Mong tiếng chuông báo cháy đừng bao giờ vang lên

ANTD.VN - Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ về những chiến sĩ chiến đấu với giặc lửa tôi vẫn ám ảnh về vết thương của chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Nguyễn Văn Quang (SN 1995), thuộc Cảnh sát PCCC số 7 - huyện Thanh Trì, Hà Nội khi nằm điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. 

Trong trận chiến đấu với “giặc lửa” tại cụm làng nghề Ninh Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín vào cuối tháng 10-2015, Nguyễn Văn Quang đã bị dòng “nham thạch” nhựa sôi chảy bắn vào người khiến chân, tay và toàn thân bị lột da đỏ rát. Do mải chữa cháy, Quang quên đi đau đớn, cho đến thời điểm bắt đầu khống chế được ngọn lửa, Quang mới chịu buông vòi chữa cháy để đồng đội đưa đến bệnh viện cấp cứu.  

Mong tiếng chuông báo cháy đừng bao giờ vang lên ảnh 1Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội thăm chiến sỹ Nguyễn Văn Quang bị thương khi làm nhiệm vụ

Tôi gặp Nguyễn Văn Quang - một chiến sỹ thương binh trong chiều cuối tháng 6 tại Phòng Cảnh sát PCCC huyện Thanh Trì khi đang tất bật công việc. Quang bảo: “Làm ở Đội Tổng hợp có cái khó của nhiệm vụ mới nên còn bỡ ngỡ nhiều, song các cấp chỉ huy chỉ bảo tận tình nên tôi đang dần bắt nhịp được với công việc mới”.

Khi được hỏi nếu so sánh nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu đối mặt với lửa và công việc gián tiếp như hiện tại, nhiệm vụ nào vất vả hơn thì Quang thẳng thắn nói, nhiệm vụ nào cũng có cái vất vả riêng của nó, nhưng đã là người lính thì luôn phải biết vượt qua, hoàn thành tốt. Nhưng trong nhiệm vụ chữa cháy, chính Quang cũng phải thừa nhận, đối mặt trực tiếp với lửa là nhiệm vụ không chỉ khó khăn mà còn biết bao nguy hiểm phải đối mặt, thậm chí cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. 

Ông cha ta có câu “Nhất thủy, nhì hỏa” để nói về sức hủy diệt ghê gớm của nước vào lửa. Khi xảy ra hỏa hoạn, ngọn lửa hung tàn không loại trừ bất cứ một ai. Một khi ngọn lửa đã bùng phát, nếu không kiểm soát được thì tòa nhà toàn bằng thép cũng thành mồi lửa, từng khối bê tông khổng lồ, cho đến dầm thép hàng chục tấn cũng phải sụp đổ. 

“Tôi sợ nhất khi nghe tiếng chuông  báo cháy bởi âm thanh đó thường là thách thức mới đối với các đơn vị cứu hỏa” - Nguyễn Văn Quang bộc bạch. Vào làm nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát PCCC số 7- Thanh Trì, thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội năm 2014, Quang đã tham gia gần 50 vụ cháy trên địa bàn và chi viện chữa cháy tại các địa bàn xảy cháy khác.

Đặc biệt, chiều 16-10 -2017, chiến sỹ Nguyễn Văn Quang cùng đồng đội đã khẩn trương cứu nạn, cứu hộ và khống chế, dập tắt đám cháy tại xưởng sản xuất tái chế nhựa của ông Nguyễn Văn Tất và xưởng sản xuất ống nhựa nước của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hòa Anh, cụm làng nghề Ninh Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tại đây, Quang đã bị bỏng cả 2 tay, 2 chân và lưng.

Vết thương quá nặng, Quang đã được các bác sỹ tiến hành phẫu thuật để hút dịch, cấy ghép da. Vết thương nặng làm cho người chiến sỹ trẻ năng nổ, nhiệt huyết, dũng cảm mê man nhiều ngày không tỉnh, khiến đồng đội ai cũng lo lắng. Để động viên gia đình cũng là chờ hỗ trợ khi phẫu thuật, Quang cần tiếp máu nên anh em thay phiên nhau túc trực tại bệnh viện.

