cột điện trong làng, ba lần ở ngoài đường lớn trong đó có một lần cách đây hơn 1 năm là nặng nhất khiến ai cũng nghĩ Nhân không qua khỏi. Ba lần Nhân ngã từ những cột điện có độ cao khoảng 4 đến 5m. Lần gần đây nhất, Nhân ngã từ độ cao khoảng 7m xuống dưới đất sau khi sờ vào dây khiến chập điện. Nhân bị ngã xuống đất và bỏng nặng khắp người nhất là phần mông do ngồi trên thanh ngang cột điện. Cũng thật kỳ lạ, mặc dù ngã từ trên cao xuống rất nhiều lần nhưng lần nặng nhất cũng chỉ khiến Nhân gẫy xương ngón chân. Những vết bỏng cũng hồi phục khá nhanh khiến mọi người ngạc nhiên. Tuy nhiên, hồi phục một thời gian Nhân lại quên đi cái đau, cái sợ và làm theo thói quen cũ. Kể từ sau lần Nhân bị bỏng nặng và gãy xương ngón chân, ông Kỳ sợ con tiếp tục tự gây họa nên mua một sợi dây xích cùm chân Nhân lại để Nhân khỏi đi lung tung. 

Cách đây 4 năm, khi ông Kỳ còn ở ngôi nhà gỗ, Nhân lúc đó thường xuyên đi lang thang trong làng rồi bị nhiều thanh niên gọi vào trêu ghẹo. Họ cho Nhân hút thuốc, uống rượu khiến lúc về nhà cậu không còn tỉnh táo, mắt đỏ sọng và lên cơn. Cũng vì lẽ đó mà từ hồi 10 tuổi Nhân đã có thói quen hút thuốc và về nhà tự “chế” đồ để hút thuốc lào. Ai không cho là Nhân nổi khùng liền. Có những lần Nhân mất kiểm soát nên đã châm lửa đốt nhà. Khi một số đồ đạc trong nhà bốc cháy ngùn ngụt thì Nhân bỏ ra ngoài. Cũng may hàng xóm phát hiện nên qua dập lửa kịp thời chứ không căn nhà gỗ của ông Kỳ cũng bị bà hỏa thiêu trụi. Hai lần thấy con lên cơn là kiếm lửa đốt nhà khiến ông Kỳ không yên tâm. Ông bàn bạc với vợ vay mượn thêm để dựng căn nhà xây chứ chẳng may ở nhà gỗ mà bị Nhân đốt cứu không kịp thì khổ. Thế nhưng chẳng ngờ năm ngoái, khi bị cùm chân ở nhà, Nhân khó chịu trong người bèn lấy que khều được chiếc bật lửa rồi dồn chăn chiếu lại góc nhà để đốt. Ông Kỳ hôm đó vừa ra khỏi nhà được chừng 5 phút thì linh tính mách bảo khiến ông quay trở lại nhà và phát hiện ra sự việc kịp thời. 

Bất hạnh đeo bám

Nhìn quanh nhà ông Kỳ không thấy một đồ vật nào sắc nhọn như dao, kéo. Bởi lẽ không ít lần Nhân lên cơn rồi cầm dao, rựa đuổi chém ông Kỳ. Những vết sẹo ở đầu, ở tai ông Kỳ đến bây giờ vẫn còn hiện hữu. Bà Hương, mẹ cũng Nhân cũng nhiều lần bị Nhân đánh đập thâm tím khắp người. Có lần ông Kỳ thấy Nhân mải chơi những đồ vật có thể gây nguy hiểm, nói nhẹ con không được ông mới quát Nhân, nào ngờ Nhân nổi sung đuổi đánh ông khắp làng. Lần ấy ông phải trốn ở nhà người quen mấy ngày mới dám về vì biết Nhân có tính nhớ lâu, thù dai. Lúc lên cơn là vậy nhưng mỗi khi bình thường thì Nhân ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Nhân đến ôm đầu bố, mẹ rồi xoa mặt, vuốt tóc nói những câu rất ngây thơ khiến vợ chồng ông phì cười và càng thương con hơn. 

Năm 2002, bà Hương sinh thêm một bé gái đặt tên Lý Như Diệu. Cháu Diệu may mắn hơn Nhân là phát triển khỏe mạnh, bình thường. Nhưng năm Diệu bước vào lớp 1, trong một lần 2 vợ chồng ông Kỳ đi làm để hai anh em Nhân ở nhà, Nhân đã đánh Diệu một trận thâm tím mặt mày. Hồi đó nhà ông Kỳ còn có một thùng phi đựng nước sinh hoạt, sau khi đánh em, Nhân còn cho cô bé vào thùng phi nhấn khiến Diệu suýt chết ngạt.

Sự việc được bà ông Kỳ và bà Hường đi làm về phát hiện. Ông Kỳ lớn tiếng hỏi Nhân sao lại đánh em, Nhân trả lời một câu khiến ông bà Kỳ - Hương không khỏi bất ngờ: “Đánh cho nó biết khôn chứ sau này lập gia đình chồng nó đánh cũng vậy”. Sau lần đó, cháu Diệu cứ chậm chậm, học hành cũng kém so với các bạn cùng lớp. Thấy con mình không may mắn như người ta, ông Kỳ và bà Hương đã từng cho thân đi học ở trường dạy những người thiểu năng Hoa Phong Lan ở Đà Lạt khi 11 tuổi, nhưng Nhân thường xuyên leo tường bỏ trốn đi lang thang nên nhà trường đành phải trả về cho gia đình. Nhân cũng đã được gia đình gửi vào Trại tâm thần Biên Hòa, Đồng Nai nhưng cứ gửi vào trại thì em lại tỏ ra bình thường, trại bảo em mắc bệnh nhẹ nên trả về để gia đình chăm sóc. Hai vợ chồng ông Kỳ chẳng biết làm thế nào đành ngày ngày thay nhau một người đi làm, một người ở nhà trông con. Cái nghèo vì thế mà cứ đeo bám gia đình bất hạnh này!...