Mong một lớp học không gió lùa

ANTĐ - Sự khó khăn, đói nghèo, lạc hậu ở 3 bản vùng cao thuộc xã Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên luôn ám ảnh tôi từ chuyến đi trao quà từ thiện cách đây vài tháng. Thế nên khi nhận được đề nghị phối hợp cùng Báo An ninh Thủ đô đi tặng quà trẻ nhỏ vùng cao ở Thái Nguyên từ phía Công ty TNHH KSG Việt Nam, một công ty của Hàn Quốc, chúng tôi thu xếp công việc lên đường ngay.

Ông Park Sung-il, Tổng giám đốc Công ty TNHH KSG trao quà cho đại diện xã Thượng Nung

Thiếu thốn trăm bề

Chúng tôi trở lại Thượng Nung sớm hơn kế hoạch, với sự ủng hộ nhiệt tình của những người bạn đến từ Hàn Quốc. Không gian thì vẫn vậy, nhưng Thượng Nung đã gột bỏ phần nào cái màu xám xịt độ cuối xuân. Những cơn mưa rả rích hết ngày này qua tháng khác đã ngừng hẳn, thay vào đó là những trận mưa rào bất ngờ, xối xả. Sau cơn mưa, trời xanh ngắt, rừng núi sáng bừng lên. Duy chỉ có con đường dẫn lên 3 bản Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà vẫn ngập bùn tới bắp chân. Sau quãng đường hơn 6km ngâm chân trong bùn nhão, chúng tôi lên đến Lũng Luông thì bùn khô cong vì nắng gắt, trong khi áo lại đẫm mồ hôi. Khí hậu ở đây khắc nghiệt là vậy.

Bọn trẻ được bố mẹ đưa đến nhận quà cũng lấm lem bùn đất. Trời nắng nóng, tất cả các thành viên trong đoàn công tác, ngay cả ông Park Sung-il, Tổng giám đốc Công ty TNHH KSG nhanh chóng bắt tay vào chia quà đến tận tay từng cháu, những khoản phát biểu, cảm ơn mang tính thủ tục được cắt hoàn toàn. Trong 221 suất quà mà Công ty TNHH KSG cùng Báo An ninh Thủ đô mang lên Thượng Nung lần này, ngoài thực phẩm, bánh kẹo còn có 2 món rất đặc biệt: áo mưa và ủng. Đó là những món đồ vừa quý, vừa hiếm ở Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà. Hiếm không phải vì không có, mà vì với thu nhập của người dân nơi đây thì việc dành tiền mua áo mưa, mua ủng cho con thật là xa xỉ. 

Anh Lý Văn Hoàng, Bí thư đoàn thanh niên xã Thượng Nung chia sẻ: “Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà là 3 bản người Mông, trước đây sống du canh du cư cho đến tận năm 1997 mới định cư lại Thượng Nung. Cả 3 bản có chưa tới 200 hộ gia đình, nhưng phần lớn là hộ nghèo, thu nhập bấp bênh. Kể ra những cái khó khăn của đồng bào nơi đây thì nhiều lắm: đường giao thông không thuận lợi, thời tiết khắc nghiệt, chưa có điện, nước, thiếu đất canh tác nên chủ yếu là làm nương, lại thêm trình độ nhận thức còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, thế nên trẻ nhỏ cũng thiếu thốn đủ thứ, thiệt thòi đủ mọi bề...”. Cái đó nhìn thì biết. Bọn trẻ được chia cho cái bánh, cái kẹo là ngấu nghiến ăn ngay. Hỏi mấy đứa nhỏ: cháu có thích đến trường không? Có. Vì sao lại thích? Được ăn cơm có thịt. 