Ông Nguyễn Văn Thiệp, bố của Quang kể: “Gia đình tôi có một mình Quang nên khi nhìn con bị thương nặng rất nhói lòng, nhưng rồi ngẫm lại con mình vì nhiệm vụ chữa cháy mà dũng cảm như thế thì lại thấy nhẹ lòng, vinh dự tự hào hơn. Khi đó, vợ tôi vào chăm con nhìn nước da tái xanh do mất máu, bà ấy ngồi cuối giường gạt trộm nước mắt khóc thầm vì lo sức khỏe của con” - ông Thiệp chia sẻ.

Mong tiếng chuông báo cháy đừng bao giờ vang lên ảnh 2Nguyễn Văn Quang (bên trái) chụp cùng đồng đội

Giành giật mạng sống với “tử thần”

Quang nhớ lại khoảnh khắc mình bị thương: “Khi ngọn lửa bao trùm nhà xưởng tại Ninh Sở lực lượng cứu hỏa có mặt triển khai đội hình ngay, song do phần lớn xưởng sản xuất đều là những chất dễ cháy, ngọn lửa bùng phát mạnh nên sau 30 phút nỗ lực chữa cháy, gần 80 cán bộ, chiến sỹ vẫn chưa thể dập tắt ngọn lửa.

Lúc này, Quang được lệnh cùng với đồng đội cầm lăng vòi tiến sâu chống cháy lan sang xưởng khác. Đúng lúc đó, dưới hai chân tôi là một dòng chất lỏng đặc quánh ùn ùn từ trong xưởng chảy ra. Không thể vứt lăng xuống đất, tôi và đồng đội tiếp tục đưa cao dòng nước thì chân bỏng rát không nhấc nổi. Tôi bị chất lỏng sôi sục như dòng nham thạch của núi lửa vây quanh và bắn vào tay, chân, lưng nên bị bỏng nặng. Ngay sau khi được đồng đội đưa ra ngoài tôi đã bị ngất lịm và không biết gì nữa”. 

Trước đó, Quang và đã cùng đồng đội tham gia chi viện chữa cháy tại tòa nhà cao tầng tại Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông. Đám cháy xảy ra chập tối và chất cháy là nhựa nên sản sinh ra lượng khói dày đặc.

Thời điểm xảy cháy vào lúc sau giờ cơm tối nên có rất nhiều người mắc kẹt trong tòa nhà. Trong quá trình cứu nạn, các chiến sỹ đã bất chấp nguy hiểm để di chuyển người dân khỏi trận hỏa hoạn cực kỳ nguy hiểm. Nhanh chóng tiếp cận hiện trường, Quang đã chạy bộ lên các tầng cao để cùng đồng đội hướng dẫn bà con thoát nạn an toàn. Trong đám khói mù mịt, trong tiếng la hét cầu cứu của hàng trăm người khiến việc hướng dẫn bằng loa cầm tay trở nên vô nghĩa.

Trong khói lửa đen bao phủ kín tòa nhà, Quang cùng đồng đội đã chạy cầu thang bộ để cõng một cụ già bị tai biến mạch máu não từ tầng 23 xuống tầng một, rồi tiếp tục quay trở lại tầng 18 tiếp tục dìu một cụ già khác xuống. Khi người mắc kẹt cuối cùng được đưa xuống mặt đất an toàn cũng là lúc Quang kiệt sức. Nhớ lại giây phút này, Quang tự hào: “Khi đưa được từng người đến nơi an toàn nhìn bà con không bị thương tôi cảm thấy vui và tan biến mọi nguy hiểm mình vừa đối mặt”.

