Nhà thiết kế Minh Hạnh:

Mong thời trang Việt vượt qua “kiếp” gia công

ANTĐ - Minh Hạnh là cái tên không thể không nhắc đến khi nói đến thời trang Việt. Đã có gần 20 năm gắn bó với thời trang và vẫn luôn tỏ rõ sự sung sức, vậy mà Minh Hạnh lại tự nhận “tôi đã già rồi, cũng muốn được nghỉ ngơi, được về hưu”.  Nhưng mong muốn lớn nhất hiện giờ của chị vẫn là được nhìn thấy Việt Nam có một nền công nghiệp thời trang thực sự. 

Phải chiếm lĩnh thị trường nội địa

- PV: Để ý thấy các chương trình thời trang nước ngoài tổ chức tại Việt Nam đều mời đích danh chị tham dự. Mời một nhà thiết kế lão làng như vậy liệu cơ hội cho người trẻ có bị hạn chế?

- Nhà thiết kế Minh Hạnh: Thông thường khi mời một nhà thiết kế tham dự các chương trình thì người ta luôn muốn “an toàn”, tức là mời những người có kinh nghiệm. Tôi dù sao cũng là một người già cả rồi, cũng muốn tạo điều kiện cho các bạn trẻ được khám phá. Thành công không phải chỉ có một vài bộ sưu tập được báo chí đưa tin. Cái đó không phải là thành công trong nghề, thành công là các sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng tại thị trường nội địa, từ đó các bạn mới có đủ nội lực để tái sản xuất. 

- Vậy theo chị thì nhà thiết kế muốn vươn xa trước tiên phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nội địa?

- Đúng vậy. Làm sao đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng bản địa là điều cực kì quan trọng. Nhà thiết kế không thể làm ra những cái không phù hợp với văn hóa bản địa. Đơn cử như khi bạn nhìn hình tượng của Lady Gaga thì không có nghĩa ca sĩ Việt Nam cũng có thể mặc như thế, dù rằng hát dòng nhạc đó. Nếu họ mặc như vậy thì ngay lập tức gặp phản ứng của dư luận. Chính bởi vậy, tính thích nghi trong sáng tạo và cách định hướng, tư vấn cho người tiêu dùng là rất quan trọng với một nhà thiết kế. Nếu đi đúng thì các sản phẩm thiết kế ra đời sẽ mang tính tích cực đối với đời sống.

Vẫn chịu “kiếp” gia công

- Chị đánh giá thế nào về thời trang Việt trong mắt bạn bè quốc tế?

- Nếu để đánh giá một cách chuyên nghiệp thì tôi có thể nói thế này: chúng ta chưa có gì trên bản đồ thời trang thế giới cả. Để có được tên tuổi thì chúng ta cần phải có nền công nghiệp thời trang Việt Nam chứ không phải sự sáng tạo của một cá nhân, một nhà thiết kế nào. Bởi trong quy trình ra đời của một sản phẩm thời trang, ngoài thiết kế còn phải có sản xuất, có phân phối. Chúng ta cực mạnh về sản xuất vì đã có trên 20 năm làm “kiếp” gia công. Bây giờ chúng ta muốn thay đổi để vượt qua “kiếp” gia công đó thì bắt buộc phải có những công đoạn thiết kế và phân phối. 

- Vậy theo chị, Việt Nam đang yếu nhất ở khâu nào?

- Việt Nam đang mạnh nhất ở khâu sản xuất và yếu nhất là khâu thiết kế, trong thiết kế là vấn đề đào tạo. Còn việc phân phối thì đã có thể vận hành rất nhanh khi đã có cái gốc đó là thiết kế. 

- Nhưng rõ ràng những năm gần đây, các nhà thiết kế của ta cũng bắt đầu có bước tiến và khẳng định được mình trên thị trường đó thôi?

- Đúng là các nhà thiết kế hiện nay đã bước đầu có được những thành quả lớn trong việc chứng minh phong cách, có thể kể đến như Anh Vũ, Trọng Nguyên, Thiên Toàn hay Công Khanh… Các bạn đã chứng minh rằng sự nổi tiếng trong nghề không quan trọng bằng sự thành công trong mỗi ngày và sự bình yên trong thành công ấy chính là doanh số được ổn định và tăng trưởng mỗi năm. Với một người đi trước như tôi, tôi không mong các bạn chỉ thành công ở mức độ ấy mà muốn rằng các thế hệ các nhà thiết kế phải có sự chung sức để có được tiếng nói chung cho thời trang Việt bởi tất cả sự sáng tạo của các cá nhân sẽ tạo ra sức mạnh chung lớn nhất và tạo ra hiệu quả về kinh tế rõ rệt cho những sản phẩm thời trang được gọi là Made in Vietnam hay Design in Vietnam.

- Theo dự đoán của chị, bao giờ Việt Nam có thể xây dựng được ngành công nghiệp thời trang?

- Thực sự quá khó để dự đoán. Để có được một nền công nghiệp thời trang không phải là việc của một cá nhân mà là chiến lược phát triển của một ngành kinh tế mũi nhọn. Nó không đơn giản chỉ là hô hào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt hay hô hào phải phát triển khâu thiết kế mà phải có những hành động cụ thể nằm trong một chiến lược lớn. Chiến lược đó phải mang tầm quốc gia, có những con người cụ thể để làm những việc có tính chuyên môn cao chứ không phải những người ngoại đạo.

- Dễ thấy là nước ta chưa có chiến lược mang tầm quốc gia như vậy. Nhưng chắc hẳn những người làm nghề phải tìm ra lối thoát cho mình?

- Thực tế hiện nay mong ước của người tiêu dùng là được sử dụng những sản phẩm có thiết kế, và sản phẩm ấy phải có một giá cả, mẫu mã đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhưng một khi chưa có nền công nghiệp, một kĩ nghệ về thời trang thì làm sao có được các sản phẩm đạt yêu cầu, đạt chất lượng để xuất khẩu. Cứ như thế, chúng ta vẫn phải tiếp tục “kiếp” gia công. Tôi đã có gần 20 năm trong nghề thời trang, cũng đã kêu gào nhiều để giải quyết vấn đề này. Bây giờ tôi cũng già rồi, cũng muốn được nghỉ ngơi, được về hưu chứ nhưng vẫn chưa thấy có tín hiệu tích cực ngoài việc các nhà thiết kế trẻ ngày càng nhiều hơn, mong ước được làm nghề này mãnh liệt hơn, nhưng vẫn không có những trung tâm hay nơi nào để đón nhận ước mơ, khát khao mãnh liệt của những ý tưởng mới.

- Xin cảm ơn chị!