Mong manh những cuộc "tình cả nể"

ANTĐ - Có những tình yêu xuất phát từ sự cả nể. Nó chưa đủ chín muồi để kết tụ thành tình yêu, nhưng nó vượt qua sự giới hạn mong manh của tình bằng hữu.

Đôi khi, chính người trong cuộc, hoặc biết rất rõ, hoặc cố tình không biết để mụ mị bản thân bằng hai chữ tình yêu. Và vì đó, có những mối tình trở thành gánh nặng. Thứ trách nhiệm trên vai trở nên quá nặng nề, và người trong cuộc khao khát được tháo cũi sổ lồng thoát khỏi trạng thái ràng buộc, mệt mỏi đó...

“Ngày xưa nếu không có bác ấy, có khi cả gia đình mình đã chết...”

Đối với Thư, hạnh phúc là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ. Cho tới bây giờ, làm vợ một người đàn ông lịch lãm, phong lưu như Hoàn, cô vẫn không cảm thấy yên lòng, hay tự hào.

Thư biết Hoàn khá lâu, lúc ấy, cả gia đình cô vẫn chưa chuyển xuống Hà Nội sinh sống. Những năm tháng đói khổ, cơ cực vì bố Thư mải mê làm ăn, dốc toàn bộ số tiền cả đời ki cóp, cùng việc thế chấp ngôi nhà để lấy tiền làm ăn, song công việc làm ăn đổ bể, cơ nghiệp tiêu tan như bong bóng. Cả nhà cô lâm vào hoàn cảnh túng thiếu, nợ nần chồng chất. Thư là chị cả, đang học lớp 12, dưới còn có hai em đang tuổi ăn, tuổi học. Bố mẹ bắt đầu tính đến nước cho Thư nghỉ học ở nhà, dù con đường Đại học đang rộng mở phía trước mặt.

Cô nhớ những sáng sớm tinh mơ, mới mở mắt đã thấy người ta tới xiết nợ, lăng nhục bố cô bằng những lời lẽ thậm tệ bởi khoản nợ hiện thời không có khả năng thanh toán. Và trong cơn bần hàn đó, bác Tuấn - hàng xóm tốt bụng nhà cô đã dang tay cứu giúp. Việc đầu tiên là bác khuyên bố mẹ Thư không được phép bắt Thư ở nhà làm ruộng, phải đi học để kiếm con chữ, tìm cách thay đổi cuộc đời. Ngoài ra, vợ chồng bác Tuấn còn cho bố mẹ cô vay tiền để trang trải nợ nần và gây dựng lại cuộc sống từ đầu. Với số tiền ấy, bác hoàn toàn có thể đầu tư sinh lời, nhưng bác dành cho bố mẹ Thư đơn giản chỉ là sự dang tay giúp đỡ trong cơn hoạn nạn.

Qua thời kỳ sóng gió, bố mẹ cô bắt tay gây dựng lại từ đầu. Từ những đồng tiền vợ chồng bác Tuấn giúp đỡ, bố mẹ Thư đã mở một xưởng gỗ và làm ăn ngày càng thuận lợi. Việc nuôi Thư ăn học đại học và các em học trung học không trở nên ngặt nghèo như trước. Gia đình bác Tuấn chuyển xuống Hà Nội định cư. Lúc chia tay, bố mẹ Thư rưng rưng nhắc mãi: “Nếu ngày ấy không có hai bác, không biết vợ chồng, con cái nhà em sống làm sao”. Những ngày Thư học đại học, hai bác hàng xóm tốt bụng xin bố mẹ Thư cho cô ở cùng nhà, vừa đỡ đần tiền trọ học, lại có cơ hội hàn huyên chuyện cũ. Những cưu mang ấy, Thư tự nhủ không bao giờ được phép quên.

Thế nhưng, khi bố cô rủ rỉ đề nghị Thư yêu Hoàn - con trai bác Tuấn, cô băn khoăn mãi. 4 năm học đại học, Thư ở cùng nhà với anh, trò chuyện trên trời dưới bể với anh, nhưng trong thâm tâm cô chưa bao giờ nghĩ tới việc yêu hay lấy anh làm chồng. Thảo nào, mấy lần Thư thấy bác gái bóng gió xa xôi: “Cháu yêu thằng Hoàn nhà bác, hai gia đình ta vốn thân thiết gắn bó lại thêm khăng khít”, Thư cứ ngỡ bác nói đùa.

