Mong "đường dây nóng" đừng "nguội"

ANTĐ - Việc Bộ NN&PTNT thông báo “đường dây nóng” để người dân có thể báo tin thực phẩm bẩn đã khiến rất nhiều người phấn khởi.

Phấn khởi, tất nhiên không phải vì số tiền thưởng từ 1-50 triệu cho những tin báo có giá trị, mà vì từ đây, người dân đã có thể là tai, mắt của các cơ quan chức năng, giúp cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện, xử lý những cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vi phạm hơn. Qua “đường dây nóng”, cũng đã có một số vụ việc bị xử lý, một vài cá nhân được thưởng tiền, đem đến một hy vọng mới cho vấn đề VSATTP mà các cơ quan chức năng đang rất khó kiểm soát trong thời gian gần đây.

Nhưng lại cũng có một câu chuyện khác về “đường dây nóng” cũng được nhắc đến vài ngày nay. Có điều, nó lại là chuyện buồn. Đó là chuyện về những số điện thoại “đường dây nóng” ở các bệnh viện. Vừa qua, Bộ Y tế đã phân công cán bộ gọi điện kiểm tra đột xuất các “đường dây nóng” của các bệnh viện. Qua kiểm tra, có 304 số điện thoại “đường dây nóng” của các bệnh viện dù gọi 3 lần không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại báo không tồn tại, 40 số tắt máy hoàn toàn trong các lần gọi và 1 số điện thoại hệ thống báo tạm ngắt. Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Sở Y tế và một số bệnh viện để xảy ra tình trạng trên, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm chế độ trực điện thoại đường dây nóng.

Có thể khẳng định, “đường dây nóng” là một kênh thông tin hiệu quả và rất cần được các cơ quan, đơn vị trân trọng bởi những thông tin “nóng” sẽ giúp các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong ngành mình, lĩnh vực mình thông qua tiếng nói từ nhân dân, thông qua việc giám sát của nhân dân. Có thể nói, không chỉ “đường dây nóng” trong lĩnh vực thực phẩm, y tế, mà người dân còn hy vọng có thêm nhiều “đường dây nóng” nữa trong mọi lĩnh vực.  

 Quay trở lại “đường dây nóng” về VSATTP, tiền thưởng dù mang ý nghĩa khuyến khích rất lớn, nhưng nhu cầu lớn hơn cả của người dân là quyền lợi, sự an toàn của mình được đảm bảo. Vì vậy chắc chắn sẽ không ít người sẵn sàng cung cấp những thông tin tiêu cực cho các cơ quan chức năng. Và đường dây nóng, hay bất cứ hình thức thu nhận thông tin phản ánh nào cần nhất vẫn là thiện chí, tinh thần cầu thị của cơ quan chức năng. Chứ “đường dây nóng” mà cứ “nguội” thì cũng chẳng ích gì, lại hao hụt thêm niềm tin của người dân. Hy vọng “đường dây nóng” tố giác thực phẩm bẩn không bị “nguội” dần đi như đường dây nóng y tế. Và cũng mong rằng khi đã được người dân tin tưởng cung cấp thông tin rồi, các cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý để cái xấu phải chùn bước trước tai mắt nhân dân.