Mòn mỏi chờ chồng, ngóng con trước biển

ANTĐ - Phận người phụ nữ miền biển mặn mòi mồ hôi và đắng cay nước mắt. Với họ, cuộc đời là chuỗi ngày mòn mỏi đợi chồng, ngóng con và chật vật mưu sinh trong những ngày biển động...

Nước mắt chờ chồng

Chúng tôi về xã Quảng Phúc (H.Quảng Trạch, Quảng Bình), mảnh đất lắm bão nhiều giông. Đến hôm nay, chị Nguyễn Thị Tuyết và bà Nguyễn Thanh Xuân vẫn không thể ngờ được chuyến ra khơi định mệnh cuối tháng 9-2010 đã cướp đi mất người chồng, người con yêu quý của họ và trôi hết tài sản. Và đớn đau hơn, những người đàn ông của họ đã nằm lại đâu đó giữa lòng đại dương sâu thẳm. Không tìm thấy xác, điều duy nhất những người đàn ông mất tích để lại là nỗi đau tột cùng cho những người đang sống. Ba tháng trời ròng rã kể từ ngày đó, hai người phụ nữ cứ dắt díu nhau đi khắp các miền quê ven biển, nghe ngóng tin tức về chồng, về con. “Chỉ cần ai mách ở đâu có xác người trôi dạt vào bờ là chị em tui lại đi, nhưng đi mãi vẫn không thấy chi hết”, bà Xuân nghẹn ngào. Chạm đến nỗi đau, những giọt nước mắt tưởng chừng đã cạn khô vì mất mát lại không ngừng tuôn chảy.

“Răng đời tụi tui quá khổ, chồng còn sống cũng phải đợi, chừ chồng chết rồi cũng phải đợi tin chồng?”, câu hỏi của chị Tuyết cứ ám ảnh mãi trong suy nghĩ của người viết. Đau đớn thay, đó lại là mẫu số chung của những người phụ nữ miền biển. Quanh năm, khi chồng con lênh đênh mưu sinh trên biển, một mình người phụ nữ ở nhà với nỗi ngóng trông, thấp thỏm, vừa phải lo toan việc nhà. Những ngày hiếm hoi cả gia đình được vui vầy, họ lại tất bật chuẩn bị cơm nước, đồ đạc cho chuyến đi biển tiếp theo. Những ngày biển động, khi những người đàn ông chưa kịp quay vào bờ, người phụ nữ lại mòn mỏi chờ đợi. Họ ngày ngày ra bờ ngóng trông hết chồng đến con, vò võ như những “hòn vọng phu” thời hiện đại.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Tuyết ngóng chồng trong tuyệt vọng.

 Mẹ con chị Nguyễn Thị Tuyết ngóng chồng trong tuyệt vọng.

Theo chị Nguyễn Thị Nhâm, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã vùng biển Hải Ninh (xã Quảng Ninh) phần đông phụ nữ quê chị đều vất vả, thu nhập chủ yếu dựa vào nghề đi biển. “Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, một năm 12 tháng thì đã có 8 tháng trời họ phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Sau mỗi đợt gió mùa, mỗi trận bão lớn hay gió lốc, những người mẹ, người vợ ở các làng biển lại thấp thỏm lo cho số phận của chồng, con đang lênh đênh ngoài khơi. Tai họa có thể ập đến bất cứ tổ ấm bé nhỏ nào. Không ít người phụ nữ vùng biển đã trở thành góa bụa vì những cơn giận dữ của biển. Cuộc đời họ lại càng chất chồng những tủi cực và vất vả.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Khi được hỏi về người chồng đã mất tích cùng con tàu cá số hiệu QB-93893, chị Nguyễn Thị Tuyết lại nghẹn ngào nước mắt: “Khổ lắm, chồng chết rồi, nợ nần thì không biết khi mô mới trả hết, cũng không biết lấy chi để nuôi con ăn học”. Ngày còn sống, chồng chị, anh Nguyễn Ngọc Tiến là trụ cột chính để nuôi sống gia đình. Suốt mấy năm chắt bóp, rồi vay thêm tiền ngân hàng, hai anh chị mua một con tàu đánh cá và xây được căn nhà kiên cố. Căn nhà xây xong chưa được bao lâu, anh đột ngột ra đi, để lại cho chị món nợ ngân hàng gần 700 triệu đồng và những đứa con thơ không biết tương lai sẽ về đâu. “Thấy tui cực khổ, có người thương tình muốn xin con bé út về nuôi. Chừ cho hắn đi thì quá tội, mà để hắn lại thì không biết lấy chi nuôi hắn ăn học. Tui lại đang mắc bệnh u xơ tử cung nữa”, chị lại khóc, nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt khắc khổ.

Bà Nguyễn Thanh Xuân (xã Quảng Phúc, Quảng Trạch) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Chồng bị bệnh thần kinh, đứa con trai duy nhất cũng đã mất trong chuyến đi biển hồi đầu tháng 10-2010. Bà nghẹn ngào nhớ lại, “Tháng 9, vợ chồng tui đi vay ngân hàng để đóng tiền cho hắn đi xuất khẩu lao động. Hắn chưa kịp đi thì đã bị chết giữa biển rồi. Chừ vợ chồng tui không biết làm răng để trả hết nợ?”. Khi trụ cột chính trong gia đình mất đi, những người phụ nữ như bà lại phải vất vả mưu sinh. Cuộc sống không biết bao giờ mới thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của cái đói, cái nghèo?

Kể từ ngày con trai mất tích, bà Nguyễn Thanh Xuân vẫn mong ngóng tin.

 Kể từ ngày con trai mất tích, bà Nguyễn Thanh Xuân vẫn mong ngóng tin.

Tất tả mưu sinh

Chị Nguyễn Thị Diễu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quang Phú (TP Đồng Hới, Quảng Bình) cho hay: Hiện toàn xã có 600/627 hội viên làm nghề khai thác và chế biến hải sản. Cuộc sống của những người phụ nữ nơi đây đa phần vất vả. Đời sống gia đình họ nương nhờ cả vào những chuyến đi biển dài ngày của những người đàn ông trụ cột. Một năm có 4 tháng trời biển động, những con thuyền chỉ biết neo đậu, tựa lưng vào bờ. Người phụ nữ nơi đây phải tìm đủ mọi cách, làm đủ mọi nghề để nuôi sống gia đình: từ phụ hồ, bán dạo đến mua bán ve chai... Nhưng những đồng tiền vất vả kiếm được cũng không đủ để giúp họ đổi thay cuộc đời.

Nhiều phụ nữ đã phải bỏ nghề biển, bỏ quê đi xuất khẩu lao động. Cuộc sống nhờ thế mà khấm khá hơn nhưng đổi lại, họ phải một mình vò võ nơi đất khách. “Không ai muốn ly hương, Phụ nữ xã Quang Phú cũng rứa, nhưng một khi cuộc sống quá vất vả thì họ buộc phải xa nhà. Kiếm được đồng tiền gửi về, họ cũng phải cực khổ đủ bề.”- chị Nguyễn Thị Diễu bộc bạch. Vừa qua, Trường Trung cấp nghề số 9 tỉnh Quảng Bình đã mở lớp đào tạo nghề chế biến thủy hải sản cho hội viên Hội Phụ nữ Quang Phú, với mong muốn giúp họ cải thiện đời sống nhờ vào những tiềm lực sẵn có của địa phương. “Nhưng không có vốn thì chắc cũng không đủ điều kiện để họ có thể mở được cơ sở sản xuất”, chị Diễu trăn trở.