Kỳ thú nẻo đường xuân Tây Bắc (7)

Mời vị thần lửa… uống rượu

ANTĐ - Chuyện giữ lửa đối với đồng bào ở Tây Bắc là sự thủ công kỳ diệu. Họ có thể giữ lửa bằng cách cho lửa cháy quanh mình trong suốt mùa đông.
Chuyện giữ lửa đối với đồng bào ở Tây Bắc là sự thủ công đến kỳ diệu. Họ có thể giữ lửa bằng cách cho lửa cháy quanh mình trong suốt mùa đông.
Mời vị thần lửa… uống rượu ảnh 1
Đồng bào Mông ở Mộc Châu, Sơn La kiêng kỵ khi
bắc cơm ra mà không vùi vết đáy nồi dưới tro

“Khai hỏa” du xuân

Mở đầu cho một năm mới của đồng bào Mông ở Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La là việc dâng lên vị thần bếp lửa những lời tốt đẹp để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa. Như thường lệ, vào mùa xuân này, anh Mùa A Páo, ở Loóng Luông dọn dẹp bếp lửa thật sạch sẽ, tươm tất để lập một bàn thờ ngày xuân cho nơi đun nấu của gia đình rồi đốt lên ánh lửa cháy rực hồng xua tan cái giá lạnh của mùa đông.

Bao giờ cũng vậy, đầu năm mới, ánh lửa sẽ là vị thần đầu tiên gia chủ hướng đến để khởi đầu cho một năm may mắn. Đốt lửa đầu năm được xem như đốt đi những điều xui quẩy của năm vừa qua. Theo quan niệm của đồng bào Mông, ở Mộc Châu, bếp không chỉ là nguồn sống mà trong đó còn có một vị thần tối cao xua tan những điều xấu hoặc ma quỷ, nếu có ý định gây hại cho dân bản. Chính vì vậy, bếp luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong gian nhà của họ, và được tôn thờ như một vị thần đầy sức mạnh.

Không khác mấy so với lễ cúng ông công, ông táo của đồng bào miền xuôi, đồng bào Mông ở Mộc Châu có lễ cúng thần bếp vào dịp Tết. Vào ngày này, đồng bào Mông mang đến cho gian bếp những đồ lễ mà gia chủ có trong dịp Tết, sau khi lễ thần lửa xong, họ quây quần bên bếp vui những chén rượu để thần lửa cùng đón điều may mắn cho một năm sắp tới, ngô đầy sân, lúa đầy bồ... Và khởi đầu cho cuộc chúc du xuân, họ luôn mời bếp một chén rượu cho bùng lên ngọn lửa may mắn đầu năm.


Ngày đông giá bếp lửa là nơi giao lưu, đón khách

Ở vùng cao Tây Bắc, cái lạnh vào mùa đông thật khắc nghiệt. Có những năm sức kéo của bò mộng, ngựa thồ còn phải gục gã trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Song, hiếm khi đồng bào Mông ở nơi này bị đổ bệnh do giá lạnh cả. Những điều may mắn mà cuộc sống mang lại, họ cho rằng điều đó luôn có vị thần hộ mệnh qua khỏi trong mỗi mùa đông. Đó là vị thần lửa đầy sức mạnh đã ở ngay trong nhà mình.

Theo cái lý của đồng bào Mông ở Mộc Châu, Sơn La, điều kiêng kỵ nhất là những cây củi mang về không phải là củi sạch. Củi mang về dâng cho thần lửa phải là thứ tự gia chủ kiếm chứ không phải lấy cắp, hoặc củi dính bụi bẩn như phân bò, phân ngựa...  Củi đốt dính bẩn sẽ làm toét mắt dân bản. Củi của người khác kiếm để trên rừng mà mình đem về đun thì đó là việc coi thường thần lửa…Làm những điều cấm kỵ sẽ bị thần lửa trừng phạt trong những mùa đông năm sau.

Đối với đồng bào nơi đây, việc đun nấu thường là bếp củi, vì thế những quy luật của dân bản quan niệm thì ai cũng như nhau cả. Đó là lễ cúng bếp lửa vào dịp Tết. Điều đặc biệt mà ta có thể thấy trong bếp của đồng bào nơi đây, đó là treo thịt gác bếp. Đó là sản vật ngon nhất mà họ dâng lên bếp lửa trước hết, rồi tiếp đến mới là gia đình hạ xuống ăn.


