Một bộ phận cảnh sát London từ chối mang theo vũ khí khi làm nhiệm vụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Một số sĩ quan cảnh sát London (Anh) không còn mang theo súng khi làm nhiệm vụ sau khi một thành viên của Sở Cảnh sát Thủ đô tuần trước đã bị buộc tội giết người trong vụ bắn chết một người da màu không vũ trang vào năm 2022.
Cảnh sát có vũ trang bảo vệ bên ngoài Nhà Quốc hội ở London, Anh quốc ngày 25-9-2023

Cảnh sát có vũ trang bảo vệ bên ngoài Nhà Quốc hội ở London, Anh quốc ngày 25-9-2023

So với Mỹ, một tỷ lệ tương đối nhỏ cảnh sát ở Anh mang theo súng. Đại đa số cảnh sát ở London tuần tra có mang theo công cụ hỗ trợ là dùi cui và bình xịt hơi cay. Những người mang súng cần có giấy phép đặc biệt và chỉ được triển khai trong một số trường hợp hạn chế. Nguồn tin giấu tên cho biết, cuối tuần qua, hơn 300 sĩ quan vũ trang của Cảnh sát London đã nộp lại giấy phép sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, đến chiều 25-9, một bộ phận trong số này đã trở lại làm nhiệm vụ bình thường.

Vài năm gần đây, lực lượng cảnh sát Thủ đô Anh quốc đã bị chỉ trích nặng nề vì hành vi của một số sĩ quan cũng như cách điều tra các đảng cầm quyền trong thời gian phong tỏa vì đại dịch. Tâm điểm gây chú ý dư luận tuần trước là sự việc một viên cảnh sát, chưa được tiết lộ danh tính, hôm 10-9 đã bị buộc tội bắn chết Chris Kaba vào ngày 5-9- 2022.

Theo Văn phòng độc lập về ứng xử của Cảnh sát, cơ quan giám sát lực lượng cảnh sát Anh, người đàn ông 24 tuổi, bị bắn ở Nam London, đang lái chiếc Audi mang biển số bị nghi liên quan đến một “vụ nổ súng” xảy ra ngày hôm trước. Hôm đó, một chiếc xe cảnh sát đã bám theo Kaba vào khoảng 22h, khi anh ta rẽ vào con đường có một chiếc xe cảnh sát khác đang chờ sẵn. Các cảnh sát đã tiếp cận chiếc Audi và “đã có liên lạc” giữa chiếc Audi và xe cảnh sát. Một sĩ quan đứng trước chiếc Audi đã bắn một phát xuyên qua kính chắn gió của xe, trúng Kaba.

Các thành viên gia đình và luật sư của Kaba nói rằng, anh không có vũ khí. Các cuộc biểu tình ủng hộ Kaba nổ ra khắp London. Vài ngày sau vụ xả súng chết người, Cảnh sát Thủ đô London đã đình chỉ nhiệm vụ của viên cảnh sát nổ súng. Sau khi bị buộc tội hôm 20-9, người này đã được tại ngoại và dự kiến sẽ ra tòa vào năm tới. Daniel Machover, luật sư đại diện cho gia đình Kaba cho biết, cáo buộc đã mang lại cho người thân bị hại “một số hy vọng rằng công lý có thể được thực thi”.

Theo thống kê, trong số hơn 34.000 nhân viên thuộc lực lượng Cảnh sát London, chỉ có khoảng 2.600 người có giấy phép sử dụng vũ khí. Những vụ nổ súng chết người liên quan đến cảnh sát tương đối hiếm ở Anh. Hôm 22-9, Ủy viên Cảnh sát London Mark Rowley cho biết, việc các sĩ quan của ông lo lắng nộp lại giấy phép sử dụng súng là điều dễ hiểu bởi họ đang cân nhắc xem cần hành động thế nào khi thi hành công vụ trong tương lai. Ông Rowley nói, trong tâm trạng lo lắng như vậy mà họ vẫn tiếp tục công việc bình thường bất chấp sự cố có thể xảy ra là một sự can đảm đáng ghi nhận.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 25-9 nói với các phóng viên rằng cần có sự đảm bảo về quyền hạn pháp lý đối với cảnh sát. “Các cảnh sát có vũ khí làm một công việc cực kỳ khó khăn. Họ đưa ra những quyết định sinh tử chỉ trong tích tắc để giữ an toàn cho chúng ta và họ xứng đáng được biết ơn vì sự dũng cảm đó. Hiện giờ, điều quan trọng là khi họ sử dụng những quyền lực pháp lý này thì họ phải làm điều đó một cách rõ ràng”.

Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman đã viết trên mạng xã hội X rằng Bộ này sẽ tiến hành đánh giá để đảm bảo cảnh sát “có đủ tự tin thực thi nhiệm vụ bảo vệ tất cả người dân”.