Hoàn hơn Thư 3 tuổi, anh là một chàng trai tốt bụng, đào hoa, có thể chia sẻ với Thư nhiều chuyện sâu kín chẳng khác nào một người bạn tốt bụng, thân thiết. Và đặc biệt, Thư cảm nhận được tình cảm đặc biệt Hoàn dành cho mình suốt những năm tháng cô ở nhờ nhà anh, song về phần cô, chưa có tình cảm nào vượt quá tình anh - em bấy lâu gắn bó. Kể cả khi Thư đi làm, anh vẫn không ngừng quan tam, yêu mến cô giống như thời đại học.

Thư trò chuyện cùng bố rất nhiều. Cô nói với ông rằng tình cảm không thể gượng ép. Bố Thư một mực khẳng định: “Bây giờ có thể chưa nảy sinh tình yêu, nhưng chắc chắn tình cảm sẽ được vun đắp qua năm tháng. Vả lại, hai gia đình nhà ta đã quen biết nhau từ lâu. Hiếm có một gia đình tốt bụng, gia giáo như thế. Ngày xưa nếu không có hai bác ấy giúp đỡ, có lẽ cả gia đình ta đã không sống nổi đến ngày hôm nay. Món nợ ân nghĩa đó, con hãy thay bố mẹ trả cho hai bác và thằng Hoàn...”. Thư suy nghĩ rất nhiều, sự tác hợp hai gia đình, sự nồng nhiệt của Hoàn khiến cô xao động và cuối cùng Thư đã gật đầu về làm vợ anh.

Nhưng cuộc sống gia đình không giống như cô tưởng tượng. Bố mẹ chồng tốt tính, nhân hậu, chồng yêu chiều, cưng nựng, nhưng Thư luôn cảm thấy tình cảm trong cô hao hụt. Nó chưa đủ chín để gọi là tình yêu, nhưng đã trót bước chân vào, Thư không có đường quay lại. Cô là nàng dâu tốt, hiếu thảo với bố mẹ chồng - điều cô luôn tâm niệm, thay bố mẹ trả món nợ ân nghĩa cho gia đình nhà chồng. Thư là người vợ đảm, làm anh nở mày, nở mặt với bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng, có ai hiểu có nhiều đêm cô không ngủ được, bởi nỗi mệt mỏi khi để bản thân hài lòng và nhu nhược với chính mình. Cuộc sống của Thư, nhiều người đàn bà mơ ước có được, song với chính bản thân cô, Thư không cảm thấy mình thật sự hạnh phúc.

Với một người tinh tế như Hoàn, anh cảm nhận được sự bất thường của vợ. Từ một người anh trai của cô ngày xưa, Hoàn đổi vai trở thành người chồng và anh tự khoác lên mình chiếc áo gia trưởng và được quyền dàn xếp cuộc sống của vợ. Anh bắt đầu quản thúc thời gian đi làm, tiếp khách của Thư. Anh nhắc nhở cô bổn phận làm vợ, làm dâu hàng ngày - những thứ Thư chưa bao giờ cho phép mình xao nhãng. Cuộc sống ngột ngạt, mệt mỏi cứ thế ngày qua ngày trôi qua đời cô. Đôi khi, Thư ao ước được giải thoát hoặc được quyền lựa chọn lại, có lẽ, cô đã dũng cảm dám sống với con người và xúc cảm thật của chính mình hơn.

Phản bội chính mình là điều tệ hại nhất

Hà Nội những ngày đỏng đảnh của thời tiết cũng khiến người ta dễ bực bội, cáu bẳn, giận hờn, giống như trạng thái cảm xúc của người phụ nữ tên Ly trong phiên tòa chiều muộn hôm đó. Chị xinh đẹp, toát lên vẻ lắm tiền, trong khi chờ đợi tới lượt phiên xét xử ly hôn của mình, chị lần lượt trưng diện những thứ công nghệ đời mới nhất, vừa nhấp nhổm tỏ ý nóng ruột, vừa lầm rầm những lời cau có. Chồng chị - Phương, ngồi ở hàng ghế nguyên đơn bên cạnh, mặt mũi vô hồn, ngơ ngác ẩn chứa nỗi buồn không sao lột tả được. Cách biểu hiện cảm xúc của hai người đó hoàn toàn trái ngược nhau.

