Moscow: Lá chắn phòng thủ Mỹ không thể đỡ nổi tên lửa đạn đạo Nga

ANTĐ - Theo chỉ huy Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, ông Sergey Karakaev, lá chắn tên lửa hiện tại của Mỹ không đủ khả năng chịu đựng một cuộc tấn công từ tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân của Nga. 

“Các chuyên gia của chúng tôi đã phân tích và thấy rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không đủ sức chịu đựng một cuộc tấn công tổng lực từ bộ 3 hạt nhân của Nga, bao gồm máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa”, chỉ huy Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, ông Sergey Karakaev nói với các phóng viên vào hôm 16-12.

Mỹ hiện cho rằng, một hệ thống phòng thủ hiệu quả phải bao gồm nhiều lớp tên lửa đánh chặn, cộng thêm các loại vũ khí laze, được triển khai ở các môi trường khác nhau bao gồm cả trên mặt đất lẫn trong không gian vũ trụ.

Nga tự tin với khả năng tấn công của các tên lửa đạn đạo liên lục địa

Theo ông Karakaev, kế hoạch phát triển của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga bao gồm các phương tiện và kĩ thuật mới hiệu quả hơn nhằm xuyên thủng được tất cả hệ thống phòng không trên thế giới. Ông khẳng định Nga đã cân nhắc đến quy mô và sức mạnh của lá chắn tên lửa Mỹ trong quá trình nghiên cứu tên lửa đạn đạo và hiện nay, Nga có thể tấn công “mọi nơi trên thế giới”.

Các tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại trong kho vũ khí của Nga hiện nay chiếm tỷ lệ 56% và đến năm 2022, tất cả các tên lửa cũ sẽ được thay thế. Ngoài ra, việc nghiên cứu và phát triển tên lửa liên lục địa Sarmat đã hoàn thành để chuẩn bị cho phóng thử ở khu thử nghiệm Plesetsk vào năm 2016.

Mỗi năm, khoảng 4 trung đoàn tên lửa Yars được đưa vào biên chế, trong khi Nga cũng vừa hoàn thành giai đoạn thiết kế của hệ thống tên lửa phóng từ tàu hoả Barguzin.

Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn, ông KaraKaev cũng tiết lộ, Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga đã thực hiện 7 lần phóng thử trong năm 2015 và con số này sẽ tăng lên 16 lần trong năm 2016.