Anh Páo lập bàn thờ thần lửa vào ngày Tết

Mặc dù những năm gần đây, tủ lạnh được đồng bào vùng cao dùng như một vật dụng hữu ích trong gia đình, nhưng cách treo thịt gác bếp vẫn được đồng bào lưu giữ như một bảo bối của dân tộc mình. Thịt treo gác bếp, không chỉ là đặc sản, mà họ quan niệm nơi ấy để thịt sẽ không bao giờ bị hỏng là nhờ có vị thần lửa bảo quản một cách tốt hơn tất cả. Từ quan niệm nghìn đời qua, đến nay những món thực phẩm của đồng bào vùng cao đã trở thành đặc sản của nhiều người miền xuôi thường mang về làm quà vào mỗi dịp Tết.

Du xuân Tây Bắc vào dịp đông giá, khách được gia chủ tiếp ngay bên bếp lửa ấm áp. Đôi bàn tay lạnh cóng, xòe hơ vào ngọn lửa cho đến khi ửng hồng cả đôi má. Đó là cách mà đồng bào Dao tiền ở Phiêng Luông, Mộc Châu thường trọng khách bằng mời vào bếp để thể hiện sự thân thiện. Không câu lệ, không hoa mỹ, khách đến nhà dù sang hay hèn thì đều như nhau, họ lấy ghế nhỏ mời khách ngồi để sưởi ấm. Trên chặng đường du xuân nẻo Tây Bắc, chẳng khó để tiếp hơi ấm của đốm lửa bên đường do bà con đốt sẵn. Khi đường đang còn xa, trời đang còn lạnh thì tạm dừng bên những đống lửa bên đường sẽ là cứu cánh tốt nhất xua tan được giá lạnh để bước tiếp đoạn đường  còn lại…

Đồng bào Dao ở Phiêng Luôn đãi khách vào mùa đông bằng "tiệc" lửa

Kỵ xin lửa đầu năm.

Tục cho rằng lửa mang lại những điều may mắn. Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một mùa, và cũng khởi đầu cho một năm. Quan niệm xin lửa đầu năm sẽ lấy đi những điều may mắn từ gia chủ. Tâm niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào vùng Tây Bắc, chính vì vậy mà ai đó xin lửa ngày Tết sẽ là điều làm gia chủ mất vui. Từ kiêng kỵ mà đồng bào Tây Bắc phát kiến ra cách giữ lửa bao đời nay, giờ vẫn là cách độc đáo được dân bản thường làm.

Đó là cách quấn lửa quanh người cả ngày đi nương mà không bị bỏng. Cách giữ lửa vừa đơn giản nhưng lại không kém phần cầu kỳ. Từ những thứ sẵn trên rừng như bùi nhùi, lá khô bện chặt thành chuỗi dây nhỏ bằng ngón chân cái người lớn. Châm lửa để cháy âm ỉ trong lõi bùi nhùi, rồi quấn vào thắt lưng, khi cần thổi bùng lên thành ngọn lửa để nhóm bếp sưởi ấm. Hay cách đánh lửa tưởng như ở thời nguyên thủy mà bà con vùng cao vẫn thường làm. Chỉ cần thanh cật vầu, cật nứa lấy trên rừng, cộng với chút lá khô là trong ít phút sức người cò cưa thì lửa phát cháy để nướng sắn, nướng ngô một cách ngon lành…

Gác bếp là "tủ lạnh" bảo quản thực phẩm của đồng bào Mông
ở Mộc Châu

nói riêng và Tây Bắc nói chung

Những quan niệm về một vị thần lửa, cho dù chỉ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống phải có, song những người dân ở vùng cao Tây Bắc vẫn luôn coi trọng và thôn thờ. Bởi chỉ có ánh lửa mới có thể đưa họ qua mùa đông khắc nghiệt được. Và chỉ có bếp lửa mới đưa đồng bào gần nhau hơn từ những lần sưởi ấm bên đường hay những lần đi nương rét buốt.

(Còn nữa...)