Phiên tòa bắt đầu, bên nguyên đơn được trình bày trước. Không giống như những phiên tòa ly hôn, các cặp vợ chồng kéo nhau ra tòa và thường đổ hết tội lỗi cho người kia, dành về phần mình phần vô tội của kẻ “bị hại”, thì ở đây, Phương nhận tất cả lỗi lầm về mình bằng một câu nói ngắn gọn: “Lỗi lầm là do tôi. Tất cả là của tôi. Xin cho phép chúng tôi ly hôn”. Trong khi anh nói, chị vợ vẫn mải mê bấm bấm, nháy nháy chiếc điện thoại cảm ứng màu trắng sành điệu, thi thoảng ngước lên anh với ánh nhìn lộ rõ vẻ khinh khi, bài xích.

Trong câu chuyện tôi nghe được của những người dự khán - hầu hết là người nhà và bạn bè của cả nguyên và bị đơn. Chắp nối những lời kể rời rạc, thì ra, cặp đôi này mới cưới nhau được hơn 1 năm sau thời gian 2 tháng tìm hiểu, yêu đương, hò hẹn. 4 năm trước, khi là cậu sinh viên tỉnh lẻ mới ra trường, cố gắng bám trụ tại Thủ đô, cuộc sống của Phương gặp không ít khó khăn. May mắn mỉm cười khi Phương trúng tuyển vào công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam. Có năng lực, cùng với ý chí thèm khát được khẳng định bản thân, Phương nhanh chóng bộc lộ tài năng ở các vị trí quan trọng và lọt vào mắt xanh của ông Tổng Giám đốc. Trong đợt phân công công tác đi nước ngoài tu nghiệp, Phương nổi lên là ứng cử viên nặng kí, nhưng anh từ chối với lý do gia đình chưa đủ điều kiện và bố mẹ già cần người chăm sóc.

Chính ngài Tổng Giám đốc tốt bụng đã động viên anh yên tâm đi tu nghiệp, phần bố mẹ anh sẽ được ông giúp đỡ đặc biệt. Trở về Việt Nam sau 2 năm học tập ở trời Tây, trong lòng anh luôn canh cánh ân nghĩa của người Tổng Giám đốc tốt bụng dành cho và tìm kiếm cơ hội đáp trả. Ông luôn có ý tác hợp con gái ông với Phương, nhưng hiềm một nỗi trong thời gian ở nước ngoài, anh đã quen và yêu một cô gái khác, song trước sự nồng nhiệt của ông cùng món nợ ngày nào, Phương gật đầu chấp nhận đám cưới và mang danh kẻ phụ bạc, vì tiền mà lãng quên tình xưa nghĩa cũ.

Người ta thường bảo “cái gì dễ dàng đạt được sẽ dễ dàng mất đi”, giống như chuyện tình cảm của Phương và Ly - con gái ngài Tổng Giám đốc. Vội vàng đi tới hôn nhân, giờ Phương mới thấm thía và ân hận cho quyết định gấp gáp của mình. Giữa Ly và Phương dường như hai thế giới khác biệt. Họ quá ít thời gian để hiểu nhau và trong thâm tâm Ly, cô luôn cho rằng Phương đến với mình vì tham lam món gia tài kếch xù của bố cô. Từ đó, thái độ tôn trọng chồng của Ly gần như không có.

Khi đi tới quyết định ly hôn con gái cưng của ông Tổng Giám đốc, Phương biết trước số phận sắp tới của mình, song, một lần phản bội chính mình đã là quá đủ, thêm một lần nữa chẳng khác nào Phương tự triệt tiêu phần kiêu hãnh mỏng manh còn sót lại. Lời cuối cùng trong phiên toà ấy, Phương rầu rầu: “Phản bội chính mình là điều tệ hại nhất. Món nợ ân nghĩa có nhiều cách để trả, mang hạnh phúc hôn nhân ra làm vật thay thế ngang giá là một sai lầm không thể tha thứ được...”.

Phiên toà khép lại bằng tiếng búa chát chúa của bị chủ tọa, ai nấy ra về, riêng người ghi chép bài này chợt nhớ một lời dạy của đức Phật: “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm”, quả đúng thật!