Trong căn nhà tối hút ở Lũng Hoài, chúng tôi có dịp ngồi chuyện trò với vợ chồng ông Lý Văn Pá. Chưa tới 50 tuổi, nhưng ông bà già xọm vì cuộc sống mưu sinh vất vả. Bà Pá vui vẻ chỉ cho tôi xem chừng 20 bao phân bón để trong nhà rồi khoe, Nhà nước vừa cấp cho 10kg ngô cùng số phân bón đó, vài hôm nữa bà sẽ trồng vụ ngô mới. Chồng đau ốm suốt, lại bị bệnh Parkinson đã 10 năm nay, bà trở thành lao động chính nuôi 4 đứa con đến khi dựng vợ gả chồng cho 3 đứa. Con trai út của ông bà là một trong số ít thanh niên ở 3 bản người Mông học được lên cao, hiện đang là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, lâu lâu mới về thăm nhà một lần vì không có tiền đi xe. Mỗi năm bà xuống 1 vụ ngô, nếu trồng nhiều thì thu hoạch được 1 tấn, khoảng 6-7 triệu đồng. Chịu khó làm lụng, nhà cũng có đôi bò và vài con lợn. Bằng thứ tiếng Kinh bập bõm, bà Pá bảo, không trồng được lúa nên gạo phải đi đong, và bữa cơm độn ngô là chuyện bình thường. Mấy người con đã lập gia đình cũng làm nương như bố mẹ nên kinh tế cũng chẳng khá hơn. Bọn trẻ lúc đi học còn được ăn một bữa ở trường, đến ngày hè lại gửi sang nhờ ông bà. 

Cháu nào cũng đã nhận được một phần quà

Ước mơ giản dị

Hoàn cảnh nhà bà Pá cũng giống hoàn cảnh nhiều gia đình khác ở Lũng Cà, Lũng Luông. Khi đến nhà chị Lý Thị Sinh, Dương Thị Xí, tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều khi được sống ở thành phố với những khu nhà sáng ánh đèn, khi đi làm trên những con đường trải nhựa sạch sẽ hàng ngày dù chỉ với một chiếc xe máy cà tàng. Rất nhiều người sống ở Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà thậm chí còn chưa bao giờ hình dung được ra điều tưởng chừng như cực kỳ đơn giản ấy. Ở đây có những con người suốt 20 năm chưa từng bước chân ra khỏi bản, chưa từng đi xa hơn con đường lầy lội gập ghềnh, chưa từng được xem ti vi, chưa từng ngồi quạt máy. Và mỗi ngày khi mặt trời xuống núi, trong nhà chỉ có ánh lửa bập bùng với ngọn đèn dầu không xua đi nổi bóng đêm đặc quánh.

Chính vì cuộc sống khó khăn ấy, nên khi được vận động cho con em đi học, kiếm cái chữ thay đổi tương lai, người dân 3 bản Lũng rất đồng tình. Xuống trường chính thì xa, nên 3 điểm trường được thành lập ở 3 Lũng. Đều là nhà gỗ lợp pro-ximăng, điểm trường Lũng Luông đông học sinh nhất được chừng 10 gian, trong đó 5 gian dành cho 5 lớp với 109 học sinh, còn lại là nhà văn hóa, phòng giáo viên, phòng nội trú. Lũng Hoài có 4 gian, còn Lũng Cà nghèo hơn cả, chỉ có duy nhất 1 gian. Thầy Lương Thành Chính, giáo viên điểm trường Lũng Hoài kể, mùa hè còn đỡ, mùa đông mưa phùn gió bấc thì ngồi trong lớp rồi mà cả thầy lẫn trò vẫn run cầm cập. Thương học sinh, thầy cô gắng sức cắm bản, dù rằng với những giáo viên dạy hợp đồng, lương tháng chỉ có 900.000 đồng.   

Khi đứng trước điểm trường Lũng Hoài, nhìn 4 gian lớp học vách gỗ thưa huếch ấy, ông Park Sung-il đã ngỏ ý muốn giúp xây dựng một dãy phòng học kiên cố bằng tấm panel, sản phẩm của công ty KSG. “Trẻ nhỏ ở Việt Nam cũng như trẻ nhỏ ở Hàn Quốc là tương lai của đất nước nên cần phải được giúp đỡ, cần được chia sẻ yêu thương”, ông Park Sung-il nói về lý do của quyết định ấy. Thầy Chính không giấu được niềm vui. Chúng tôi cũng không giấu được niềm vui. Như bao lần khác, Báo An ninh Thủ đô lại mong tiếp tục được trở thành chiếc cầu nối vững chãi để đưa những tấm lòng nhân ái đến với trẻ nhỏ, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Và ước mơ của thầy trò các Lũng về một lớp học không có gió lùa dường như đang đến gần hơn.