Môn Lịch sử đang dẫn đầu trước hạn chót đăng ký thi THPT quốc gia

ANTD.VN - Hệ thống phần mềm dữ liệu của Bộ GD-ĐT sẽ chốt số liệu vào tối nay 20-4, chấm dứt việc đăng ký thêm hay thay đổi nguyện vọng các môn thi.

Nhiều học sinh chọn phương án an toàn với tổ hợp môn thi khoa học xã hội

Theo số liệu tính đến thời điểm chiều 19-4, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia lên tới hơn 800.000. Xu thế ngược hẳn với các năm trước là thí sinh dành sự ưu ái cho các môn xã hội, trong đó, riêng môn Lịch sử lần đầu tiên đoạt ngôi đầu trong sự lựa chọn của thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017.

Nghiêng hẳn về bài tổ hợp khoa học xã hội

Số liệu cập nhật đến chiều 19-4 từ Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có 804.331 thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ là 601.477, chiếm 74.78%. Đáng chú ý, tỷ lệ chọn các bài thi đối với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên là 305.707 chiếm 38.01%, trong khi tỷ lệ chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội là 396.052, chiếm 49.24%.

Đây cũng là lần đầu tiên môn Lịch sử lọt top đầu môn thi được nhiều thí sinh lựa chọn với hơn 350.000 thí sinh, tiếp đến là Địa lý hơn 347.000, Giáo dục công dân hơn 308.000. Số liệu giảm dần ở các môn Hóa, Vật lý, Sinh. 

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ về việc miễn thi THPT quốc gia và xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ năm 2017.

Theo đó, trong kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2017, đã có 135 học sinh lớp 12 tham gia dự thi. Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục miễn thi THPT quốc gia và xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ năm 2017 đối với các thí sinh nói trên theo quy định. 

Chia sẻ về lựa chọn của mình, Nguyễn Phương Hà, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, đây là phương án an toàn vì qua kỳ thi thử, em thấy tổ hợp các môn khoa học tự nhiên  khó hơn so với bài thi tổ hợp các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn Toán.

Thời gian mỗi câu chỉ được hơn 1 phút phải tính toán ra được kết quả đúng, nếu kéo dài thời gian làm ở câu trước thì các câu sau không kịp. Trong khi đó, bài thi Lịch sử tưởng khó “ăn” điểm nhưng lại dễ hơn nhiều. “Chỉ cần mình tư duy khi học một chút hoặc có thể dùng phép loại trừ từ những câu trước là đã có điểm rồi” - Nguyễn Phương Hà nói.

Cách thi thay đổi nên sự lựa chọn cần thay đổi

Chị Trần Mai Lan, phụ huynh học sinh trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Sau khi được đại diện Bộ GD-ĐT giải đáp thắc mắc trong buổi tư vấn hướng nghiệp trước kỳ thi THPT quốc gia 2017, tôi bàn với con chọn cả hai bài tổ hợp. Nguyên nhân do con tôi không nổi trội môn nào, trong khi môn khoa học tự nhiên có nhiều trường sử dụng để xét tuyển thì môn khoa học xã hội lại dễ ghi điểm với cách thi trắc nghiệm. Việc thi cả 2 bài thi tổ hợp không quá áp lực lại có nhiều cơ hội để lựa chọn, xét tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển ĐH, CĐ”.

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, nguyên nhân của xu hướng trên là do năm nay kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ có nhiều thay đổi. Các môn thi xã hội trong đó có Địa lý, Lịch sử chuyển sang thi trắc nghiệm, không phải thi tự luận, do đó cũng không cần học sinh phải học thuộc dài dòng như trước. Bên cạnh đó, khi xuất hiện các bài thi tổ hợp, thí sinh được quyền lựa chọn 1 trong 2 bài thi và cũng có thể thi cả 2 để lấy điểm nào cao nhất sử dụng xét tuyển.

Hôm nay 20-4 là hạn chót việc thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Sau ngày 20-4, thí sinh không được thay đổi các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký. Theo đăng ký của các Sở GD-ĐT trên cả nước, năm 2017, sẽ có 955.000 thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia, kể cả các thí sinh tự do. So với năm 2016, số lượng thí sinh đăng ký dự thi năm nay cao hơn 55.000 thí sinh.