Mong manh lằn ranh chiến tranh hay hòa bình ở Syria

ANTD.VN - Syria hiện đang ở vào giai đoạn quan trọng, quyết định ngả sang phía hòa bình để bắt tay vào tái thiết đất nước sau chiến tranh hay rơi vào vực thẳm xung đột bạo lực.

Mong manh lằn ranh chiến tranh hay hòa bình ở Syria ảnh 1Syria đang rất cần một giải pháp hòa bình để tái thiết đất nước sau 7 năm chiến tranh

Không phải bột phát mà Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cho rằng vòng đàm phán tại Vienna (Áo) trong hai ngày 25 và 26-1 là “thời điểm then chốt” đối với nỗ lực tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng Syria. Đây là cuộc đàm phán hiếm hoi có sự tham gia đầy đủ của cả phái đoàn Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các phe nhóm đối lập nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho đất nước đã phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề sau 7 năm chiến tranh ác liệt.

Theo thống kê, cuộc chiến tranh kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, thiệt hại vật chất hàng trăm tỷ USD. Đất nước này hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử với 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người chạy tị nạn ra nước ngoài. Chưa kể 10 triệu người khác dù không phải rời bỏ nhà cửa nhưng đang sống trong cảnh khốn khó.

Lẽ ra, trước hiện trạng bi đát như vậy của đất nước thì các lực lượng, phe nhóm và sắc tộc tại Syria phải gạt bỏ toan tính cùng lợi ích riêng để chung tay tái thiết đất nước. Song thực thế, họ lại đang xem trọng lợi ích của mình hơn là lợi ích tạo dựng một môi trường hòa bình và ổn định, điều kiện tối quan trọng để tái thiết đất nước.

Trước đây, khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là kẻ thù lớn nhất thì các lực lượng, sắc tộc tại Syria đã đặt xuống thứ yếu để tập trung sức mạnh chiến đấu với kẻ thù chung. Tuy nhiên, khi IS đã bị đánh bại, phe phái và sắc tộc nào ở Syria cũng muốn triệt tiêu đối thủ, không ai muốn là “nhân vật thứ yếu” trên “bàn cờ” Syria lúc này. 

Chính vì thế, vòng hòa đàm thứ 8 về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva (Thụy Sỹ) vào trung tuần tháng 12-2017 vừa qua không chỉ thiếu vắng đại diện của tất cả các lực lượng hiện nay tại Syria mà cũng không đạt được bất kỳ tiến triển nào. Không tìm được tiếng nói chung về một giải pháp hòa bình hậu chiến, Syria khó lòng có được môi trường thuận lợi để tái thiết đất nước.

Trả lời về ý nghĩa cuộc đàm phán đang diễn ra tại Vienna, Trưởng đoàn đàm phán đại diện cho phe đối lập Syria Nasr Al-Hariri cho rằng, 2 ngày đàm phán tại đây là “một bài kiểm tra thực sự đối với tất cả các bên”. Còn giới phân tích nhận định, đây là dịp để phe đối lập và chính quyền Syria cho thấy quyết tâm theo đuổi một giải pháp được quốc tế ủng hộ trong khi cộng đồng quốc tế cho thấy quyết tâm đạt được một giải pháp chính trị. 

Cũng chỉ sau vài ngày cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ tại Vienna, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang mời tất cả các phe phái ở Syria cùng các cường quốc, quốc gia liên quan tới tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tổ chức trong hai ngày 29 và 30-1 tới tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen của Nga. Cuộc đàm phán quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham dự của hơn 1.700 người và do Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân chủ trì này được trông đợi sẽ thảo luận việc soạn thảo Hiến pháp Syria mới và dựa trên nền tảng pháp lý then chốt này để tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau chiến tranh dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. 

Thế nhưng, đáng tiếc là việc một số nhóm đối lập tại Syria hiện tuyên bố không tham gia cuộc đối thoại trên đây và điều này làm dấy lên lo ngại đất nước này có thể trở lại xung đột bạo lực. Bỏ lỡ cơ hội hòa bình tại Vienna hiện nay hay Sochi sắp tới, đất nước Syria có nguy cơ trở lại cuộc nội chiến đầy đau đớn.