Một bài toán không giải nổi

ANTĐ - Cuộc hội thảo với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ nhiều trường đại học trong và ngoài nước, các nhà quản lý và chuyên gia đã tập trung “phẫu thuật”, thảo luận thực trạng, từ đó đưa ra ý tưởng, giải pháp khả thi cho nền giáo dục của đất nước. Các giáo sư, học giả thẳng thắn đánh giá, giáo dục đại học Việt Nam đang tụt hậu ngay cả với các nước trong khu vực. Thực tế, tất cả các bước cơ bản trong xây dựng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học đều làm ngược lại với thế giới.

“Chúng ta đã có nhiều nỗ lực cải cách, nhưng vì sao con tàu giáo dục đại học được đặt lên đường ray, được cung cấp nguồn năng lượng mà vẫn rất ì ạch?” - Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ đặt vấn đề. Trong khi các trường đại học nước ta chỉ ưu tiên sử dụng giảng viên do mình đào tạo, thì ở các nước thường dùng nguồn nhân lực từ các trường khác. Khi không tuyển giảng viên được đào tạo từ nơi khác sẽ dẫn đến huyết mạch trong “cơ thể” đại học thiếu máu mới. Một giáo sư nguyên đại biểu Quốc hội nhận xét, kiểu tuyển giảng viên ở nước ta không giống ai. Giảng viên giỏi được giữ lại dạy trong trường không thoát được “cái bóng” của thầy thì làm sao dạy được những điều mới mẻ cho sinh viên?

Một nội dung trọng tâm thu hút sự quan tâm đặc biệt của các diễn giả cũng như giới chuyên gia là tự chủ đại học. Dù được tự chủ về tổ chức, biên chế, hoạt động, nhưng không được tự chủ về tài chính thì mọi sự tự chủ chỉ là hình thức. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đây là điểm yếu nhất và là nguyên nhân quyết định gây ra sự yếu kém cho nền giáo dục đại học. Luật Đại học năm 2012 đã khẳng định quyền tự chủ của các trường đại học, thể hiện được bước tiến về tư duy quản trị, song lại không tạo được bước ngoặt đột phá vì Nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát rất lớn. Bản thân các trường đại học cũng thiếu năng lực và thiếu sự sẵn sàng để tự chủ. Một giáo sư đã nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại châu Âu bức xúc, mặc dù đã về Việt Nam gần 20 năm, làm giám đốc một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia, nhưng ông vẫn không giải được “bài toán” tự chủ tài chính.

Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ nhấn mạnh, chỉ riêng viện nghiên cứu sẽ không đủ cả về lực lượng lẫn trí tuệ để ứng dụng các nghiên cứu. Nếu không có các trường đại học thì nền khoa học nước ta sẽ què quặt. Giáo dục đại học không chỉ cho ra lò nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, mà còn là “động cơ” lớn thúc đẩy tốc độ tăng trưởng khoa học và công nghệ. Nhiều trường đại học uy tín ở khu vực và trên thế giới đều đóng vai trò như vậy, trong khi ở ta, đại học không giải nổi “bài toán” tài chính.