“Lửa cháy” trong khát vọng tuổi trẻ

Nhìn các vết sẹo do bỏng trên người chiến sỹ trẻ Nguyễn Văn Quang, chúng tôi càng xúc động trước sự hy sinh, tận tụy, trách nhiệm của người lính cứu hỏa trẻ tuổi. Ở độ tuổi 22, độ tuổi của hoài bão và tuổi trẻ. Do đó, trong những ngày được rèn luyện, huấn luyện Quang luôn đặt nỗ lực hết mình trên thao trường. Người lính cứu hỏa mọi động tác phải chuẩn chỉ.

Muốn hoàn thành được nhiệm vụ này, cần phải dày công luyện tập, học hỏi, rèn luyện. Từng động tác nhỏ như cuộn vòi, lăng vòi, gấp, hạ thiết bị, lên xuống xe, cất đồ đạc… phải chuẩn chỉ. Bởi vì trong nhiệm vụ chữa cháy, chỉ cần sai một ly là đi một dặm, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, mà còn gây nguy hiểm cho đồng đội và nhân dân. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra nghiêm khắc, do đó đã trở thành lính cứu hỏa thì đều phải rèn luyện và tôi luyện qua từng cuộc thử lửa.

Với Quang cũng vậy, khi trở thành người lính cứu hỏa thì đã phải tự rèn giũa mình vào khuôn khổ để trưởng thành. Vốn sinh ra trong gia đình làm nghề nông ngoại thành Hà Nội, nhưng từ nhỏ Quang đã nuôi mơ ước trở thành một người lính cứu hỏa. Và mơ ước đó đã thành hiện thực, khi ba năm trước Quang được tuyển chọn làm chiến sĩ nghĩa vụ của Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội.

Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 7 - Thanh Trì nhận xét: “Quá trình công tác tại đơn vị, Quang luôn thể hiện sự mưu trí, dũng cảm trong các cuộc chiến chống “giặc lửa”. Vụ cháy xảy ra khoảng 0h ngày 15-10-2015 tại huyện Thường Tín đã khiến Quang bị bỏng rất nặng. Quang được đồng đội đưa đi cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia. Sau này, anh được Hội đồng Giám định Y khoa, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) giám định tỷ lệ thương tật 28%. Ngày 8-8-2016, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 6198/QĐ-X33 công nhận thương binh đối với đồng chí Nguyễn Văn Quang. Tháng 2-2017, sau khi hết thời gian tham gia nghĩa vụ, anh được xét duyệt chính thức trở thành Cảnh sát PCCC của TP Hà Nội. Hiện Quang được tổ chức phân công làm nhiệm vụ tại Đội Tổng hợp của đơn vị”. 

Tôi chợt nhìn lên tấm bảng ghi chú thi đua của cán bộ chiến sỹ Đội Tổng hợp treo bên tường đơn vị, thấy tên Nguyễn Văn Quang nằm cuối danh sách nhiều tên khác, nhưng nổi bật lên chi chít những lá cờ đỏ. Đó là thành tích nỗ lực rèn luyện, học hỏi tự bản thân Quang.

Tôi chợt nhớ câu ước nguyện của Quang ban đầu trò chuyện, luôn mong cho tiếng chuông đừng bao giờ reo lên âm thanh báo hiệu có cháy. Và đây cũng là nguyện ước của triệu triệu người, luôn mong cho bình yên từng ngôi nhà, con ngõ và đừng để xảy ra một đốm cháy dù nhỏ nhất.

Vào làm nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát PCCC số 7- Thanh Trì, thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội năm 2014, Nguyễn Văn Quang đã tham gia gần 50 vụ cháy trên địa bàn và chi viện chữa cháy tại các địa bàn xảy cháy khác. Đặc biệt, chiều 16-10 -2017, chiến sỹ Nguyễn Văn Quang cùng đồng đội đã khẩn trương cứu nạn, cứu hộ và khống chế, dập tắt đám cháy tại xưởng sản xuất tái chế nhựa của ông Nguyễn Văn Tất và xưởng sản xuất ống nhựa nước của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hòa Anh, cụm làng nghề Ninh Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tại đây, Quang đã bị bỏng cả 2 tay, 2 chân và lưng.