Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh :

Mỗi việc phải có một cơ quan đầu mối thực hiện

ANTD.VN - “Nguyên tắc của chúng ta rõ ràng, rành mạch, cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật. Chúng ta  không xây dựng chính sách có tính phân biệt đối xử, tạo ra cơ chế cấp phép xin – cho, không phù hợp với nguyên tắc của thị trường và tổ chức thương mại thế giới”…

 Đó là phát biểu giải trình về dự án Luật Quản lý ngoại thương của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trước Quốc hội sáng 7-11. Theo Bộ trưởng, về trách nhiệm của quản lý Nhà nước về ngoại thương, Dự thảo thống nhất giao cho Chính phủ về ngoại thương, nguyên tắc này phù hợp với môi trường ngày càng minh bạch công khai: Mỗi việc phải có một cơ quan đầu mối thực hiện. Trong Dự thảo có một số nội dung gây ra sự e ngại của không ít ĐBQH, doanh nghiệp về việc tập trung quyền lực cho các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Công Thương. Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, nguyên tắc của chúng ta rõ ràng, rành mạch, cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, tuy quy định như vậy nhưng mọi khuôn khổ pháp lý xây dựng phải tương thích, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế. Nghĩa là bất kỳ biện pháp quản lý nào của Chính phủ thông qua các chính sách cụ thể đều chịu sự ràng buộc và phải phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế. Chúng ta không xây dựng chính sách có tính phân biệt đối xử, tạo ra cơ chế cấp phép xin – cho, không phù hợp với nguyên tắc của thị trường và tổ chức thương mại thế giới. “Với một Luật quan trọng trong hoạt động về quản lý ngoại thương, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ thêm các nguyên tắc, nội dung cụ thể nhằm quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đầu mối để xây dựng Luật có giá trị thực tiễn” – Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc phân cấp trao trách nhiệm cho chính quyền ở các địa phương trong một số hoạt động đặc thù, lĩnh vực như tạm nhập tái xuất, chỉ định các cửa khẩu… nhằm phù hợp với thực tiễn song không vi phạm với cam kết hội nhập quốc tế.

Về việc áp dụng công nghệ thông tin dịch vụ công trực tuyến để thực hiện tốt cải cách hành chính vào hoạt động quản lý ngoại thương, tránh lạm dụng, trục lợi trong chính sách quản lý của Nhà nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nội dung này sẽ được tiếp tục cụ thể hóa, không chỉ trong văn bản dưới luật. Thời gian qua, Bộ Công Thương rất tích cực triển khai thực hiện các hoạt động cải cách hành chính, dịch vụ hành chính công trực tuyến. Dự kiến đến năm 2017 các dịch vụ hành chính công trực tuyến của Bộ Công Thương sẽ lên mạng hoàn toàn, chịu sự giám sát của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình

Đối với, các biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu nhập khẩu, trước lo ngại của một số ĐBQH, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các biện pháp này không vi phạm các quy định của tổ chức thương mại thế giới, đây là thẩm quyền của Nhà nước, nhưng phải có nguyên tắc và lý do xác đáng. “Chúng tôi sẽ làm rõ hơn nữa về sự khác biệt giữa biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, các biện pháp cấm và những nguyên tắc liên quan nhằm đảm bảo minh bạch, công khai các nguyên tắc này, tránh tình trạng lợi dụng, lạm dụng việc tập trung quyền lực vào cơ quan quản lý nhà nước” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.