Một bản án cần xem xét lại

(ANTĐ) - Tháng 7-2011, Tòa phúc thẩm - TANDTC tại TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đặng Thanh Phương, nguyên Phó trưởng phòng Kế toán, Công ty Điện báo - điện thoại tỉnh Bạc Liêu về tội tham ô tài sản.
 Đây là một vụ án khá phức tạp, xảy ra từ lâu và có nhiều quan điểm bất đồng ngay từ giai đoạn điều tra. Bởi lẽ đó, sau khi tuyên bản án sơ thẩm, bị cáo Phương đã kháng cáo toàn bộ bản án.

 Bị cáo Đặng Thanh Phương trong phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP.HCM sáng 9-6-2011 nhưng bị hoãn xử
 Bị cáo Đặng Thanh Phương trong phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP.HCM
sáng 9-6-2011 nhưng bị hoãn xử

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2006, Quách Văn Đồng (Giám đốc Công ty Điện báo - điện thoại Bạc Liêu), Nguyễn Minh Trí (Trưởng phòng Kế toán) và Đặng Thanh Phương (Phó trưởng phòng Kế toán) đều là những người có chức vụ, quyền hạn trong quản lý kinh tế, nhưng đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, lợi dụng vào chức vụ, quyền hạn, sử dụng tài sản là tiền của công chi sai nguyên tắc với số lượng lớn. Trong đó, Quách Văn Đồng chỉ đạo sai nguyên tắc số tiền 301 triệu đồng, Nguyễn Minh Trí 420 triệu đồng. Riêng đối với Đặng Thanh Phương đã chiếm đoạt hàng hóa về sử dụng cho mục đích cá nhân số tiền hơn 70 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, các bị can đã nộp khắc phục toàn bộ thiệt hại về tài sản.

Bản án sơ thẩm số 02/2011/HSST ngày 21-1-2011 của TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên phạt: Bị cáo Quách Văn Đồng và Nguyễn Minh Trí mỗi bị cáo 3 năm tù treo, thử thách 5 năm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đặng Thanh Phương 7 năm tù về tội tham ô tài sản.

Suốt từ khi vụ án được khởi tố, Phương đã một mực kêu oan bởi đơn giản là không thực hiện hành vi phạm tội. Việc Phương mua hàng về (công cụ, dụng cụ, văn phòng phẩm, vật liệu sửa chữa thay thế, vật liệu rẻ tiền mau hỏng) đều thực hiện theo đúng quy trình của Bưu điện tỉnh Bạc Liêu. Cụ thể, hàng hóa mua về trị giá dưới 10 triệu đồng đều được cấp cho nhân viên sử dụng ngay, không cần phải làm các thủ tục nhập kho rồi mới xuất hàng vì hầu hết những hàng hóa này chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn rồi tự hỏng. Để truy tố và xét xử Phương, người ta đã đưa ra 8 hóa đơn hàng hóa với số tiền hơn 70 triệu đồng rồi kết luận rằng, Phương đặt mua hàng hóa bằng tiền của Công ty nhưng không đưa về đơn vị mà chiếm đoạt. Đây là điều không thuyết phục bởi quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm đều không chứng minh được tài sản bị chiếm đoạt dù họ thừa hiểu rằng, tội tham ô có cấu thành vật chất đồng thời giữa hành vi và hậu quả phải có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ, biện chứng.

Trong quá trình điều tra, xét xử, lẽ ra, những người mua hàng, nhận hàng cần phải được điều tra, đối chất để chứng minh rõ mọi hành vi của Phương, nhưng việc này đã không được thực hiện khiến cho những chứng cứ buộc tội chưa thật sự chuẩn xác về mặt pháp lý.

Tại thời điểm vụ án xảy ra, Phương là cấp dưới của Đồng và Trí, nghĩa là mọi chức trách, nhiệm vụ đều dưới sự kiểm soát của hai người này chứ Phương không thể tự ý làm tất cả. Khi khẳng định Phương phạm tội tham ô cần phải chứng minh được Phương đã sử dụng quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ công tác để làm trái các quy định về chế độ quản lý tài sản thuộc lĩnh vực mà mình phụ trách. Thông qua sự vi phạm đó hòng chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Mặt khác, để khẳng định Phương phạm tội cũng có thể chứng minh bằng việc Phương sử dụng quyền hạn vượt quá mức giới hạn cho phép nhưng có liên quan đến cương vị công tác để chiếm đoạt tài sản… Tất cả những điều này chưa được chứng minh và sáng tỏ trong hồ sơ vụ án.

Đặng Thanh Phương có Quyết định khởi tố bị can vào ngày 25-9-2008. Đến ngày 8-12-2008, VKSND tỉnh Bạc Liêu đã có Quyết định Hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của cơ quan CSĐT - CAT Bạc Liêu đối với Đặng Thanh Phương về tội tham ô tài sản do Phó Viện trưởng VKSND tỉnh ký. Thế nhưng, đến ngày 24-12-2008, VKSND tỉnh Bạc Liêu lại có Quyết định Hủy bỏ Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của VKSND tỉnh Bạc Liêu do Viện trưởng VKSND tỉnh ký. Vậy là chỉ trong một thời gian rất ngắn (từ ngày 8 đến    24-12-2008), VKSND tỉnh Bạc Liêu đã ra hai quyết định có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau khiến nhiều người rất ngạc nhiên và bất bình.

Tháng 6-2011, chúng tôi nhận được đơn kêu oan của Đặng Thanh Phương cùng rất nhiều tài liệu liên quan đến vụ án. Trên cơ sở nghiên cứu những tài liệu chính của vụ án, chúng tôi cho rằng, vụ án trên cần được xem xét lại một cách thấu đáo, công bằng, khách quan bởi người có tội thì phải chịu tội, song nếu họ không phạm tội hoặc hành vi vi phạm có mức độ thì cũng cần được mổ xẻ một cách biện chứng, minh bạch để trả lại danh dự cho một con người, và hơn thế, danh dự của cả một gia đình, một dòng họ.

Tất nhiên, quyền phán xét cuối cùng thuộc về tòa án. Mọi sai lầm đều có thể được khắc phục với tinh thần cầu thị và trên tất cả, đó là việc làm có ý nghĩa sâu sắc trong việc góp phần tạo sự bình yên chung cho xã hội cũng như củng cố niềm tin của nhân dân và các cơ quan pháp luật.